Trong 5 năm 2012 – 2017, tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (gọi tắt là ACV) đã “bỏ túi” hơn 500 tỷ đồng nhờ thu phí đường dẫn vào 21 cảng hàng không trên phần đất công nhưng không trả tiền thuê đất cho Nhà nước. Vậy mà bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lại kiến nghị không xử lý kinh tế đối với doanh nghiệp (DN), đồng thời kiến nghị Thủ tướng giao “siêu Uỷ ban” chỉ đạo ACV khẩn trương xây dựng phương án “thu giá dịch vụ” tại toàn bộ 21 cảng hàng không nói trên.
Nói ACV là “ông trùm sân bay Việt” quả không sai, bởi cả nước hiện có 22 cảng hàng không thì DN này đang được quản lý, khai thác tới 21 cảng (trừ cảng Vân Đồn là của sở hữu tư nhân).
ACV cũng vừa được làm chủ đầu tư dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và đang là ứng viên sáng giá cho dự án rất “khủng”: dự án sân bay Long Thành.
Điều đáng nói, DN này cũng là đứa “con cưng” của bộ GTVT, luôn được Bộ này bao bọc, bảo vệ .
Một vụ việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận hiện nay là, theo Kết luận số 2529 ngày 12/10/2017 của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2012-2017, ACV đã thu hơn 500 tỷ đồng tiền phí ô tô ra vào sân bay đưa, đón khách nhưng không trả tiền thuê đất, do đó phải xử lý thu hồi ngân sách.
Theo bộ Tài chính, luật Đất đai hiện hành quy định, DN đầu tư cơ sở hạ tầng trên đất công và kinh doanh thu lời thì phải thực hiện thủ tục giao đất và trả tiền thuê đất. Trường hợp này, ACV phải bị truy thu tiền thuê đất và tiền chậm nộp.
Thế nhưng, bền bỉ mấy năm nay, mới nhất là trong văn bản gửi Chính phủ vào cuối tháng 8/2020, bộ GTVT tiếp tục kiến nghị không xử lý kinh tế đối với ACV theo Kết luận thanh tra, do DN đã thực hiện các nghĩa vụ ngân sách đúng quy định.
Thêm vào đó, trong khi phương án thu phí xe ô tô vào sân bay đưa/đón khách vẫn chưa được ACV báo cáo các cơ quan liên quan, việc thu phí vẫn triển khai như giai đoạn trước, thì bộ GTVT lại “sốt sắng” đề xuất ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN (“siêu uỷ ban”) chỉ đạo ACV đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống kiểm soát ô tô ra vào cảng hàng không theo thời gian; xây dựng phương án thu giá dịch vụ tại toàn bộ cảng hàng không để triển khai thu, theo phương án bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng.
Dường như bộ GTVT lại muốn “thu giá”?? Tôi bất giác nhớ tới số phận của những “trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ” đã từng bị Bộ này cưỡng chế trở thành “trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ” suốt mấy năm qua và sắp được chính thức “trả lại tên cho em”.
Theo đó, từ ngày 15/9/2020, khi Thông tư 15/2020/TT-BGTVT của bộ Giao thông Vận tải quy định về hoạt động của trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ (thay thế Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT ngày 30/12/2016) chính thức có hiệu lực, thuật ngữ “trạm thu giá” sẽ được khôi phục tên ban đầu là “trạm thu phí”.
Vì sao lại có chuyện “mèo vẫn hoàn mèo” như vậy? Cần thiết phải nhắc lại rằng, năm 2016, bộ GTVT ban hành Thông tư 35/2016/TT-BGTVT, viện dẫn luật Phí và Lệ phí để đổi tên "phí sử dụng đường bộ" thành "giá dịch vụ sử dụng đường bộ". Từ đó, các trạm thu phí đều đổi tên thành “trạm thu giá”, gây ý kiến trái chiều trong dư luận về sự tối nghĩa của tên gọi đó.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 4/6/2018, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ nghiên cứu chỉnh sửa tên trạm thu phí thành một tên khác phù hợp. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phản bác: "Không việc gì phải nghiên cứu hay trình gì nữa, cứ đưa về tên cũ trạm thu phí là ổn, “trạm thu phí” là cái tên rất đúng và quen gọi, không có lý do gì để đổi…"
Đến ngày 10/7/2018, tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản gửi các nhà đầu tư dự án BOT yêu cầu đổi lại tên "trạm thu giá" thành "trạm thu phí" trước ngày 20/7/2018.
Không nản lòng, đến tháng 5/2019, Bộ này lại lấy ý kiến dự thảo thông tư hoạt động trạm thu phí với tên gọi được sửa đổi là "trạm thu tiền". Tên gọi mới này đã đủ đáp ứng yêu cầu về sự trong sáng tiếng Việt, xong vẫn bị phản đối.
Người ta mổ xẻ ra rằng, sở dĩ quý Bộ cứ muốn cho “về hưu” cái cụm từ “thu thí” là vì theo Điều 3 luật Phí và Lệ phí 2015, “phí” được giải thích là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công. Mức thu phí thường là một mức tiền cố định, chỉ có ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng bộ Tài chính, hội đồng Nhân dân cấp tỉnh mới có thẩm quyền quy định và điều chỉnh.
Trong khi đó, “giá” được điều chỉnh theo luật Giá 2012, là mức thu được tính toán bảo đảm bù đắp chi phí và có lợi nhuận cho nhà đầu tư. Theo khoản 5 Điều 4 luật Giá 2015, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được quyền ấn định giá.
Vậy là đã rõ, bộ GTVT muốn giải tán “trạm thu phí” để nhường chỗ cho “trạm thu giá” nhằm dễ dàng quyết định giá sử dụng dịch vụ đường bộ (và điều chỉnh khi cần) mà không cần xin phép các cơ quan nói trên.
Trở lại câu chuyện tại ACV thì thấy rằng dường như vì quá bao bọc đứa con cưng kiểu “gà đẻ trứng vàng” mà bộ GTVT lại muốn dùng lại cụm từ “thu giá” gây tranh cãi bao năm qua.
Có câu: “Điều gì có lý ắt tồn tại, điều gì tồn tại ắt có lý”. Nếu như “trạm thu phí” là vô lý, chắc chắn nó không thể trở lại để tồn tại trong Thông tư 15/2020/TT-BGTVT mới.
Cần nhớ rằng, ACV hiện là công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (bộ GTVT nắm 95,4% vốn điều lệ). Để ACV không “thu phí” mà “thu giá” chẳng khác nào chính Nhà nước “thu giá” của dân khi dân sử dụng tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước và nhân dân.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.