img

Bí mật trong bộ sưu tập triệu đô của “ông vua đồ cổ” và nỗi lo chảy máu cổ vật

Hà Nguyễn

Phía sau cánh cổng sắt cũ kỹ, ngôi nhà của vị kỷ lục gia có cơ man báu vật quý hiếm. Cổ vật ở đây nhiều đến nỗi căn nhà kiên cố 3 tầng không đủ chỗ chứa. Chúng tràn ra ngoài mái hiên, bờ tường, nhà kho, nhà tạm... Thậm chí, khuôn viên hơn 1.000m2 đất cũng bị khỏa lấp bởi vô số đồ cổ. Song, chủ nhân của chúng, dù đang ở “đỉnh” châu Á trong việc sưu tầm đồ gốm cổ vẫn băn khoăn, quặn lòng với hiện trạng “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài.

“Kỷ lục gia Đông dương

Video: Cận cảnh kho cổ vật khổng lồ của "vua đồ cổ" Châu Á Đinh Công Tường.

Trở về sau chuyến thiện nguyện tại Phú Quốc (Kiên Giang), nhà sưu tầm đồ cổ Đinh Công Tường (SN 1968, ngụ quận 12, TP.HCM) mời chúng tôi đến thăm kho cổ vật của mình tại tư gia. Sau cánh cổng sắt, chúng tôi choáng ngợp khi lọt thỏm trong không gian của cơ man đồ cổ. Tại đây, hầu như mọi vật chúng tôi chạm vào, nhìn thấy đều nằm trong bộ sưu tập của anh.

Nhiều cổ vật mới về không thể chen chân vào nhà, tràn ra mái hiên, bờ tường, nhà kho, nhà tạm... Có thể nói, khuôn viên hơn 1.000m2 đất ở gần như bị khỏa lấp bởi vô số đồ cổ. Anh vừa dẫn chúng tôi đi chiêm ngưỡng kho cổ vật khổng lồ của mình vừa kể anh có niềm yêu thích đặc biệt với các hiện vật được tạo tác từ gốm sứ. Suốt thời gian đi săn lùng cây cảnh đẹp ở các tỉnh miền Tây, anh đều bỏ thời gian tìm kiếm, sưu tầm đồ gốm cổ.

img

Kỷ lục gia Châu Á, nhà sưu tập Đinh Công Tường giới thiệu chiếc bình quý có từ thời vua Càn Long có giá nhiều triệu USD.

Thời điểm ấy, anh không quan tâm món đồ gốm có phải là đồ cổ, đồ mới hay đồ giả cổ. Anh sưu tầm đơn giản chỉ vì “mê” những nét vẽ được người nghệ nhân thể hiện trên chiếc bình, dĩa bằng gốm, sứ. Anh nói: “Trước tiên, tôi sưu tầm đồ gốm để thỏa mãn niềm đam mê. Sau này, thú chơi của tôi được nhiều người ủng hộ và cho rằng, tôi đang thầm lặng lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc qua đồ gốm cổ. Nhận thấy việc của làm mình có ý nghĩa, được quan tâm, tôi càng đam mê và quyết tâm hơn”.

Sau hơn 20 năm miệt mài, nhiều nỗi cực nhọc, nguy hiểm, anh sở hữu một kho tàng đồ gốm cổ, trở thành Kỷ lục gia Đông Dương. Cổ vật gốm sứ của anh đều thuộc hàng “độc, lạ” tại Việt Nam và đủ các loại hình như: Tô, chén, đĩa, ché, lộc bình, chum, thìa, chân đèn... Các hiện vật này xuất xứ từ Trung Quốc, Singapore, Pháp, Nhật Bản, Hồng Kông... với niên đại từ thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XX. Thế nên, vừa qua, anh tiếp tục được tổ chức Kỷ lục châu Á trao bằng kỷ lục châu Á về người sở hữu Bộ sưu tập Gốm Bản địa Việt Nam lớn nhất châu Á”.

img

Khuôn viên hơn 1.000m2 đất ở và căn nhà 3 tầng của anh bị khỏa lấp bởi vô số đồ cổ. Tại đây, hầu như mọi vật chúng tôi chạm vào, nhìn thấy đều nằm trong bộ sưu tập của anh.

Anh Tường cho biết, đối với gốm sứ Việt Nam, anh có đầy đủ bộ gốm sứ của 3 miền Bắc, Trung, Nam tương ứng các nền văn hóa Việt cổ như: gốm Óc Eo, Đông Sơn, Chăm, Bát Tràng hay gốm Biên Hòa thế kỷ 18 - 19, gốm Cây Mai ở quận 5 Sài Gòn xưa, gốm Lái Thiêu... Say mê kể về đặc điểm riêng biệt của các dòng gốm trong nước, anh minh họa cho PV bằng những hiện vật dày công sưu tầm. Đó là những chiếc lộc bình bằng gốm gần như “thất truyền” của gốm sứ Lái Thiêu, hàng loạt hiện vật gốm men xanh của dòng gốm Biên Hòa chỉ vẽ các sự kiện lịch sử của dân tộc, chiếc đĩa mai hạc của vua triều Nguyễn có đề 2 câu thơ chữ Nôm của đại thi hào Nguyễn Du…

