Dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi do bộ GTVT soạn và dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do bộ Công an soạn vừa chính thức trình Chính phủ.
Theo dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất, bộ Công an giữ nguyên đề xuất Bộ này sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý đào tạo, sát hạch; cấp, đổi và thu hồi GPLX. Trong khi đó, bộ GTVT cẩn trọng hơn khi trình Chính phủ ra 2 dự thảo luật Giao thông Đường bộ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thi lý thuyết cũng như sa hình như hiện nay vẫn chỉ như nằm trên sách vở (Ảnh minh họa)
Dự thảo 1, Bộ này đề xuất giữ nguyên phạm vi điều chỉnh trên cơ sở kế thừa luật Giao thông Đường bộ hiện hành. Trong đó, bộ GTVT tiếp tục được quản lý công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Dự thảo 2, bộ GTVT đề xuất luật Giao thông Đường bộ là luật chung điều chỉnh tất cả chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ. Các nội dung liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ được chi tiết, cụ thể hóa tại luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, đại diện bộ GTVT cho rằng lĩnh lực đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe là 1 nội dung thuộc lĩnh vực dân sự và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, vấn đề này cần được Chính phủ xem xét, quyết định để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng vụ Quản lý phương tiện và người lái (tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay: “Bộ GTVT đã tổng hợp ý kiến và trình Chính phủ, lĩnh vực sát hạch lái xe do đơn vị nào quản lý thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Quốc hội”.
Liên quan đến việc bộ Công an muốn đưa đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ bộ GTVT về bộ Công an, trong báo cáo thẩm định của mình, bộ Tư pháp đánh giá, nếu thay đổi sẽ có tác động, ảnh hưởng lớn tới các trung tâm đào tạo lái xe. Ngoài ra, bộ Công an cũng chưa có đánh giá cụ thể về các vấn đề phát sinh đối với các chủ thể này khi có sự điều chuyển cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể như có phát sinh thủ tục đăng ký lại và cấp lại giấy phép hoạt động. Các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đang được thực hiện theo hệ thống pháp luật hiện hành phải thay đổi theo quy định mới sẽ tác động như thế nào tới các cơ sở này.
Cũng theo bộ Tư pháp, đối với hệ thống cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của bộ GTVT và của các cơ quan chuyên môn về GTVT cấp tỉnh sẽ được sắp xếp như thế nào khi nhiệm vụ này điều chuyển sang cho bộ Công an. Do đó, để có đủ cơ sở cho việc đề xuất phương án chuyển đổi cơ quan quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX tại dự thảo luật, bộ Tư pháp đề nghị bộ Công an phối hợp chặt chẽ với bộ GTVT tổng kết, đánh giá kỹ các tác động, ảnh hưởng việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa 2 Bộ đến tổ chức bộ máy, biên chế...
Đại diện cục CSGT, cần phải làm chặt quy trình đào tạo, sát hạch GPLX.
Liên quan đến đề xuất của bộ Công an, luật sư Phạm Tuấn Anh (đoàn Bắc Ninh) nhận định: “Những bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thì chúng ta phải chấn chỉnh, tăng cường thanh kiểm tra, giám sát để ngăn chặn tiêu cực, nâng cao chất lượng chứ không thể vì việc đó mà “giành quyền” về Bộ này hay Bộ kia. Việc giao cho ai quản lý phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. Với ngành công an, nhiệm vụ chính của họ là bảo đảm an ninh trật tự”.
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, vấn đề ATGT chỉ là một phần của an ninh trật tự và ATGT hoàn toàn có thể giao cho ngành giao thông quản lý như hiện nay. Nếu bộ Công an muốn quản lý việc sát hạch, cấp GPLX thì cần đưa ra lập luận để chứng minh rằng những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực này giao về bộ Công an sẽ giải quyết được”.
Một ĐBQH khóa XIII cho rằng, việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX nên để ngành dọc (bộ GTVT-PV) quản lý. Lĩnh lực đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe là một nội dung thuộc lĩnh vực dân sự và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hoạt động dân sự giao cho cơ quan dân sự sẽ quản lý tốt hơn. Vấn đề này cần được Chính phủ xem xét, quyết định để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Cần thực hiện tách bạch công tác giữa 2 cơ quan quản lý nhà nước, tránh giẫm chân nhau.
Tuy nhiên, đại diện cục CSGT (bộ Công an) cho rằng, thực tế hiện nay, sau khi được cấp GPLX, lái xe gần như không bị ai quản lý. Không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, các đơn vị còn lỏng lẻo trong công tác cấp và cấp lại GPLX khiến hàng trăm ngàn GPLX bị tạm giữ, tước quyền sử dụng không có người đến nhận. Không ít trường hợp đang bị CSGT tạm giữ GPLX vẫn được cấp lại GPLX khác, có người còn sở hữu tới 2-3 GPLX.
Cũng theo đại diện cục CSGT, có tình trạng tài xế có có tiền sử tâm thần, đang bị truy nã, thậm chí đang thi hành án nhưng vẫn được cấp, đổi GPLX. Theo đó, cần phải làm chặt quy trình đào tạo, sát hạch GPLX; tách bạch giữa đào tạo và sát hạch cấp giấy phép do 2 lực lượng chuyên biệt để chuyên môn hóa. “Từ những dữ liệu có được, ngành công an sẽ phân tích, tìm ra kỹ năng nào cần phải tập trung rèn luyện khi đào tạo, sát hạch. Thực tế, việc thi lý thuyết cũng như sa hình như hiện nay vẫn chỉ như nằm trên sách vở. Điều quan trọng nhất là kỹ năng xử lý khi tham giao thông.
Cũng theo đại diện cục CSGT, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông đang diễn ra ngày càng phức tạp. Tính riêng trong năm 2019, hơn 70% các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải. Và trong các vụ tai nạn giao thông, có rất nhiều vụ nguyên nhân xuất phát do công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
H.L