img

Bộ GD&ĐT đề xuất thay đổi cách đánh giá học sinh: Rào cản lớn từ năng lực giáo viên và sự thấu hiểu của phụ huynh

HÀ NHÂN

Mong muốn thay đổi phương pháp đánh giá học sinh cấp THCS và THPT, bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra lấy ý kiến về hình thức đánh giá nhận xét kết hợp điểm số; giảm bớt số lượng bài kiểm tra,…Thế nhưng, thành công của chủ trương này sẽ gặp phải thách thức không nhỏ từ cả nhà trường lẫn gia đình.

Đại diện vụ Giáo dục Trung học (bộ GD&ĐT) trình bày, dự thảo tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Việc này thực hiện ở hầu hết các môn học, đánh giá bằng những biểu hiện cụ thể về thái độ, hành vi, kết quả sản phẩm học tập của học sinh gắn với từng bài học, theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Điểm mới thứ hai là đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá. Thay vì chú trọng kiểm tra đánh giá bằng điểm số thông qua các bài kiểm tra viết, kiểm tra hỏi đáp (miệng) thì dự thảo này, có nhiều hình thức kiểm tra đánh giá như: Hỏi-đáp, thuyết trình, kiểm tra viết trên giấy hoặc trên máy tính…

img

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về nhiều quy định mới trong cách đánh giá kết quả học tập của bậc trung học.

Thứ ba, dự thảo thống nhất số đầu điểm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ cho mỗi môn học, theo hướng giảm số đầu điểm so với quy định hiện hành.

Cụ thể, trong kiểm tra định kỳ sẽ giới hạn một học kỳ chỉ còn một điểm kiểm tra giữa kỳ và một điểm kiểm tra cuối kỳ, không còn điểm kiểm tra một tiết. Quy định thời gian cho kiểm tra bài giữa kỳ và cuối kỳ cũng được điều chỉnh, phụ thuộc vào từng môn học.

Đưa ra góc nhìn đa chiều, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, Cố vấn tập đoàn Microsoft, Giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của bộ GD&ĐT đã có cuộc trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật.

Để học sinh tìm thấy hứng thú thay vì áp lực điểm số

Thưa cô, dự thảo của bộ GD&ĐT đang tiến đến giảm số đầu điểm và thay đổi cách đánh giá học sinh bằng cách kết hợp thêm hình thức nhận xét bên cạnh điểm số. Điều này có thực sự giảm áp lực học tập cho học sinh hay không?

Chủ trương này hoàn toàn đúng đắn, giúp cho phụ huynh, học sinh và nhà trường thay đổi mục tiêu trong giáo dục. Theo đó, thời gian cho việc học kiến thức sẽ giảm bớt và tăng cường các hoạt động trải nghiệm để hình thành kỹ năng.

Nếu thực hiện hiệu quả, mô hình này sẽ tiến dần đến việc đánh giá học sinh theo cách định tính nhiều hơn định lượng. Như hiện nay, bậc tiểu học đã làm quen với cách đánh giá học sinh bằng lời nhận xét thay vì điểm số. Đó là động thái hoàn toàn hiệu quả cho công tác thay đổi mục tiêu giáo dục.

Quan trọng nhất, việc thay đổi cách đánh giá học sinh phải được thực hiện song song với sự điều chỉnh phương pháp giảng dạy của giáo viên. Cần làm cho học sinh cảm thấy hứng thú trong quá trình tìm hiểu kiến thức, để các em ra sức cố gắng học tập vì nhu cầu bản thân chứ không phải chỉ để lấy điểm.

img

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, Cố vấn tập đoàn Microsoft, Giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của bộ GD&ĐT.

Với những lần thay đổi quy định như trước đây, luôn có lực cản từ chính người trong ngành giáo dục lẫn ý kiến dư luận. Để sự đổi mới lần này đạt hiệu quả, cô cho rằng yếu tố nào cần được chú ý cải thiện?

Trước đây, bộ GD&ĐT bị nhiều người “ném đá” khi đưa ra thay đổi về đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay cho điểm số. Nhiều giáo viên còn đối phó bằng kiểu nhận xét rập khuôn, sao chép phổ biến lời nhận xét với nhiều học sinh.

