Bi kịch “người mẹ của năm”

Vụ người mẹ trẻ dựng chuyện con gái 20 ngày tuổi bị bắt cóc khiến dư luận phẫn nộ. Giá như không có sự nông nổi, thiếu hiểu biết và giá như cô gái trẻ chuẩn bị kỹ tâm thế làm mẹ thì chắc đã không đi đến bước đường bi kịch dựng con bị bắt cóc nhưng thực ra cho con mình làm con nuôi người khác để đổi lấy một khoản tiền.

img
img

Những ngày qua, vụ người mẹ dựng chuyện con bị bắt cóc ở Bình Dương khiến dư luận đi từ sự sợ hãi, hoang mang đến phẫn nộ cùng cực.

Người ta sợ hãi bởi giữa thanh thiên bạch nhật, kẻ xấu lẻn vào tận giường bắt đi đứa trẻ 20 ngày tuổi trong lúc mẹ nó đang tắm bên trong. Các bà mẹ bỉm sữa nghe được tin này mà lòng thấp thỏm lo lắng, bất an, tại sao những kẻ bắt cóc có thể manh động đến thế, làm sao để bảo vệ con đây.

Đến ngày hôm sau (2/3), lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương nhanh chóng giúp các bà mẹ thở phào nhẹ nhõm khi thông tin bé 20 ngày tuổi bị bắt cóc là bịa đặt và không có tên bắt cóc nào cả. Kẻ đứng sau toàn bộ hung tin kia chính là mẹ đứa trẻ. Bà mẹ 22 tuổi ấy một mình dựng lên câu chuyện đứa con bị bắt cóc ngay trong nhà mình chỉ vì… không muốn nuôi con.

Hóa ra, đằng sau cái lí không muốn nuôi con thật là bi kịch. Giữa năm 2018, cô rời quê nhà Hậu Giang lên Bình Dương mang theo một sinh linh bé bỏng đang lớn dần trong bụng nên tất nhiên người “chồng” mà đang ở cùng với cô không phải là cha của đứa nhỏ và bà mẹ “chồng” từ quê lên chăm cháu cũng không phải bà nội đích thực của đứa trẻ.

Phải chăng cô cảm thấy áy náy với người đàn ông chấp nhận sống với mình làm người “đổ vỏ”. Phải chăng, sự tận tình chăm sóc của người “chồng” và mẹ “chồng” đã khiến cô thấy tội lỗi. Cô mắc kẹt ở giữa một bên là đứa con, một bên là “chồng” và “mẹ chồng”.

Phải chăng đó là bi kịch nhỏ bên cạnh bi kịch lớn hơn là cô ấy còn quá trẻ, chưa sẵn sàng tâm thế để làm mẹ. Chính vì vậy, cô không đủ mạnh mẽ, ý chí để vượt qua khó khăn và cuối cùng dẫn đến quyết định không muốn nuôi con. Đó là chưa kể đến vấn đề về sức khỏe, tâm lý sau sinh. Liệu cô có bị trầm cảm rồi dẫn đến việc không muốn nuôi con nữa hay không?

Thực tế, có những bà mẹ sau khi sinh con ra bị trầm cảm thường có suy nghĩ tiêu cực. Còn nhớ vụ bé trai 33 ngày tuổi tử vong trong tư thế úp mặt trong chậu nước gây rúng động thôn Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Và rồi không chỉ thôn Đình mà cả xã hội sốc nặng khi cơ quan điều tra kết luận thủ phạm chính là mẹ của bé và nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm là do bà mẹ này mắc bệnh trầm cảm nặng nên xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng dù có nguyên nhân nào đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể chấp nhận được tội ác kinh khủng của bà mẹ này bởi đến “hổ dữ cũng không ăn thịt con”.

Quay lại trường hợp của người mẹ trẻ 22 tuổi này, phải chăng cô đã quá ngây thơ quan niệm: “Tôi sinh con ra tôi có quyền. Đó là con của tôi, tôi muốn làm gì thì làm”. Bà mẹ trẻ còn ngây thơ cho rằng kế hoạch của mình sẽ lừa được người thân, lừa cơ quan chức năng và cả xã hội. Cô cũng ngây thơ cho rằng việc làm của mình sẽ lọt lưới sự trừng trị của pháp luật. Nhưng cứ cho rằng sự ngây thơ đó thành hiện thực đi nhưng cô có lọt qua được tấm lưới đạo đức, tấm lưới lương tâm hay không?

Đừng khi xảy ra chuyện rồi thì đổ thừa cho hoàn cảnh khó khăn, do cuộc sống run rủi. Cô biết lên trang “Hội những người cho tặng con nuôi” tìm hiểu và thỏa thuận với một cặp vợ chồng để cho con; biết lựa lúc “chồng” và “mẹ chồng” không có nhà để cho người ta đến nhận con và biết nhận 15 triệu đồng từ cặp vợ chồng xin con; biết dựng lên câu chuyện con bị bắt cóc, kẻ bắt cóc để lại 2 triệu ở giường và khóc bù lu bù loa với mọi người như thật. Thế tại sao, cô không biết rèn giũa bản thân, suy tính cho tương lai để đến mức như bán đi đứa con của mình rồi đổ cho hoàn cảnh khó khăn. Để từ nay, cô có thể ngẩng đầu mà sống với cái mác mẹ đẻ nhẫn tâm ruồng rẫy đứa con mà mình đứt ruột sinh ra hay không?

Đúng là bi kịch của một đời người, bi kịch của một bà mẹ trẻ!

img