img

Bỏ bằng đại học, 9X miền Tây về làm nông dân kiểu người... Do Thái

Minh Minh

Tốt nghiệp ngành Điện tử Viễn thông nhưng chàng trai 9X ở Đồng Tháp quyết định dành 1 năm sang Israel học cách làm nông nghiệp của người Do Thái rồi về quê, bắt mảnh đất khô cằn miền Tây phải “đẻ” ra tiền.

Lối đi ngay dưới chân mình...

img

Ngày nay, trong khi nhiều bạn trẻ mới ra trường đã vội vã gia nhập các “công sở 5 sao” để làm những công việc nhàn nhã trà nước, mát rượi điều hòa; số khác thì thỏa hiệp bằng cách chạy xe công nghệ để lấy ngắn nuôi dài..., thì vẫn còn rất nhiều người dám bắt đầu từ vạch xuất phát.

Huỳnh Thanh Dư (SN 1995; ở TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) là một người như vậy. Câu chuyện khởi nghiệp đầy gian nan, không giống ai của Dư đã truyền cảm hứng cho tôi, trong một chuyến công tác về miền Tây, cùng Dư đứng trên mảnh đất khô cằn, mùa thì nắng gắt, mùa thì mưa như đổ nước của cậu.

Dư kể: “Tôi là dân điện tử viễn thông nhưng từ thời đại học đã rất mê đất nước Israel. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp, tôi “gap year” qua đất nước đặc biệt này làm thực tập sinh nông nghiệp tại trang trại của người Do Thái”

(“Gap year”: thuật ngữ phổ biến đối với du học sinh ở phương Tây, chỉ việc bạn trẻ bỏ ra một khoảng thời gian, thường là 12 tháng, để thực hiện một kế hoạch khác biệt sau một quá trình học tập hay làm việc – PV)

“Thời gian ở Israel đã khiến tư duy về nông nghiệp của tôi thay đổi rất nhiều. Nhìn nông nghiệp của nước họ phát triển, tôi cảm thấy trăn trở, muốn trở về làm một mô hình nông nghiệp bền vững, canh tác không hóa chất”, Dư chia sẻ với PV tạp chí Người Đưa Tin pháp luật.

Cũng tại xứ sở sa mạc này, Dư gặp Thanh Mi (SN 1993) - là kỹ sư công nghệ thực phẩm đến từ Phú Yên. Sau một năm học tập và lao động ở xứ người, họ tìm thấy tình yêu, lý tưởng chung với nông nghiệp bền vững nên đã về quê của Dư ở TP. Cao Lãnh, kết hôn và... làm nông dân.

img

Đôi vợ chồng kỹ sư Thanh Dư - Thanh Mi cùng làm nông dân trên mảnh đất Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Nhận thấy các loại cây dược liệu của Việt Nam rất phong phú, có giá trị cao, đôi vợ chồng trẻ quyết định thuê 6.000m2 đất ruộng, vừa cải tạo vừa bắt đầu trồng những loại cây dễ sống.

Tháng 4/2020, trang trại dược liệu sạch mang tên Meron Farm ra đời. Theo chia sẻ của Dư và Mi, “meron” trong tiếng Do Thái có nghĩa là “chiến binh”. Họ muốn mang tinh thần chiến binh của người Do Thái vào làm nông nghiệp sạch ở quê hương, làm những việc khó khăn nhưng ý nghĩa cho cộng đồng.

Hiện Meron Farm đã cung ứng ra thị trường một số sản phẩm của cây dược liệu bao gồm atiso đỏ, hoa đậu biếc, bạc hà... Sản phẩm được cung cấp dưới dạng sơ chế (phơi, sấy khô tự nhiên) hoặc chế biến theo nguyên tắc bảo tồn dược chất và không sử dụng hóa chất như mứt và siro atiso, trà hoa đậu biếc...

img

Một số nông sản dược liệu sạch của Meron Farm: Mứt hoa atiso, trà hoa đậu biếc...

Dư cho hay, mỗi ngày, nông trại cho thu hoạch khoảng 6-7kg hoa đậu biếc, có thể sản xuất ra 1-1,5kg trà thành phẩm. Sản lượng còn khiêm tốn nhưng nó là thành quả to lớn so với xuất phát điểm chỉ là một mảnh đất khô cằn, chỉ có đôi bàn tay, khối óc của hai người trẻ thừa nhiệt huyết nhưng thiếu đi... sự sợ hãi.

