Bị xâm hại sau những chầu nhậu: Lỗi đâu chỉ của kẻ hiếp dâm?!

Nữ sinh Bắc Ninh nhảy cầu tự tử nghi bị xâm hại đã để lại những nỗi đau đớn khôn nguôi. Nhưng, đã đến lúc cần dẹp sự đau lòng sang một bên, để thấy chúng ta cũng cần có trách nhiệm với chính bản thân mình.

img

Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ việc xảy ra sau những chầu nhậu và đều để lại những hậu quả đau lòng.

Em V.T.L. (SN 2003, học sinh lớp 10 ở Minh Hóa, Quảng Bình) đi hát cùng nhóm bạn rồi say xỉn, bị C.V.H (SN 2003) xâm hại và quay lại video trên đường chở về nhà. Trong cơn hoảng loạn, cô gái cầu cứu gia đình và thông báo cho cơ quan chức năng.

Nữ sinh N.T.B.P (lớp 10, trường THPT Nguyễn Hữu Thận) bị hiếp dâm tập thể sau khi tham gia tiệc rượu sinh nhật tại nhà một bạn học. Công an huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã khởi tố vụ án, bắt giữ 6 đối tượng, trong đó có 5 nam sinh đang học tại các trường THPT trên địa bàn và 1 thanh niên lao động tự do.

Thiếu nữ tên K. (SN 2003, cùng ở huyện Định Quán, Đồng Nai) đến nhà bạn nhậu, bị say xỉn và bị Nguyễn Xuân Quý (SN 2000) nhiều lần xâm hại.

Và gần đây nhất, em Nguyễn Thị V.A (SN 2001, học sinh lớp 12 ở Thuận Thành) sau khi ăn uống bị Vũ Văn Hiếu đưa vào nhà nghỉ để thực hiện hành vi hiếp dâm. Dù được giải cứu, hôm sau, em V.A đã lên cầu Hồ (bắc qua sông Đuống) tự sát.

Trong tất cả các vụ việc trên, những kẻ tội nhân đã để phần “con” lấn át mất phần “người” và gây tội ác. Thực sự, chúng sai rồi! Thế nhưng, suy cho cùng, bản thân các cô gái cũng có trách nhiệm không nhỏ trong việc này. Và tôi không đồng tình với nhiều người, khi mà họ vẫn đang phục dịch thứ văn hóa gọi là… đổ lỗi.

Giống như việc:

Trẻ con vấp phải cái bàn ngã, cha mẹ vội vàng đập cái bàn nói “đánh cho chừa” mà không nghĩ, bị đau là do chúng bất cẩn.

Truyền thông ầm ĩ tố người cha đánh con là bạo hành mà không biết rằng, đứa con nghiện ngập không ít lần phá quấy, đánh cha mẹ “thừa sống, thiếu chết”.

Cô giáo lỡ tay đánh một nam sinh, không ít người ì xèo: “Giáo viên như thế đấy”. Nhưng họ không hiểu, cậu học trò đó từng chỉ thẳng tay vào mặt cô giáo mà gằn giọng: “Rồi bà sẽ phải trả giá”…

Cũng vậy, nhiều cô gái bị hiếp dâm sau những chầu nhậu, đâu chỉ là câu chuyện của những kẻ hiếp dâm.

Cả xã hội đang sục sôi lên án “yêu râu xanh”. Tôi cũng vậy. Tôi không bao biện cho những tên cầm thú, nhưng các cô gái, hãy biết giữ mình. Đặc biệt, hãy trang bị kiến thức cho chính bản thân. Bởi, vô tình trở thành nạn nhân của “yêu râu xanh” thì là lỗi của chúng. Còn “tạo điều kiện” để chúng trở thành “yêu râu xanh” thì đó lại là lỗi của các cô.

Mọi người đã bao giờ tự hỏi, tại sao càng cảnh báo, lại càng xuất hiện những vụ việc tương tự. Bởi, ngoài việc “yêu râu xanh” đã có sẵn chủ ý, thì rất nhiều cô gái đã tự đẩy mình vào nguy hiểm.

Nếu để ý một chút sẽ thấy, các cô gái đều trở thành nạn nhân, bị lợi dụng khi tham gia nhậu nhẹt cùng người khác giới. Thế nhưng, mấy người hiểu được rằng, mình đang là nữ sinh, mình còn chưa đủ tuổi uống rượu bia?

Để rồi, có tí men vào, nữ sinh trở nên “yếu đuối”, còn “yêu râu xanh” thì như uống được “nước thần”. Chúng vùng lên, đâu chỉ hành động một mình mà còn kết bè, kết đảng. Và chuyện đến đâu, không cần phải nói nữa.

Lỗi là, các em đã không trân trọng bản thân, buông bỏ chính mình vì một lý do nào đó. Kiểu, chỉ cần vui là được, các chuyện khác tính sau.

Lỗi là, các em thiếu kiến thức xã hội quá nhiều, luôn nghĩ xã hội màu hồng và “ôm ấp” giấc mộng “bản chất con người là tốt”. Nhưng, các em đã không lường trước rằng, chỉ cần có thêm tí rượu, ma túy hay chất kích thích, con người có thể hóa… quỷ.

Lỗi là, khi báo đài, sách vở ra rả rao giảng về kĩ năng mềm trong cuộc sống, thì các em còn “cắm đầu cắm cổ” chạy đua với kiến thức, thi cử. Có chăng chút thời gian thảnh thơi, các em ưu tiên cho những cuộc vui, đi du lịch… Để khi gặp phải tình huống rất quen thuộc: Bị bạn nhậu đưa vào nhà nghỉ, bị hiếp dâm, bị cưỡng bức… các em không thể vượt lên dư luận và bản thân, vẫn hành xử theo một lối mòn kiểu: Sợ hãi, túng quẫn, thậm chí… tự tử!

Lỗi là, các em và chính gia đình các em đang ở… xa nhau quá. Người ta ít còn nhìn thấy sự đồng cảm, thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình. Ví như trường hợp nữ sinh ở Bắc Ninh, em đã chọn nhắn khoảng 400 tin nhắn với bạn trai chỉ để giải thích để rồi không nhận được sự cảm thông. Trong khi đó, bố em ngậm đắng nuốt cay, tự trách “giá như con bảo bố mẹ một tiếng”.

Câu hỏi xã hội ở đâu? gia đình ở đâu?... cũ rồi. Tôi chỉ băn khoăn, các em đang ở đâu trong chính cuộc đời mình?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img