Bên trong một bệnh viện ở Boston “thời chiến”

"Không một ai đeo khẩu trang. Dường như "Cô Vy" không có một chút ảnh hưởng nào đến không khí nơi đây", một giảng viên ở Đại học Masachusetts, Boston, Mỹ, đã gửi về tòa soạn báo điện tử Người Đưa Tin những chia sẻ như thế. Xin trân trọng đăng tải bài viết này để quý độc giả cùng hình dung về "một nước Mỹ rất nguyên tắc, rất tuân thủ các chính sách “thời chiến”" .

img

Cổng chính bệnh viện Boston với 6 tờ nội quy mới.

Tôi là một trong số ít người vẫn phải ra đường vì việc bất khả kháng. Tôi làm phiên dịch trong bệnh viện. Biết là rất nguy hiểm nhưng không thể từ chối một ca phẫu thuật, nhất là khi bệnh nhân từ Việt Nam sang, tranh thủ từng ngày để có thể hoàn tất một số ca phẫu thuật, chỉ có thể thực hiện ở Boston. Bệnh viện bỏng Shriners’ ở Boston là một bệnh viện nhiều uy tín, vừa chữa bệnh vừa là trung tâm nghiên cứu hàng đầu về chuyên khoa bỏng. Từ nhiều năm, bệnh viện đã phẫu thuật và điều trị miễn phí cho nhiều trẻ em bị bỏng nặng ở Việt Nam sang.

Tôi có duyên may dịch rất nhiều ca phẫu thuật cho các em, rồi trở thành bạn bè của gia đình bệnh nhân. Có lẽ vì tôi hiểu họ đã chịu quá nhiều thiệt thòi khi tai nạn ập đến, ảnh hưởng cả một tương lai và gia đình cũng lao đao trong nhiều năm chữa trị. Ngoài việc làm phiên dịch, tôi luôn tìm cách giúp đỡ họ trong khả năng có thể. Rất cảm động khi biết cháu bé bệnh nhân chỉ cần nghe tin là tôi sẽ dịch cho ca mổ là cháu vui đến mức quên cả đau đớn.

Nghĩ đến gương mặt của cháu bé rất mong chờ, nên tôi đến bệnh viện. Mới có mấy ngày mà mọi sự thay đổi đến chóng mặt. Cổng chính đóng im ỉm, dán 6 tờ giấy về các nội quy ra vào như: nhân viên thì dùng thẻ cà vào hộp điện tử, cửa sẽ tự mở, người nhà bệnh nhân và nhân viên bán thời như tôi, phải bấm chuông, nghe một tràng điều lệ mới, rồi đi loanh quanh toà nhà, có một lối khác, và qua kiểm tra y tế. Họ sẽ cho từng người vào một, không cho mọi người đứng gần nhau. Đọc xong nội quy cũng mất 10 phút.

Đi vòng quanh toà nhà, tôi vẫn chưa tìm thấy cổng phụ dành cho mình nên tôi lại vòng về cổng chính. Có cô y tá tốt bụng mở cửa cho tôi vào, nhưng tôi lại được nhân viên an ninh mời ra – Người Mỹ thật nguyên tắc và rất lịch thiệp. Thế là tôi lại chạy ra ngoài, tay chạm vào mấy lớp cửa liền, cũng ngài ngại.

Khi men theo toà nhà, cô y tá đứng bên trong, đập tay vào cửa kính, chỉ cho tôi lối đến cổng dành cho tôi. Ở đó, tôi được hỏi: trong 30 ngày gần đây có ra khỏi nước Mỹ không? Có tiếp xúc với ai mới từ Trung Quốc, Hàn Quốc... hay không? Có dấu hiệu ho, khó thở và sốt hay không? Sau đó mới theo trình tự thông thường là ra trình giấy tờ, chụp ảnh, nhận thẻ của bệnh viện. Mặc dù nguyên tắc phức tạp hơn và mọi người có ý giãn khoảng cách chừng 2 m, nhưng nhân viên an ninh rất lịch sự, liên tục nói: “Xin lỗi vì thủ tục gây phiền toái cho quý vị”. Bên trên thì cô bé bệnh nhân cuống cuồng hỏi tôi đang ở đâu. Cô bé thật thông minh dùng google dịch để báo với các nhân viên y tế là tôi bị kẹt dưới toà nhà và mọi người tìm cách đưa tôi lên.