Nhưng khi Singapore cũng đưa ra quan điểm đánh giá như vậy thì thiên hạ lại đua nhau khen ngợi sự tiên tiến, nhân văn. Qua đó có thể nhận thấy, trước những thay đổi, cần phải có hiểu biết, phân tích, phản biện thấu đáo chứ không nên vội vàng chỉ trích.

Mặt khác, cần đồng bộ trong việc định hướng cho phụ huynh hiểu được mục tiêu của sự thay đổi để họ có cùng quan điểm với bộ GD&ĐT. Ví dụ, phụ huynh có thể phản ứng rằng, khi số lượng bài kiểm tra giảm xuống thì tầm quan trọng của những bài kiểm tra còn lại sẽ tăng lên vì không nhiều cơ hội lấy điểm. Vậy là kéo nhau đi học thêm để đạt điểm cao trong bài kiểm tra.

Chúng ta phải giúp phụ huynh nhận ra, điểm số của học sinh chỉ có giá trị trong một năm học, không nói lên sự thành công của đứa trẻ. Chứ nếu phụ huynh không có cùng mục tiêu giáo dục với nhà trường, xã hội thì sự thiệt thòi luôn thuộc về đứa trẻ.

img

Đòi hỏi cao về năng lực, đạo đức giáo viên

Có thể nói, việc đánh giá bằng điểm số bài kiểm tra đã quen thuộc nhưng nay lại có thêm cách đánh giá bằng nhận xét thái độ, ý thức học tập. Áp dụng hình thức này đối với hầu hết các môn học như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ,...sẽ cần xây dựng tiêu chí, yêu cầu ra sao?

Điều này không phải là mới mẻ vì khá phổ biến trên thế giới, họ có quan điểm rằng thái độ còn quan trọng hơn cả năng lực. Nhưng sẽ vấp nhiều ý kiến trái chiều để thay đổi được ý thức hệ của đại đa số người Việt Nam.

Chúng ta có thể sử dụng công cụ RUBRIC, thường dùng để đánh giá thái độ học sinh. Theo đó, học tập là một quá trình chứ không phải kết quả cuối cùng. Quá trình này hình thành tư duy, kỹ năng và là mục tiêu của giáo dục chứ không phải bằng cấp.

Công cụ RUBRIC được xây dựng với nhiều cấp độ, chẳng hạn như cách học sinh hợp tác với người khác. Cấp độ 1 là có hợp tác nhưng chưa chủ động, cấp độ 2 là có hợp tác và chủ động. Đến cấp độ 3 là hợp tác tích cực và hỗ trợ nhiều cho mọi người. Cao hơn nữa là hợp tác rất tích cực, hỗ trợ hiệu quả. Hay cấp độ cao nhất là hợp tác tích cực, hỗ trợ hiệu quả và làm thay đổi thái độ của những người xung quanh. Từ một chỉ tiêu có thể chia ra nhiều cấp độ thể hiện để giáo viên đánh giá đúng mức và chuyển thành điểm số.

img

Phương pháp đánh giá học sinh kiểu mới đòi hỏi giáo viên trở thành người hướng dẫn, không đơn thuần là truyền đạt kiến thức.

Nhưng để thực hiện theo phương pháp đó, chắc chắn rằng phải đòi hỏi rất nhiều về năng lực, kỹ năng và cả đạo đức của giáo viên, phải không thưa cô?

Hoàn toàn chính xác, vì cách làm này sẽ mang yếu tố cảm tính của người thầy rất nhiều. Đồng thời, hiệu quả của mô hình còn phụ thuộc vào môi trường, bối cảnh của từng đối tượng giáo dục. Chẳng hạn, không thể đem bộ đánh giá học sinh ở thành phố để áp dụng cho các vùng miền khác.

Tôi nhận thấy rằng, thay đổi của bộ GD&ĐT như làn gió mới với nhiều mong đợi phát huy hiệu quả, phù hợp xu thế xã hội, sáng sủa cho giáo dục Việt Nam. Nhưng tác động của công cuộc đổi mới chủ yếu phụ thuộc vào kỹ năng của người thầy qua việc phân loại, định hướng, đánh giá và tạo động lực cho học sinh. Giáo viên sẽ phải trở thành người dẫn dắt, có vai trò chủ động hướng dẫn học sinh chứ không đơn thuần là cung cấp kiến thức nữa.

Trân trọng cảm ơn cô!

H.N

img