img

Bệnh nhân sống nhờ máu của người khác truyền cảm hứng bằng những bản tình ca

Thanh Lam

Mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), hơn 30 năm thường xuyên lên xuống bệnh viện để điều trị, anh Hoàng Ngọc Chấn coi bệnh viện là ngôi nhà thứ hai và coi những người đã hiến máu là ân nhân để anh được sống với đam mê âm nhạc.

Cả đời phải sống nhờ máu

Gặp bệnh nhân Hoàng Ngọc Chấn (SN 1986, quê ở huyện Lục Yên, Yên Bái) trong một lần anh xuống viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để điều trị bệnh, hình ảnh đầu tiên khiến PV ngỡ ngàng đó là cơ thể của anh sạm đi vì thừa chất sắt và buộc phải thải sắt.

Thấy PV có vẻ ngạc nhiên, anh Chấn bảo: “Ai mang căn bệnh như tôi cũng phải trải qua quá trình truyền máu, thải sắt… không có gì là lạ cả, trung bình 2 đến 3 tháng chúng tôi lại có mặt ở viện để tiếp thêm “năng lượng” (tức truyền máu – PV). Tôi thường hay nói với các bệnh nhân khác là “chúng ta phải sống nhờ máu của người khác cả đời”. Thực sự, tôi không dám nghĩ nếu không có nguồn máu hiến của những tấm lòng nhân ái thì bệnh nhân như chúng tôi sẽ phải sống thế nào”.

Kể về căn bệnh tan máu bẩm sinh mà mình không may mắc phải, anh Chấn cho hay: “Từ khi sinh ra, tôi đã mang trong mình căn bệnh này, người lúc nào cũng ốm đau, lúc nào cũng phải làm bạn với kim tiêm, bệnh viện. Nhưng ngày còn nhỏ, gia đình tôi cũng khó khăn nên chưa có điều kiện đi xuống bệnh viện tuyến Trung ương, chỉ điều trị ở tuyến tỉnh, tuyến huyện. Mãi đến năm được 10 tuổi thì tôi mới điều trị tại viện Huyết học và Truyền máu Trung ương”.

Theo lời của anh Chấn, căn bệnh của anh phải truyền máu, thải sắt theo thời gian định kỳ mà bác sĩ hẹn. Vì vậy, cứ đến hẹn lại lên, anh khăn gói từ miền núi xuống Thủ đô cùng các bệnh nhân khác như mình điều trị.

img

Bệnh nhân thường xuyên lên xuống bệnh viện hơn 30 năm.

“Hơn 30 năm điều trị, tôi đã coi bệnh viện là ngôi nhà thứ hai của mình. Các y, bác sĩ ở viện thân thiện, yêu mến bệnh nhân như người nhà của họ vậy. Đó cũng chính là điều khiến cho mỗi bệnh nhân như chúng tôi không còn sợ phải vào bệnh viện mỗi tháng”, anh Chấn tâm sự.

Đâu cũng là sân khấu

Là một bệnh nhân mang căn bệnh hiểm nghèo, nhưng ít ai biết được anh Chấn là người có năng khiếu âm nhạc, là nhạc sĩ của hội văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Năng khiếu này anh được thừa hưởng từ người cha là Nghệ nhân ưu tú Hoàng Nừng – một nhạc công violin của quân khu Tây Bắc và cũng là nghệ nhân truyền dạy những làn điệu dân ca của dân tộc Tày, Nùng cho nhiều thế hệ của vùng đất Lục Yên.

Máu âm nhạc của cha đã ngấm vào con người anh Chấn, vì thế mỗi khi xuống bệnh viện là anh lại cầm theo cây đàn ghi-ta, ngồi đàn hát bên các bệnh nhân để cùng nhau quên đi nỗi đau bệnh tật, lạc quan trong cuộc sống.

img

Cây đàn ghi-ta là người bạn đồng hành cùng anh trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

Anh Chấn bộc bạch: “Là người yêu nghệ thuật nên với tôi đâu cũng là sân khấu, là sàn diễn. Mỗi lần đi viện, tôi thường mang theo đàn để đánh và hát cho mọi người nghe sau mỗi giờ điều trị. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau, hát những bài hát ca ngợi quê hương đất nước và hướng tới điều tốt đẹp nhất để quên đi bệnh tật”.