Một trong những thành công lớn nhất của đôi vợ chồng trẻ là thông qua Meron Farm, họ đã xây dựng được mô hình nông trại kiểu mẫu, hướng tới liên kết các hộ nông dân, giúp họ có thể trồng và tạo ra các mô hình bền vững tương tự.

Làm nông dân rất hạnh phúc cho đến khi... đem sản phẩm đi bán (?!)

“Làm nông nghiệp, tôi muốn xuất phát từ cái gốc là người nông dân. Nếu muốn nông nghiệp phát triển bền vững thì phải làm nông dân giàu. Hiện nay có một nghịch lý là làm nông rất cực khổ nhưng giá trị nông sản chưa cao. Ở Israel, tôi thấy nông nghiệp phát triển, một phần vì người nông dân của nước họ được đề cao”, Dư chia sẻ với tôi về nỗi niềm trăn trở của mình.

Người ta bỏ phố về quê để tìm cuộc sống nhàn tản, thư thái; còn Dư chọn lối đi gập ghềnh. Phải làm gì đây với 6.000m2 đất bị nhiễm độc (do trước đây dùng canh tác cây lương thực có sử dụng hóa chất), nhiều phèn, khô cứng như đá?

Đất là vấn đề khó khăn và tốn nhiều chi phí nhất vì nếu cải tạo không tốt, cây rất dễ chết.

img

Nông trại của Huỳnh Thanh Dư mang tên Meron Farm - trước và sau khi cải tạo đất

“Tôi để cỏ mọc tự nhiên, đồng thời trồng cây tới đâu bón phân tới đó. Đây là biện pháp đơn giản và tiết kiệm nhất. Phân bón cũng chỉ có phân bò ủ với rơm, dung dịch vi sinh. Đương nhiên, không có sự xuất hiện của thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Hiện tại, đất đã “sống” rồi”, Dư nói.

Thông tin Dư vừa chia sẻ khiến tôi không khỏi cảm thấy bất ngờ. Trong nhận thức kiểu “đường mòn” ít “lối mở” của một phóng viên không chuyên về nông nghiệp như tôi, làm nông là phải diệt cỏ để triệt tiêu cơ chế chia sẻ dinh dưỡng giữa cỏ và cây trồng, là ít nhiều phải sử dụng hóa chất để trừ sâu bệnh...

Hóa ra không phải, trên thế giới gần đây người ta đã nói nhiều và áp dụng nhiều mô hình nông nghiệp bền vững dựa trên các thuật ngữ “nông nghiệp sạch”, “nông nghiệp xanh”, “nông nghiệp sinh thái”... Nghĩa là xen canh, trồng nhiều giống cây khác nhau trong một hệ sinh thái để tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, là không dùng hóa chất...

“Cái quan trọng nhất tôi học được ở Israel là tính hiệu quả, làm sao để giải quyết những vấn đề đang có, chứ không phải phụ thuộc công nghệ hay thứ gì khác. Người Israel thường bị nói là keo kiệt nhưng thực ra, họ chỉ tính toán kỹ, để làm việc hiệu quả và tiết kiệm nhất”, 9X Đồng Tháp tâm niệm.
img

Huỳnh Thanh Dư hạnh phúc bên nông trại của mình (ảnh chụp ngày 26/12/2020)

Chia sẻ thêm, Dư cho biết, phương châm của mình là làm “Nông nghiệp vì sức khỏe”, dựa trên ba nền tảng: “Khỏe cho đất, khỏe cho người nông dân, khỏe cho người tiêu dùng”. Trước tiên phải nuôi dưỡng đất thật tốt để tạo ra nguồn nguyên liệu sạch và an toàn, từ đó sản xuất ra những sản phẩm vừa tốt vừa an toàn cho người tiêu dùng. Không những vậy, trên chính mảnh vườn ấy, người nông dân cũng được sống khỏe, không khí trong lành, không có hóa chất độc hại.

Tôi hỏi Dư: “Làm nông dân có hạnh phúc không?”. Không cần suy nghĩ lâu, Dư nói: “Sau hơn 8 tháng làm nông dân trên chính mảnh đất quê hương, tôi thấy làm nông dân rất hạnh phúc, cho đến khi phải đem sản phẩm đi bán thì bớt vui một chút” (cười).

“Tôi cũng bắt đầu thấy áp lực về tiền bạc và nhiều vấn đề khác. Dẫu vậy, Meron Farm như một đứa con - nên sẽ luôn cố gắng nuôi nó, đã bắt đầu thì sẽ kiên cường tới cùng”, Dư nói

Minh Minh (Đồng Tháp, ngày 25, 26/12/2020)

img