Vào một buổi chiều tà, PV Người Đưa Tin Pháp Luật tìm đến nhà người đàn ông được mệnh danh là “vua đồ cổ” đất cố đô để tìm hiểu, lắng nghe hành trình tìm kiếm, gìn giữ những bảo vật vô giá ấy.
Khi chúng tôi vừa đến nơi, ông Dần từ trong nhà bước ra với nụ cười hồn hậu nở trên môi. Nhìn thân hình rắn rỏi, mái tóc buộc cao đầy lãng tử, ánh mắt lấp lánh, cùng những bước đi nhanh nhẹn, không ai nghĩ rằng người đàn ông ấy đã bước sang tuổi 70.
Ông Đinh Văn Dần, người được mệnh danh là "Ông vua đồ cổ" Ninh Bình.
Bước vào căn nhà, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước “cơ ngơi” đồ sộ mà ông Dần gây dựng được suốt nhiều thập kỷ qua. Những chiếc bình cổ, bát đĩa cổ, gốm, sứ, ngọc bội, cho đến lư hương… được bày trí bày trí gọn gàng trên các kệ gỗ được dựng sát vào tường.
Chỉ tay về những món đồ cổ ấy, ông Dần cho biết, với nhiều người, những món đồ cổ này nhiều khi không có tác dụng gì ngoài việc để trưng bày.
Nhưng với ông Dần, hiểu giá trị của nó về mặt lịch sử, văn hóa nên những món đồ ấy chứa đựng những câu chuyện lịch sử, những tinh hoa dân tộc qua từng thời kỳ.
Ông Dần cho biết chính bố là người đã truyền cho ông "ngọn lửa đam mê" với đồ cổ.
“Tôi sưu tầm đồ cổ vì đam mê. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ. Tôi luôn tâm niệm, điều quan trọng nhất chính là muốn giữ lại những tinh hoa độc đáo của dân tộc qua nhiều giai đoạn lịch sử”, ông Dần trải lòng.
Ngồi xuống chiếc phản gỗ đã úa màu theo thời gian, ông Dần kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đã đưa ông đến với niềm đam mê đắt đỏ này.
Ông cho biết, tình yêu dành cho những món đồ cổ của ông được thừa hưởng từ bố: “Ngày xưa, mỗi khi có món đồ nào mới, bố tôi thường mời bạn bè đến uống trà đàm đạo. Tôi luôn ngồi bên bố để được nghe những câu chuyện lịch sử của các cổ vật, cách đánh giá. Đam mê cháy bỏng của tôi với đồ cổ có lẽ bắt đầu từ những mẩu chuyện của bố. Bố mẹ tôi có 9 người con, tính cả tôi, gia đình có đến 5 người say mê đồ cổ”, ông Dần tự hào kể.
Nhìn về khoảng không vô định, ông Dần trầm ngâm như để nhớ lại những tháng ngày rong ruổi khắp mọi tỉnh thành của Tổ quốc.
“Tôi tốt nghiệp đại học Cơ điện Thái Nguyên nhưng ngày ấy, nghề chụp ảnh đang thịnh hành nên tôi hay cầm theo máy ảnh, ngồi trên chiếc xe máy và lang thang khắp mọi nẻo đường để mưu sinh”.
Một góc nhỏ những món đồ cổ mà ông Dần sưu tầm trong những năm qua đều được sắp xếp một cách gọn gàng, ngăn nắp.
Ông Dần cho biết, những địa phương mà ông thường xuyên đến là Hòa Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang. Theo lý giải của ông, những nơi ấy là những “cái nôi” của đồ cổ đất Việt. Vì thế, ở các vùng đất này còn rất nhiều đồ quý.
Nhờ công việc nhiếp ảnh, ông Dần có cơ hội tìm hiểu và phát hiện ra nhiều món đồ cổ theo cách không ngờ.
“Có những món đồ cổ, tôi tình cờ phát hiện ra khi người dân đào được, không biết giá trị của nó nên vứt lăn lóc ở xó bếp hay dùng nó đựng thức ăn cho chó mèo. Ngay khi phát hiện ra những cổ vật ấy, tôi ngỏ ý mua lại. Có người đổi lấy vài kiểu ảnh, có người bán cho tượng trưng.”, ông Dần nhớ lại.
