Bị đánh vì bị nói chặt chém: Vị khách thiếu tinh tế và câu thanh minh kiểu... thị Mầu

Bị nhắc nhở nhưng vẫn hát to, ăn ngay vài dao! Mời uống rượu không uống, lĩnh ngay vài quả đấm! Xin thôi nhậu, bị chém tử vong. Mới đây, thêm cặp vợ chồng bị đánh toác đầu vì thắc mắc giá nước uống... cao. Nói không phải mê tín, giờ làm gì, nói gì mà không “nhìn trước nhìn sau”, nhẹ thì nhập viện mà nặng thì nhập... quan.

img
img

Ngày 1/5, vợ chồng anh Nguyễn Xuân Quang M. (38 tuổi) và chị Phạm Thị Cẩm D. chở theo 2 con nhỏ từ tỉnh Bến Tre trở lại TP.HCM bằng xe máy để làm việc sau kỳ nghỉ lễ. Gia đình anh ghé vào một quán nước không biển hiệu bên đường Quốc lộ 1A, thuộc xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức và gọi 2 chai nước ngọt uống. Khi tính tiền, chủ quán nước tính giá 60 ngàn đồng.

Sau khi thắc mắc giá nước đắt, chị D. trả tiền rồi rời quán. Đúng lúc đó, chị và chồng nghe thấy một người khách trong quán nước kể ăn 1 tô hủ tiếu ở đây giá 100 ngàn đồng nên đứng lại nói chuyện.

Anh M. ồ lên nói tô hủ tiếu mà 100.000 đồng. Chị chủ quán nghe vậy ra chửi rất dữ, nói anh M. vu khống quán. Anh M. sau đó đã gọi điện đến công an xã, bất chấp lời khuyên của vợ vì cho rằng, nếu rời quán sẽ bị chặn đường. Trong khi chờ công an xuống, 3 người đàn ông xông vào đánh anh M. đến rách da đầu.

Vâng, người đàn ông trong câu chuyện thật đáng hoan nghênh. Anh đã quyết làm “ra ngô, ra khoai”, dám đứng lên đấu tranh với nạn “chặt chém” mà rất nhiều người, từ chính quyền đến người dân đều đang nỗ lực dẹp bỏ. Nhưng đáng tiếc, sự tranh đấu ấy đã dẫn đến... đổ máu.

Nếu lường trước được hậu quả, có lẽ anh M. đã trả 60 nghìn tiền nước và không tham gia vào chuyện tô hủ tiếu giá 100 ngàn đồng. Bởi, so với rất nhiều vụ chặt chém dịp 30-4/1-5 như trái dừa 150 ngàn, ly sinh tố bơ 170 ngàn, cốc nước ép dâu 150 ngàn, 2 triệu đồng/kg đỗ ngự... được thông tin trên báo chí, thì vụ việc của anh M. chưa thấm vào đâu. Chưa kể, thông tin vợ chồng anh M. nghe được cũng chỉ là thông tin chưa kiểm chứng từ vị khách bàn bên.

Cho rằng, anh M. ồ lên một cách thiếu tinh tế, chẳng khác nào đuổi khách, chặt cái cần câu cơm của mình nên việc chủ quán nước sửng cồ cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, chỉ dừng lại ở việc sửng cồ thì ai cũng có thể thông cảm, còn đánh khách đến toác đầu thì lại sai rồi.

Trong tình huống này, khách sai 1 thì chủ quán và người nhà chủ quán sai 10. Lời thanh minh “mình bán hàng vì cái tâm” của nữ chủ quán thật già mồm và nỗi oan ức của chị chẳng khác gì nỗi oan... Thị Mầu.

Các cụ vẫn nói “buôn có bạn, bán có phường”, chị chủ quán thực ra có muốn nâng thêm 5 ngàn/chai nước mấy ngày lễ đâu. Chẳng qua, hàng quán xung quanh, ai cũng làm thế, chị giữ nguyên có khi còn mang tiếng “phá giá”, sẽ bị bạn buôn kì thị... Lẽ ra, chị cần được “thông cảm”. Ấy vậy mà, khách hàng không ai chịu hiểu.

Và thế là, thay vì giải thích cho khách hàng hiểu bằng lời lẽ và các giải pháp mềm mỏng, chị và những người thân lại chọn giải pháp đánh cho chừa thói “tung tin gây hoang mang khách hàng”.

Nhưng thật éo le, sau khi xảy ra vụ việc, chính chị và những người thân trong gia đình lại bị một nhóm người đánh dằn mặt. Khi bỏ đi, nhóm này không quên buông lời: “cho chừa thói chặt chém còn hành hung khách hàng".

Tuy nhiên, có rơi vào hoàn cảnh này, chủ quán mới hiểu được, không phải cái gì cũng có thể giải quyết bằng bạo lực.

Chị nói, chuyện nhóm người lạ tìm đến đập phá cửa hàng, đánh đập vợ chồng chị là không thể chấp nhận được. Vợ chồng anh M. cũng đâu chấp nhận được việc bị đánh chỉ vì thắc mắc giá nước uống cao, vì ồ lên sửng sốt khi nghe thấy thông tin bát hủ tiếu 100 ngàn.

Chị nói, con cái chị chứng kiến nhóm côn đồ lao vào quán vợ chồng chị đập phá, đánh người giờ vẫn còn sợ hãi, tinh thần không ổn định. Chị có nghĩ, 2 đứa con nhỏ của vợ chồng anh M. khi nhìn thấy cha mình bị đánh bể đầu cũng vậy...

Tóm lại, cái tâm của chủ quán “có vấn đề”.

Ai cũng phải sống, mưu sinh và có lý lẽ riêng của mình. Giá mà cả 2 cùng biết đặt vào vị trí của nhau, câu chuyện có lẽ đã khác...

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img