Trên gác mái ngôi nhà, anh dành riêng một gian trưng bày các hiện vật là đồ cổ từ thời đồ đá, đồ đồng. “Đây là những vật dụng đầu tiên của loài người. Chúng được tạo tác từ các loại đá khác nhau. Tôi có các lưỡi rìu đá, dao bằng đá, mũi tên đá,… Sau đó, là các hiện vật của thời đại đồ đồng… Những hiện vật này giúp tôi hình dung rõ hơn cuộc sống thường ngày của tổ tiên loài người cũng như sự tiến hóa của họ theo dòng lịch sử”, anh phân tích.

img

Anh giới thiệu con dao được người tối cổ chế tác từ đá. Đây là hiện vật có từ thời kỳ đồ đá, một trong những món đồ cổ có niên đại lâu đời nhất của anh. Trong ảnh còn lại, nhà sưu tầm giới thiệu tượng thần voi bằng đá sa huỳnh độc nhất vô nhị tại Việt Nam.

Đau đáu với hiện trạng “chảy máu” cổ vật

Đa dạng với hơn 100.000 cổ vật nhưng những hiện vật trong bộ sưu tập của anh đều hội đủ các yếu tố cổ, độc, lạ. Tại đây, một số hiện vật chỉ mình anh may mắn được sở hữu. Một trong những món đồ như thế là tượng thần voi bằng đá sa huỳnh được tạo tác cách đây hơn 3.000 năm. Anh nói: “Tượng bằng đá sa huỳnh vô cùng hiếm gặp. Hiện nay, chỉ có tôi và bảo tàng ở Pháp có tượng thần voi được tạo tác từ loại đá này. Khi được tin tôi sở hữu tượng này, bảo tàng tại Pháp có sang Việt Nam khảo sát, nghiên cứu. Sau đó, họ ngỏ ý muốn tôi nhượng lại tượng này để họ đem về bảo tàng trưng bày nhưng tôi từ chối. Tôi muốn tượng quý ở lại Việt Nam, để thế hệ mai sau tìm hiểu, chiêm ngưỡng”.

Say sưa kể về cơ duyên kỳ lạ của mình đối với các cổ vật vô giá, anh bỗng nhiên thoáng buồn khi hướng mắt về những chiếc tủ kính bày trí hàng loạt hiện vật bằng gốm sứ men xanh. Anh nói, trong bộ sưu tập cả đời của mình, anh sở hữu nhiều nhất các món bằng gốm sứ, đặc biệt là gốm sứ Việt Nam. Càng sưu tầm, càng ngắm, càng tìm hiểu, anh càng yêu, khâm phục nghệ nhân xưa của đất nước. Anh khát khao lưu giữ nét tinh hoa nghệ thuật, văn hóa của cha ông qua những hiện vật này. Song, công việc ấy của anh vấp phải nạn “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài.

img

Các hiện vật trong bộ sưu tập khổng lồ của kỷ lục gia Đinh Công Tường hội đủ các yếu tố cổ, độc, lạ.

Anh bộc bạch: “Hiện nay, tôi đau đớn trước hiện trạng chảy máu cổ vật ra nước ngoài. Tình trạng này diễn ra từng ngày từng giờ và chưa có cách khắc phục. Nguyên nhân chủ yếu do bị đồng tiền chi phối. Tôi nhớ một vụ ở tỉnh Quảng Ngãi, người dân vớt được một tàu chở gốm Chu Đậu bị chìm. Trong số này có một số đồ độc bản rất hiếm, đẹp. Khi trục vớt lên, bằng cách nào đó, có người đã bán số cổ vật giá trị này ra nước ngoài. Sau này, một số người việt Nam phải ra nước ngoài mua lại các cổ vật này với giá cao gấp nhiều lần giá bán ra để đem về nước. Tại nước ta, các vụ việc như thế rất nhiều”.

“Nhiều cổ vật gốm sứ đẹp, tinh xảo, có giá trị nghệ thuật, lịch sử cao của chúng ta đang nằm ở nước ngoài. Tôi mong sao các nhà sưu tầm, cơ quan chức năng phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng này để có thể lưu giữ lại tinh hoa nghề gốm cho dân tộc”, anh trăn trở.

img

Anh cho biết, hiện hơn 70% đồ gốm cổ có giá trị cao của Việt Nam đang nằm ở nước ngoài. Đau đớn trước hiện trạng "chảy máu" cổ vật ra nước ngoài, anh các nhà sưu tầm, cơ quan chức năng phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng này một cách triệt để.

Không bao giờ bán vật đã sưu tầm

Kỷ lục gia Châu Á Đinh Công Tường đam mê cổ vật và sưu tầm chúng bằng cả tấm lòng. Do đó, anh khẳng định không bao giờ bán những gì mình đã sưu tầm. Tuy nhiên, vốn nổi tiếng là người “nghiện” công tác từ thiện, trong thời điểm dãn cách xã hội, lần đầu tiên anh quyết định nhượng lại một số chén, dĩa long ẩn đồ thế kỷ 19 để có kinh phí cùng chung tay giúp đỡ người khó khăn. “Đây là lần đầu tiên tôi sang nhượng lại vật mình đã cố công tìm kiếm, gìn giữ lại cho người cùng đam mê. Bởi, thời điểm ấy, tôi không đủ kinh phí để giúp đỡ những hoàn cảnh cơ cực hơn mình”, anh tiết lộ.

H.N

img