Sự việc xảy ra tại bệnh viện đa khoa Đức Thọ (Hà Tĩnh) vừa qua đã gây sốc với toàn xã hội. Vậy mà kể từ khi sinh linh bé nhỏ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã chịu cảnh thương tâm, chúng ta chỉ thấy những lý lẽ và giải trình, tuyệt nhiên, không một lời xin lỗi nào được đưa ra…
Với mỗi một bà mẹ, một gia đình hoặc với bất cứ ai, khoảnh khắc đứa trẻ ra đời sẽ luôn là những giây phút tuyệt diệu nhất, đáng nhớ nhất. Nhưng với chị Tình – thai phụ mới đây mất đi đứa con nhỏ ở bệnh viện đa khoa Đức Thọ thì không.
Tai biến sản khoa thời gian gần đây không ít, nhưng chưa bao giờ, chúng ta phải tiếp nhận thông tin kinh hoàng, gây sốc như vụ việc ở bệnh viện đa khoa Đức Thọ. Chính những người trong ngành cũng có người phải thốt lên: “Tôi chưa từng nghe đến trong suốt hơn 30 năm làm nghề”. Và chính vì độ “drama” đó, chẳng có bất cứ điều gì có thể trấn an tâm lý người trong cuộc lúc này.
Việc ai đúng ai sai, cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ, nhưng có một nỗi niềm tôi luôn canh cánh trong lòng khi theo dõi những lời giải trình, đối chất của người lớn sau sự việc.
Gia đình sản phụ đã đặt trọn niềm tin, sinh mạng của vợ con họ vào y đức của bác sĩ. Vậy nhưng, họ nhận lại những gì? Một đứa trẻ đã tử vong không rõ lý do, sinh linh được người mẹ nuôi nấng 9 tháng 10 ngày chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã ra đi tức tưởi.
Các cụ có câu “gái chửa cửa mả” để nói về sự nguy hiểm phụ nữ gặp phải khi sinh con. Ấy vậy mà, người trực tiếp đỡ đẻ cho thai phụ Tình hôm đó lại là một bác sĩ chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt, không có chuyên môn về thai sản và chưa từng làm về sản nhi, bởi vì bệnh viện… thiếu bác sĩ khoa sản.
Trước khi nghe tin dữ, thai phụ còn nuôi hy vọng sắp đón đứa con chào đời khỏe mạnh vì nữ hộ sinh đã kiểm tra tim thai 3 lần và thông báo “đều bình thường”. Nhưng sau đó, sét đánh ngang tai khi tiếng đập đó hóa ra là “nghe nhầm với nhịp động mạch tử cung”. Sự tắc trách của y bác sĩ không đúng quy trình khiến họ không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện.
Và riêng bác sỹ Trưởng khoa sản bệnh viện đa khoa Đức Thọ - người trực tiếp “thử kéo” đứa trẻ và gây ra vết đứt trên cổ dài 8cm rồi tận tay khâu nối lại bằng 8 mũi chỉ cũng khăng khăng rằng “thai nhi đã tử vong trước đó” chứ không phải lỗi của ông.
Người phân công lịch trực dám điền tên bác sĩ Răng – Hàm – Mặt vào trực khoa Sản - đó là sự tắc trách.
Vị bác sĩ không có chuyên môn sản lại dám đảm nhận nhiệm vụ trái chuyên môn, dù trong phòng cấp cứu anh chỉ đứng đó và “họ chỉ cái gì tôi viết hộ cái đó” - ấy là quyết định đi ngược lại lời thề y đức Hippocrate.
Nữ hộ sinh nghe tim thai 3 lần rồi nói mình “nhầm” – liệu họ có xứng đáng được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng khi mắc sai lầm căn bản như vậy?
Vị trưởng khoa sản phải chịu trách nhiệm chính những sự việc xảy ra trong khoa, nhưng một ca sinh nở không thành công, ông cũng chỉ lo biện hộ cho mình, mà không hề có một lần cúi đầu nhận trách nhiệm.
Sau khi xảy ra sự cố, kíp trực đã họp chuyên môn, đánh giá vụ việc, báo cáo lên cấp trên… “không thiếu bước nào”. Duy chỉ có, dư luận hay gia đình sản phụ chưa từng nghe bất cứ lời xin lỗi nào từ phía bệnh viện hay ekip đỡ đẻ.
Lúc này, chắc họ bận phủi trách nhiệm mà quên đi mất cái… tình!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.