Bởi lẽ, trong hàng loạt lý do khách quan lẫn chủ quan làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, không thấy Bộ trưởng nhắc đến nguyên nhân từ sự điều hành của Bộ trưởng có khiếm khuyết…
Là tuyến duy nhất trong 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý, tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT. Thế nhưng, các xe ô tô đi vào làn có ghi rõ “Làn thu phí không dừng” vẫn thấy một nhân viên mẫn cán, yêu cầu xe dừng lại để đứng phát thẻ vào cao tốc.
Nghịch lý làn thu phí không dừng nhưng xe vẫn phải dừng gây nhức nhối nhiều năm nay, không chỉ cho người tham gia giao thông mà cả chủ đầu tư dự án hay những lãnh đạo cấp cao ngành giao thông vận tải cũng phải đau đầu.
Làn thu phí tự động không dừng
Việc lắp đặt hệ thống thu phí không dừng, theo kế hoạch phải hoàn thành từ cuối năm 2018. Sang năm 2020, tất cả các trạm thu phí sẽ phải chuyển sang công nghệ thu phí tự động không dừng theo yêu cầu Thủ tướng.
Cho tới nay, bộ Giao thông Vận tải đã phải nhiều lần kêu khó, thừa nhận “vỡ tiến độ”, ba lần họp kiểm điểm, thậm chí doanh nghiệp dự án là VETC đã “dọa” trả lại cho Bộ vì quá lỗ (số lỗ lũy kế tới 30/9/2019 là 300 tỷ đồng).
Mới đây nhất, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai dự án thu phí không dừng ETC, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ngoài việc nêu lên thực tế triển khai dự án, còn cho biết Bộ đã 3 lần họp kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chậm tiến độ. Cụ thể, trong 30 người kiểm điểm có 9 người xin “rút kinh nghiệm”, 6 người xin “phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm”.
Riêng cá nhân Bộ trưởng Thể, ông cũng nhận hình thức “nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm”.
Theo tôi, sau khi đọc báo cáo của Bộ trưởng, vị tư lệnh ngành không cần “nghiêm khắc phê bình” vì tiến độ triển khai dự án ETC.
Bởi lẽ, trong hàng loạt lý do khách quan lẫn chủ quan làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, không thấy Bộ trưởng nhắc đến nguyên nhân từ sự điều hành của Bộ trưởng có khiếm khuyết..
Cụ thể, các nguyên nhân cơ bản khiến dự án chậm triển khai bao gồm: Hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh; Nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu, chưa tăng được phí theo lộ trình; Vướng mắc của VEC; Chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa thuận tiện; Số lượng phương tiện tham gia quá thấp.
Hay những lý do có phần dễ thông cảm hơn, như: Dự án thu phí tự động không dừng theo hình thức BOO là hình thức đầu tư mới, cơ quan quản lý Nhà nước chưa có kinh nghiệm thực tế; Việc đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà đầu tư BOT phát sinh nhiều vướng mắc; quy định về trình tự, thủ tục triển khai lựa chọn nhà thầu phức tạp, và ““kinh nghiệm các cá nhân tham gia thực hiện, quản lý, giám sát dự án gần như chưa có”.
Nói vậy để thấy, việc chậm triển khai dự án thu phí không dừng phần nhiều do nguyên nhân khách quan, do người tham gia giao thông “không chịu làm quen” với việc gắn thẻ Etag, “không chịu” nạp tiền vào tài khoản trừ phí tự động vì mất phí chuyển khoản, không được hưởng lãi như tài khoản ngân hàng? Hay do chủ đầu tư dự án BOT “không chịu nhường” VETC trong điều khoản trích doanh thu trả phí dịch vụ thu phí không dừng? Hay nói cao xa hơn là do hành lang pháp lý, do thể chế chưa phù hợp?
Vậy khiếm khuyết của Bộ trưởng Thể ở đâu trong việc này? Tại sao ông cần “nghiêm khắc phê bình” khi kiểm điểm?
Không có khuyết điểm, tức không có sai phạm, hoàn toàn do “khách quan” và “thiếu kinh nghiệm”, thế nên càng không thể bắt ông nhận hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo hay thậm chí là cách chức?
Bộ trưởng Thể vẫn làm tốt, không sai phạm, tại sao lại bị yêu cầu từ chức?
Hơn nữa, bộ GTVT cũng đã có những “sáng kiến” để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho dự án, ngoài việc ưu tiên sửa đổi Quyết định số 07/2017 của Thủ tướng, trong đó “tập trung tháo gỡ một số nội dung vướng mắc chính”, còn đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền “xem xét, quyết định việc tiếp tục thu phí tại một số trạm thu phí sau khi hết thời gian thu phí hoàn vốn cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để hoàn vốn cho dự án thu phí điện tử không dừng".
Nói cách khác, người dân tham gia giao thông sau khi đóng đủ phí cho nhà đầu tư BOT, còn phải tiếp tục đóng thêm phí để hoàn vốn mà VETC đã đầu tư để lắp đặt thiết bị thu phí không dừng, bởi lẽ, họ không thu được tiền trích doanh thu từ đối tác đầu tư dự án BOT thì phải thu trực tiếp từ người dân.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả