Xa Hà Nội ngót nghét cũng gần 2 chục năm, nhưng mỗi độ hạ sang, bạn tôi - người con gái gốc phố cổ sinh sống trong Sài Gòn lại nhắn nhủ nhất định phải mua bằng được cân trà sen hồ Tây gửi vào cho cô ấy. Tôi chẳng lấy làm lạ bởi ai đã một lần được thưởng thức hương vị đậm đà, thơm ngát của loại trà này thì sao có thể quên. Cô bạn tôi cũng vẫn hay nhắc đến hình ảnh người cha lụi cụi ngồi hãm ấm trà nhỏ rồi ủ trong giỏ mây lót bông để giữ ấm. Vì là “Thiên cộ đệ nhất trà” nên chỉ có dịp đặc biệt hay người bạn quý sang chơi ông mới mang trà ra dùng.
Trải qua bao thăng trầm biến cố, bao mùa sen nở rồi lại tàn, trà ướp sen hồ Tây vẫn giữ nguyên cái hồn, cái tinh túy nhất của đất trời hội tụ qua một thức uống đặc biệt. PV ĐS&PL tìm đến cụ Nguyễn Thị Dần (97 tuổi) - người nghệ nhân làm trà sen lớn tuổi nhất Hà Nội hiện nay để hiểu hơn về “đệ nhất trà”.
Bước vào căn nhà của cụ Dần ở con phố Tô Ngọc Vân (Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội), chúng tôi ngay lập tức được đắm chìm trong hương thơm thanh dịu của hoa sen. Thứ hương thơm ấy mang đến một cảm giác kỳ lạ. Đó chính là thứ cảm xúc khiến ta chẳng thể quên và có lẽ, đó cũng là lý do ai đã từng được thưởng qua hương thơm của “Thiên cổ đệ nhất trà” sẽ không thể quên.
Cụ Dần sinh trưởng trong một gia đình có nhiều đời làm nghề trà ướp sen. Cụ được cha mẹ truyền nghề và cứ thế gắn bó với nghề trên 70 mùa sen. Đến nay, do tuổi cao sức yếu, cụ Dần truyền lại nghề làm trà sen truyền thống cho người con gái của mình.
Theo cụ Dần, để có một mẻ ướp trà ngon phải trải qua nhiều công đoạn mà người làm nhất định phải làm cẩn thận, tỉ mỉ từng bước. “Đầu tiên, sen ướp trà phải là những bông sen mọc trong đầm làng Quảng Bá vào thời điểm hoa mới chớm nở. Đặc biệt, người làm trà sen phải hái trước khi mặt trời lên để giữ lại những hạt sương tinh túy của đất trời. Sau đó, mang về tách lấy gạo sen (hạt trắng hình hạt gạo, ở đầu nhị đực của hoa sen - PV) - thứ được ví như túi hương của bông sen rồi mới đem ướp. Đây là công đoạn khó nhất bởi người làm phải tách sao cho hạt gạo trắng, không nát, không bay mất mùi hương. Sau đó, đến công đoạn ướp trà, trà sen phải được ướp đủ 7 lần, cứ một lượt gạo lại 1 lượt chè, ướp xong mang đi sấy khô, mỗi lần sấy xong lại sàng lọc và thêm vào một lượt gạo mới, cứ như vậy đến khi nào đỏ chè, chè sực mùi thơm hòa quyện với sen. Ở khấu sấy phải chú ý nhiệt sao cho sen không quá khô gây cứng trà, hay non nhiệt quá sẽ bị mốc.
“Để làm được 1 kg trà sen, tôi cần tới 1.000-1.200 bông sen tùy to hay nhỏ. Cho nên, làm trà sen cầu kỳ lắm, hoa đã đắt, công làm còn đắt hơn, nhưng tôi vẫn làm để phục vụ những thượng khách chót mê đắm với loại trà này”, cụ Dần chia sẻ.
Ngoài các công đoạn tỉ mỉ, điều tiên quyết để cho ra loại trà hảo hạng chính là chọn đúng chè. Loại chè được chọn làm trà sen cũng phải là chè Tân Cương (Thái Nguyên) cánh nhỏ, thẩm hương vừa độ. Trà sen đạt chất lượng là nước trà trong xanh, khi uống có vị chát, ngọt và đượm hương sen trong miệng.
“Điểm đặc biệt của trà sen nhà tôi là tất cả các công đoạn đều được làm thủ công với toàn bộ nguyên vật liệu là thiên nhiên, không hóa chất. Đây cũng chính là bí quyết mà bao nhiêu đời nay tôi lưu giữ rồi truyền lại cho con cháu”, cụ Dần tâm sự.
Thời con gái của cụ Dần gắn liền với những bông sen thơm ngát. Đầu tiên là gánh sen đi bán khắp phố phường Hà Nội và sau đó là nối gót cha mẹ học cách ướp sen. Đến nay, 7 thập kỷ cụ Dần gắn bó với cái nghề của cha ông. Cụ luôn tâm niệm: “Còn sống ngày nào còn làm nghề, còn truyền lại lửa nghề cho con cháu”.
Trong căn nhà của cụ ngập tràn hương sen, tiếng cười nói rộn vang, bà Ngô Thị Thân (67 tuổi, con gái cụ Dần) - người kế thừa lại thương hiệu truyền thống "trà sen Bà Dần" chia sẻ: “Mẹ tôi tuổi đã cao, không muốn cho bà làm nhưng bà cứ luôn tay luôn chân làm mà không chịu ngồi không. Có hôm ốm nằm trên giường, các con mang sen về, ngửi thấy hương thơm, bà lại mò dậy làm cùng con cháu. Mẹ tôi chỉ dạy cho con cháu từng tí một vì sợ đến lúc nằm xuống không còn ai chỉ bảo, nghề bị mai một”.
“Ướp trà cầu kỳ, cách thưởng trà cũng không kém phần công phu. Nước pha trà phải vừa đủ sôi, hơi tăm tăm. Khi rót nước không được rót đầy ấm, chỉ nên rót khoảng 2/3 ấm, khoảng không phía trên của ấm có tác dụng lưu hương. Rót ra chén thì nên thấp tay để không tạo bọt. Uống trà sen phải để cho tâm hồn thư giãn, nhâm nhi từng ngụm thì mới cảm nhận vị đậm đà trong từng giọt trà”
Cụ Dần chia sẻ
Làm trà sen truyền thống đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mỉ nên nhiều người vẫn nghĩ, đây là việc dành cho phụ nữ, nhưng thực ra không phải vậy. Chú Nguyễn Ngọc Đính (45 tuổi, cháu nội cụ Dần) đang ngồi ướp trà một cách khéo léo nói: "Đàn ông làm trà sen cũng nhiều lắm, đàn ông có hoa tay còn khéo léo hơn phụ nữ ấy chứ. Cái quan trọng của người làm trà sen là tâm phải tịnh, thân thể phải thật thơm tho, sạch sẽ. Vì thế, ngày xưa kén chọn, khắt khe đến độ, đàn bà con gái đến tháng không được động đến bông sen để ướp trà”. Có lẽ, vì bao năm gắn kết với sen mà chú Đính tự nhận tính cách nền nã của mình giống với cốt cách của hoa sen.
Trong gia đình cụ Dần, thế hệ thứ 4 cũng lẽo đẽo theo bậc tiền bối học nghề. Cô cháu gái Nguyễn Lê Minh Trang (chắt nội của cụ Dần) cũng rất thích thú với công việc làm trà sen, cứ Thứ Bảy và Chủ Nhật được nghỉ học là lại sang nhà cụ Dần xem và học cách làm. “Làm trà sen dù khó đến đâu hay ngồi học lâu đến mấy cháu cũng chịu được bởi học lâu mới thành nghề do nghề này nhiều công đoạn tỉ mỉ. Dù khó khăn thế nào cháu cũng sẽ kiên trì để rèn nghề, giữ gìn cái nghề của cha ông”, Trang chia sẻ.
Quả là một cảnh tượng hiếm thấy khi cả 4 thế hệ trong cùng một gia đình quây quần làm việc, cùng nhau cười nói xua đi không khí oi bức của ngày hè tháng 6.
Làm thủ công, tốn nhiều thời gian nên số lượng trà làm ra không nhiều. Trung bình, mỗi mùa sen cơ sở sản xuất trà của cụ Dần chỉ đưa ra thị trường khoảng 20kg ướp trà truyền thống. Vì được làm cầu kỳ và phúc tạp nên trà có giá tương đối đắt, 1kg trà sen hảo hạng có giá tới 7 triệu đồng.
P.L - H.T