Chia sẻ về kỷ niệm sâu sắc nhất của mình trong quá trình điều trị tại viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, anh Chấn bật mí anh đã có dịp được gặp nguyên Viện trưởng của viện là GS. Nguyễn Anh Trí, cũng là người yêu nhạc. Hai con người một bệnh nhân, một thầy thuốc cùng biết nhau qua những sáng tác âm nhạc: “GS. Nguyễn Anh Trí có biết và được nghe những ca khúc mà tôi viết. Vào năm 2018, tôi vinh dự được viết tặng ông một ca khúc ca ngợi tình yêu thương của ông đối với bệnh nhân. Gần đây, tôi có dịp được trao đổi với ông nhiều hơn và phổ nhạc cùng ông ca khúc Tây Bắc mùa hoa ban. Được tiếp xúc với ông, tôi nhận thấy ông là một người rất thân thiện với những người bệnh. Tuy ông đã nghỉ hưu, nhưng vẫn thường xuyên gọi điện, nhắn tin hỏi thăm những bệnh nhân cũ như chúng tôi. Đó là điều tôi ấn tượng nhất”.

img

Anh Chấn cảm thấy may mắn khi được gặp gỡ nguyên Viện trưởng viện Huyết học và Truyền máu Trung ương GS. Nguyễn Anh Trí.

Thường xuyên đi viện, anh Chấn hơn ai hết hiểu được những giá trị của từng giọt máu mà anh và các bệnh nhân khác được nhận để được sống. Vì vậy, từ cảm nhận trái tim mình qua từng giọt máu của mọi người hiến tặng, anh Chấn vui vẻ tiết lộ thêm, gần đây nhất anh đã sáng tác ca khúc Giọt hồng yêu thương để cảm ơn đến những người đã hiến máu giúp cho anh và những bệnh nhân khác được sống và anh cũng hy vọng mọi người sẽ đón nhận ca khúc này.

“Tôi rất muốn những ca khúc của mình sáng tác đến được gần hơn với mọi người, để những người thiếu may mắn như tôi họ có thêm động lực vào cuộc sống và cố gắng phấn đấu nhiều hơn vì một ngày mai tốt đẹp hơn”, anh Chấn tâm sự.

Hạnh phúc khi con tìm được niềm vui

Chia sẻ với PV, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Nừng (86 tuổi) cho biết: “Con tôi sinh ra đã mang bệnh hiểm nghèo, nhưng không vì thế mà con tôi buồn rầu. Con tìm thấy niềm vui qua âm nhạc, hiện nay ngoài thời gian đi viện con cũng dạy đàn organ, đàn ghi-ta, đàn tính cho các cháu ở quanh vùng vào dịp hè. Tôi chỉ mong sao con có thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục sáng tác những ca khúc về ca ngợi quê hương, đất nước”.

Vợ con là hậu phương để tôi chống chọi bệnh tật

Không ngần ngại trước căn bệnh hiểm nghèo mà anh Chấn đang mang trong mình, chị Thèn Thu Xuân (dân tộc La Chí) đã đồng ý làm vợ của anh. Ngôi nhà nhỏ đã nhiều năm nay có thêm tiếng cười hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ và cậu con trai kháu khỉnh: “Mỗi khi đi viện và trở về nhà, nhìn thấy con trai líu lo gọi bố, vợ nấu những món ăn ngon để tôi tẩm bổ mà nước mắt tôi chợt rơi vì hạnh phúc. Vợ và con chính là hậu phương vững chắc để tôi có thêm động lực hàng ngày, hàng giờ chiến đấu với bệnh tật”.

T.L

img