Như Người Đưa Tin Pháp luật đã thông tin, mới đây, một học sinh lớp 3 trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị bỏ quên trên xe đưa đón do cô phụ trách xe và tài xế chủ quan.
Sáng ngày 11/9, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm đã thông tin về sự cố đáng tiếc xảy ra ở trường tiểu học Đoàn Thị Điểm trên địa bàn quận. Theo vị Phó Trưởng phòng GD&ĐT, ngay sau khi biết thông tin, đơn vị này đã có đoàn kiểm tra xuống tận nơi làm việc và yêu cầu xử lý nghiêm những người có liên quan.
“Mặc dù quy trình của nhà trường đưa ra rất chặt chẽ, nhưng do những người thực hiện không làm đúng các bước nên xảy ra sự việc đáng tiếc. Quy định có đưa ra khắt khe đến đâu nhưng nhân sự thực hiện vẫn là yếu tố quan trọng nhất. May mắn học sinh đã thoát hiểm an toàn, học sinh đã lên trên lớp kịp trước giờ trống vào lớp. Thời gian học sinh này ở trên xe cũng rất ngắn, một đoạn đường ngắn chỉ khi xe đi từ cổng số 4 vòng sang cổng số 1. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu nhà trường xử lý nghiêm khắc để các trường khác rút kinh nghiệm” - bà Thủy cho hay.
Theo báo cáo của trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, nguyên nhân do tài xế Nguyễn Văn Thạo (nhân viên lái xe của trường) và cô Lưu Thị Quỳnh Nga (phụ trách xe số 38) đã chủ quan, bỏ qua việc đi xuống cuối xe để kiểm tra, dẫn đến bỏ quên một học sinh ngủ quên trên ô tô. Học sinh này đã tự mở cửa xe để đi vào trường (do đã dược nhà trường hướng dẫn cách thoát hiểm trên ô tô từ bên trong).
Nhà trường đã liên hệ, kiểm tra tình hình sức khỏe và tâm lý học sinh. Theo bà Nguyễn Thanh Thủy, hiện tại, sức khỏe và tâm lý của học sinh này hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu hoảng loạn.
Thông tin với báo chí, bà Nguyễn Thị Hiền (Chủ tịch HĐQT trường tiểu học Đoàn Thị Điểm) cho biết: “Ban Giám hiệu nhà trường đã gửi lời xin lỗi phụ huynh học sinh, đồng thời nghiêm túc kiểm điểm vì đã xảy ra sự việc. Đồng thời, nhà trường ra quyết định kỷ luật nặng để mang tính răn đe và thay toàn bộ nhân viên phụ trách xe số 38.
Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp đầu giờ học điểm danh và nắm bắt thông tin học sinh nghỉ. Nếu học sinh nghỉ không có phép, trước 8h15, giáo viên chủ nhiệm phải gọi điện cho phụ huynh hỏi lý do, nếu không gọi được phải báo ngay ban Giám hiệu để kịp thời chỉ đạo”.
Bà Nguyễn Thanh Thủy cũng cho rằng: “Từ những sự cố này, có thể nhận thấy, vai trò của nhân viên phụ trách xe vô cùng quan trọng, bởi dối với mỗi phụ huynh, sự an toàn của con em mình trong mỗi ngày đến trường còn an toàn hơn những kiến thức thu nạp được trong ngày. Các nhà trường cũng lưu ý trong khâu tuyển chọn nhân sự, cần một người có tâm, yêu thương trẻ và nhiệt tình, có trách nhiệm.
Trẻ em thường rất buồn ngủ vào buổi sáng, nếu không được quan tâm, rất dễ ngủ quên trên xe đưa đón, vì vậy, nhân viên phụ trách xe ngoài việc phải đảm bảo an toàn cho học sinh trên xe, còn phải chủ động đánh thức học sinh trước khi xe đến cổng trường, thậm chí, động viên, nói chuyện cho các con tỉnh táo. Nhà trường cũng cần thành lập tổ giám sát trực tiếp vào mỗi thời điểm xe đón - trả học sinh trước cổng trường.
Một phần nữa, chúng tôi cũng mong, các bậc phụ huynh cùng phối hợp, ở nhà, nhắc các con tối ngủ sớm, sáng đánh thức các con để đảm bảo sức khỏe.
Tôi tin rằng, sau mỗi sự cố, các nhà trường hay ngành giáo dục các địa phương đều tổ chức rà soát và chấn chỉnh lại việc đảm bảo an toàn trường học”.
Liên quan đến sự cố trên xe đưa đón trẻ, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường Marie Curie - Hà Nội) cho rằng: “Với các nhà trường có dịch vụ xe đưa đón học sinh, càng nhiều học sinh càng có thể xảy ra những rủi ro. Tuy nhiên, không phải không có biện pháp hữu hiệu. Trường chúng tôi có khoảng 130 xe đưa đón học sinh, nhưng vẫn quán triệt và triển khai đảm bảo an toàn cho học sinh”.
“Bên cạnh ý thức của nhân viên phụ trách, nhà trường có thể trang bị thêm những thiết bị “nhắc nhở” để phòng việc bỏ quên học sinh trên xe đưa đón. Chúng tôi gắn trên xe một thiết bị gắn kết với khóa điện của ô tô đưa đón, đặt ở cuối xe, bên trong xe. Khi tài xế tắt khóa điện, một chiếc còi báo hiệu sẽ kêu, và để tắt được tiếng còi ấy, tài xế chỉ có một cách là đi xuống cuối xe để tắt trực tiếp. Như vậy, tài xế sẽ không thể bỏ qua bước cuối cùng là kiểm tra lại học sinh trước khi đóng cửa xe.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu triển khai thêm một biện pháp nữa, đó là sử dụng một phần mềm do cô trưởng xe thao tác, sẽ thông báo đến điện thoại của phụ huynh học sinh, khi trẻ lên xe và xuống xe. Nếu kết hợp cả hai phương thức này, chúng tôi hy vọng hệ số an toàn, tránh rủi ro cho học sinh sẽ cao, có thể đảm bảo tuyệt đối” - thầy Khang chia sẻ kinh nghiệm.
Kỹ năng sống là cần thiết!
Bà Vũ Huyền Tâm (Hiệu trưởng trường mầm non Vườn Xanh Nam Đô (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Những năm gần đây, đã xảy ra nhiều sự cố liên quan đến xe đưa đón học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp chủ quan, lơ là dẫn đến việc trẻ bị bỏ lại trên xe đưa đón. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong mỗi nhà trường, không chỉ giáo dục kiến thức văn hóa, nghệ thuật, mà còn phải trang bị kỹ năng sống cần thiết cho trẻ, càng sớm càng tốt, để đảm bảo an toàn”.
T.T