Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có xung phong thí điểm "bộ trưởng đi xe buýt"?

Không phải ngẫu nhiên mà trong các lần chất vấn của UBTVQH, vị tư lệnh ngành giao thông vận tải - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể luôn nhận được nhiều câu hỏi nhất từ các đại biểu.

img
img

Trong chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành trọn 1 ngày (ngày 15/8) để tiến hành chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành. Đây là lần đầu tiên UBTVQH tiến hành giám sát lại tình hình thực hiện "lời hứa" của các bộ trưởng từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận được rất nhiều câu hỏi chất vấn từ các đại biểu quốc hội, từ dự án đường cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận "ví dầu cao tốc miền Tây - xây đi xây lại xây hoài không xong", đến lời hứa thực hiện thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT gây nhức nhối dư luận.

Và ấn tượng hơn cả là phần chất vấn của ĐBQH đoàn Hậu Giang Nguyễn Thanh Thuỷ về ý kiến xây dựng mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt nhằm tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông, đặc biệt là thực hiện nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành.

"Đề nghị Bộ trưởng bộ GTVT cho biết có nên thực hiện theo mô hình này hay không? Nếu thực hiện thì có giảm được ách tắc giao thông không? Và giải pháp nào để thực hiện khi hạ tầng giao thông không đồng bộ và rất yếu kém như hiện nay?", vị ĐBQH đoàn Hậu Giang đặt câu hỏi.

Thực ra, mô hình "Chủ tịch tỉnh đi xe máy" không phải mới, không phải "bất khả thi" như mọi người vẫn nghĩ.

Đơn cử như vị Chủ tịch UBND Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương vẫn ngày ngày đến nhiệm sở bằng xe máy của mình. Ông từng nói: "Đi xe máy giúp chúng tôi quan sát xung quanh, dễ dàng tiếp cận người dân… Ngoài ra, góp phần tiết kiệm cho ngân sách một ít...".

"Có khi gặp rác thải, biển hiệu giao thông bị hư… là chụp hình gửi cho cán bộ quản lý để xử lý ngay. Ngoài ra, tôi có thể dễ dàng vào các khu dân cư, nhìn cuộc sống của bà con; bà con có việc bức xúc, phiền hà về cán bộ, thủ tục hành chính… là gọi ngay mình lại để trình bày...".

Đáp lại câu hỏi chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thanh Thuỷ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không đi vào "từ khoá chính" là "giải pháp hạ tầng giao thông không đồng bộ như hiện nay" mà đặt câu hỏi ngược lại: "Nếu Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong thực hiện, chúng tôi xin chọn Hậu Giang làm nơi thí điểm".

Vậy tôi xin hỏi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: "Bộ trưởng có xung phong thí điểm thực hiện mô hình "bộ trưởng đi xe buýt" hay không?".

Ở Hà Nội, nếu đi xe buýt tới nhiệm sở hàng ngày, Bộ trưởng sẽ trải qua được đầy đủ cung bậc cảm xúc của người dân Thủ đô, vừa an toàn hơn xe máy, tiết kiệm ngân sách, lại nêu gương của lãnh đạo đầu ngành.

Nếu Bộ trưởng đi xe buýt, biết đâu ông sẽ sốt ruột hơn vì thấy đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang ì ạch đợi ngày vận hành chính thức sau 8 lần thất hứa của Bộ trưởng.

Nếu Bộ trưởng đi xe buýt, biết đâu ông sẽ nhức nhối vì dự án xe buýt nhanh BRT nghìn tỷ là một thử nghiệm thất bại cỡ nào.

Nếu Bộ trưởng đi xe buýt, biết đâu ông sẽ quyết liệt hơn trong việc tìm giải pháp "cứu" cầu Thăng Long đầy ổ gà sống trâu nham nhở mà người lao động vẫn trải nghiệm hàng ngày.

Nếu Bộ trưởng đi xe buýt, tôi tin ông sẽ không làm ngơ với tình trạng chiếm dụng lòng lề đường, thấy đau đáu về những khuôn mặt mướt mải mồ hôi vì ách tắc mỗi giờ tan tầm.

Nếu một mình Bộ trưởng đi xe buýt, đường chưa chắc đã hết tắc, ngân sách quốc gia chưa chắc đã tiết kiệm được nghìn tỷ nhưng có một điều chắc chắn, những vấn đề còn tồn tại về ngành sẽ được giải quyết nhanh hơn, dứt khoát và triệt để hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể luôn nhận được nhiều câu hỏi, nhiều sự quan tâm của dư luận, cử tri cả nước nhất. Mỗi đề án, thí điểm của ông đều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân từng ngày, từng giờ.

Khoan hãy hỏi Hậu Giang có xung phong thí điểm mô hình "chủ tịch đi xe máy, lãnh đạo đi xe đạp" không, mà thử hỏi, Bộ trưởng có sẵn sàng đi xe buýt cùng dân hay không?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img