Sau 25 phút loanh quanh dưới trời mưa, tôi mới vào được. Tất cả các y bác sỹ đều tươi cười chào đón và cảm ơn nhiệt thành là tôi đã đến. Bệnh viện vắng lặng, có lẽ một phần lớn nhân viên đã ở nhà vì bệnh viện chỉ thực hiện một số ca bất khả kháng. Phòng chờ mọi khi đông nghịt bệnh nhân trẻ em đến thay băng, hoặc khám định kì. Hôm nay chỉ có một ca mổ và hai bệnh nhân nữa.

Không một ai đeo khẩu trang. Dường như "Cô Vy" không có một chút ảnh hưởng nào đến không khí nơi đây. Các khâu chuẩn bị mổ như mọi khi: Khám tổng thể, xét nghiệm, hỏi – đáp các thông tin cần thiết, bás sỹ phẫu thuật và các trợ lí, cũng như nhóm gây mê hồi sức đến giảng giải quy trình mổ, chào hỏi động viên bệnh nhân và người nhà. Họ làm việc bình thản, chuyên nghiệp như không có bất kì một sự thay đổi nào bên ngoài.

img

Phòng chờ trong bệnh viện.

Ca mổ kéo dài 2 tiếng. Tại phòng hậu phẫu, hai cô y tá cũng không đeo khẩu trang, miệt mài chăm sóc cháu bé. Tác dụng phụ của thuốc gây mê làm cháu nói mơ, dễ xúc động và khóc. Cô y tá vẫn tận tuỵ lau nước mắt, xoa trán cháu ở một khoảng cách khá gần. Cháu nói cháu nhớ bố, vì bố cháu qua đời cách đây không lâu. Mẹ cháu cũng khóc, và hai cô y tá hỏi tôi: “Chúng tôi có thể giúp gì được cho hai mẹ con?”. Họ lấy giấy cho bà mẹ, rồi an ủi... Trong thời điểm phải tự giãn khoảng cách, hình ảnh này làm tôi hết sức cảm động.

Tôi hỏi hai cô y tá vì sao không đeo khẩu trang. Họ nói rằng khẩu trang thông thường không chống lại được "Cô Vy . Chỉ nên dùng nó nếu bạn bị cảm cúm, có thể lây sang người khác. Việc người châu Á hay đeo khẩu trang, có lẽ do văn hoá, cũng có lẽ do chất lượng không khí ở mỗi nơi mỗi khác. Tuần trước tôi có hỏi hai cô nhân viên vật lý trị liệu vì sao họ không đeo khẩu trang, họ cũng cho rằng khẩu trang không có tác dụng phòng chống sự lây lan của coronavirus. Mặc dù ý thức được sự lây lan đến chóng mặt của con virus này, nhưng nếu bị nhiễm thì chữa bệnh thôi.

Nếu như cách phòng chống lây lan là tránh nơi đông người, giãn khoảng cách giữa 2 người là 2 mét, rửa tay thường xuyên hoặc đi găng tay, thì bệnh viện không phải là nơi đáng ngại. Nhưng nghĩ đến việc nơi đây có thể là nơi chứa rất nhiều virus... thì cũng đáng lo. Hình như tôi có một chút máu của phóng viên mặt trận, muốn chứng kiến những gì đang xảy ra trong những ngày này, khi các ca lây nhiễm ở bang Massachusetts tăng theo cấp số nhân, tăng 85 ca sau 24 giờ đồng hồ, và con số tính đến ngày 20/3/2020 là 413 ca, thì làm việc trong bệnh viện quả là dũng cảm. Nhưng cái tôi nhận được là thấy một nước Mỹ rất nguyên tắc, rất tuân thủ các chính sách “thời chiến”, rất thích nghi với một phong cách làm việc mới, nhưng luôn giữ tính chuyên nghiệp, chuẩn mực và tình người.

Boston, 22/3/2020

Nguyễn Thị Minh Phương, Bộ môn Ngôn ngữ học đương đại, Văn hoá và Văn học, Đại học Masachusetts, Boston, Mỹ.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img