5 năm rồi con mới được ngồi sau yên xe của bố để bố chở đến địa điểm thi. Bước vào cánh cổng, con lấy tay quệt ngang mũi khi nghe bố nói “Bố chờ con”.
Năm ấy nhà mình nghèo, bố lên Tây Nguyên hứng gió mưa nắng cháy đỏ da để ba mẹ con nương tựa vào nhau trong căn nhà cấp 4 sập xệ.
Trời mưa, những giọt nước len vào kẽ mái chen nhau khiến sàn nhà, giường ngủ ướt đẫm. Mỗi lần như vậy, mẹ lại rủ hai chị em chơi trò "bịt nước khô nhà". Mẹ nói đứa nào nhanh tay kê chậu nhanh nhất vào chỗ dột, mẹ sẽ thưởng 2 chiếc kẹo kéo tẩm vừng.
Con và em ngây thơ lấy đủ cốc chén chêm vào những khoảng hở to bằng cái nắm tay dưới sàn nhà, còn mẹ cuống quýt ôm chăn chiếu kê lên gác bếp.
Xong xuôi, 3 mẹ còn ngồi thu lu trên phản nhìn căn nhà tan hoang sau cơn mưa rào thường xuyên ghé tạm.
Năm ấy bố về, bố đem theo hai đôi dép cao su cùng chiếc âu lươn đựng mỡ. Trong âu là những tờ tiền được gấp ngăn ngắn, bố bảo đây là tiền sửa mái để ba mẹ con đỡ chịu cảnh dột ướt.
Bữa cơm vội vã buổi chiều, bố quên lời hẹn đưa hai chị em đi ăn kem ở nhà bà Ba cuối phố. Con hờn giận mãi cho đến vài năm sau.
Lần này bố về, đôi mắt buồn thiu nhỏ những giọt lệ mặn chát lên khuôn mặt của mẹ. Cầm vào ống tay áo lững thững trống hoác, trái tim con thắt lại từng hồi.
Con lạnh lùng bước qua bố chỉ đủ thời gian cho một cái gật đầu xa lạ, chạy ra sau vườn con oà khóc nức nở như một đứa trẻ vừa bị phạt. Con không đủ dũng cảm nói với bố ba từ “Con xin lỗi”.
2 tuần trước ngày thi, con gục nằm trên chiếc bàn loang lổ vết mủn cưa, bố khó khăn cầm chiếc chăn mỏng choàng qua vai con ngượng ngùng bằng cánh tay còn lại. Con biết nhưng cố không để tiếc nấc nghẹn có cơ hội phát ra thành âm thanh, lim dim đôi mắt, con mơ màng nhớ về que kem ăn dở cùng nụ cười hiền của mùa hè năm ấy.
Con không cần nữa bố ạ. Con không cần những sắc màu phù phiếm giữa chốn phù hoa hội chợ, con không cần mái nhà lợp tôn chỉn chu được đánh đổi bằng cánh tay tàn tật, chỉ là con quá ích kỷ và nhỏ nhen khiến những điều tuyệt vời hoá tầm thường một cách vô thức.
Ngày hôm nay, giữa cả nghìn người lộng lẫy, giữa vạn người bình thường, bố chở con trên chiếc xe thương binh được thiết kế riêng dành cho đôi tay bị cụt.
Bước chân xuống cổng trường, bố luống cuống xuống xe đầy ngượng ngịu khó khăn, cố gắng vuốt những sợi tóc mai lộn xộn của con trong gió, bố nhẹ nhàng nói: “Thi tốt nhé. Bố chờ cô”.
Trước cổng trường đầy nắng, con khóc nức nở như đứa trẻ năm nào bị phạt vì tội giữa trưa chạy ra cánh đồng câu trộm cá, ôm tấm lưng lấm tấm mồ hôi cùng thứ hương nghiệt ngã, con nấc lên từng tiếng liên hồi.
Vỗ nhẽ vào vai con, bố nghiêm mặt dặn dò: “Trật tự. Cô làm bố mất mặt quá rồi đấy. Chạy vào trường không muộn. Tôi không muốn cô dở dở ương ương thế này đâu. Đi nhanh, bố quật cho mấy cái bây giờ”.
Vừa cười vừa khóc con gõ nhẽ lên đôi tay cụt của bố: “Ông bô chờ con. Đừng đi đâu đấy”.
...
Cánh cổng mở ra, con chạy thục mạng về phía người đàn ông đội chiếc mũ cối sờn: “Bố chờ con nhé”.