Tuy nhiên, theo ông Dần, việc tìm kiếm, sưu tầm đồ cổ không hề dễ dàng. Mỗi lần đi, ông thường mang theo gạo, lương thực và sống cùng dân bản. Nhờ vậy, người dân cũng dành cho ông những tình cảm chân thành nhất.
Ông Dần sở hữu rất nhiều cổ vật có giá trị.
Tôi sống chân thành nên người dân quý. Cứ có dịp quay trở lại bất kể đâu, họ cũng mổ gà thiết đãi. Ai phát hiện được món đồ nào, việc đầu tiên là gọi điện và nhượng lại cho tôi”, ông Dần tự hào.
Ông Dần tâm sự, vì niềm đam mê cháy bỏng với đồ cổ, đã có lần, ông cắm sổ đỏ để có tiền mua món đó yêu thích. “Có lần, biết người dân đào được chiếc chum cổ ở Hòa Bình, tôi lên tận nơi và rất thích nó. Về nhà, vay mượn bạn bè nhưng không đủ, tôi đánh liều mang sổ đỏ ra ngân hàng cầm cố để mua bằng được”, ông chia sẻ.
Với giọng nói hồ hởi, ông Quý cho biết, sau nhiều năm sưu tầm, ông hiện sở hữu hơn 1.000 cổ vật có giá trị. Có những món đồ được xếp vào hàng quý hiếm.
Minh chứng cho lời nói của mình, ông chỉ tay về phía một chiếc bình cổ hoa văn đã phai màu theo thời gian, ông Dần cho biết: “Đây là bình gốm vẽ thiên nga thời Lê sơ (thế kỷ XV-PV). Thân bình có 4 con thiên nga theo tích: Phi, Minh, Túc, Thực, biểu thị ý đồ của người xưa muốn được thăng tiến, đỗ đạt, giàu có và no đủ. Hiện Bảo tàng lịch sử Quốc gia trưng bày một cái khá giống cái tôi đang đó ”.
Ông Dần giới thiệu với PV Người Đưa Tin Pháp Luật về chiếc rìu đá cổ.
Bên cạnh bình gốm thiên nga, ông Dần cho biết, mình còn sở hữu đôi bình gốm hoa nâu, in hoa sen được sản xuất thời Lý. Tuy nhiên, món đồ khiến người đàn ông này dành nhiều tâm huyết, tình cảm nhất là chiếc rìu từ thời văn hóa tiền Đông Sơn.
Một cách trịnh trọng, ông Dần đưa chiếc rìu cổ cho chúng tôi chiêm ngưỡng. Chiếc rìu trên tay chúng tôi được chế tác vô cùng tinh xảo, đẹp mắt. Khi công nghệ còn lạc hậu, không biết bằng cách nào, người xưa có thể làm tinh xảo đến vậy.
Ông Dần tâm sự, sưu tập đồ cổ cần phải có kiến thức chuyên môn sâu để nhận biết đồ thật, đồ giả. “Bây giờ, công nghệ làm giả đồ cổ rất phát triển, giống thật từ màu sắc, hoa văn, phụ tiết. Vì thế, người sưu tầm đồ cổ cần phải có kiến thức sâu rộng về đồ cổ. Ngoài ra, phải có bạn bè để đối chiếu, so sánh rồi giám định kỹ càng trước khi đưa ra kết luận”, ông Dần cho biết.
Nhưng, đối với ông, kiến thức chỉ là điều kiện đủ. Những người như ông cần phải có duyên, biết quý trọng thì đồ vật quý mới lựa chọn mà tìm đến.
Biết ông sở hữu cổ vật có giá trị, nhiều đại gia đã tìm đến và ngỏ ý muốn mua, nhưng ông ít khi bán: “Tôi muốn lưu giữ tinh hoa của dân tộc, của nhân loại nên tôi ít khi bán mà để lại cho con cháu. Sau này, tôi sẽ truyền lại cho thế hệ sau. Nếu thế hệ sau này không còn đam mê sẽ tặng lại những cổ vật ấy cho nhà nước”.
Đ.L