“Bộc phát” ăn chặn hàng từ thiện

Thật thương quá những cán bộ nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (xã Thụy An, huyện Ba Vì), có lẽ hàng ngày cứ phải nhìn thấy cơ man nào là bánh kẹo, đường sữa, bim bim… hấp dẫn nên đã không kiềm chế được lòng tham, “bộc phát” nảy sinh hành vi ăn chặn.

img
img

Cuộc sống cần lắm những lý do để tâm hồn chúng ta cất cánh, thoát xác lên trên những mưu sinh nhọc nhằn hay nghịch cảnh. Bài thơ “Phố ta” của cố nhà thơ – nhà biên kịch Lưu Quang Vũ chứa đựng một lý do như thế.

“…Nếu cuộc đời này toàn những chuyện xấu xa

Thì vì sao cây táo lại nở hoa?

Sao rãnh nước lại trong veo đến thế?...”

Những câu thơ trong sáng từng được nhiều bậc cha mẹ dùng để truyền cảm hứng cho con, những người bình thường gieo niềm tin cho người kém may mắn hơn mình.

Thật tiếc, dù cây táo vẫn ra hoa theo chu kỳ sinh trưởng của nó, cái rãnh nước mọn hèn dưới chân người vẫn tự mình ánh lên trong veo, thì ở một nơi đang nuôi dưỡng những người già và trẻ tàn tật ở Thủ đô lại vừa xảy ra một câu chuyện khá xấu xí: Người hạnh phúc ăn chặn đồ của người bất hạnh.

Cụ thể, ngày 7/9 tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội xuất hiện hiện tượng tuồn hàng từ thiện do các cá nhân, tổ chức trao tặng ra ngoài và những hình ảnh này đã bị phóng viên ghi lại, phản ánh trên báo chí.

Điều đáng nói, kết quả công bố mới nhất ngày 2/10 cho hay, trong số 12 người tham gia vào vụ tuồn hàng từ thiện này, có 8 nhân viên của Trung tâm. Trước đó, một số người đã phải làm kiểm điểm. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã yêu cầu xác minh vụ việc và xử lý nghiêm.

Có bất hạnh hay không nếu bạn là một trong số 165 người già và 165 trẻ em của cái Trung tâm này?

Tuổi già vốn đã chẳng thú vị bằng tuổi trẻ rồi, huống hồ lại là tuổi già cô đơn, tàn tật, không nơi nương tựa. “Trẻ em như búp trên cành”, bình thường ra thì 165 đứa trẻ này phải là những thiên thần, thậm chí “ông vua con” trong gia đình của chúng, nhưng không, chúng thiếu thốn, ngác ngơ, thiểu năng, sống nhờ vào tấm lòng hảo tâm của người khác.

Ấy vậy mà trong cái rủi lại có cái… xui, 330 con người khốn khổ này còn bị chính những cán bộ - người mà họ coi như ân nhân - ăn chặn lại từng chiếc bánh Trung thu, dây sữa hay gói bim bim từ thiện.

Nói ra thì bất nhẫn, nhưng phải gọi tên chính xác đây là cái ác. Đừng nghĩ cứ phải sát hại ai như tên sát nhân mới là ác. Kiếm chác, trục lợi trên nỗi bất hạnh của người khác là rất ác. Sao không chọn “đứng trên vai người khổng lồ” mà lại “giẫm đạp” lên những tấm lưng còng để họ cứ thế vì mình mà phải cúi rạp thêm chút nữa?

Thế mà ông Đỗ Đức Hồng - Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội – trả lời phỏng vấn, cho rằng đây là sự việc bộc phát, do ý thức trách nhiệm của cán bộ và bảo vệ chưa cao.

Theo tôi, phát biểu trên đây có sự đánh tráo khái niệm. “Bộc phát”, “ý thức trách nhiệm chưa cao” nghĩa là chưa làm tròn trách nhiệm được giao, có sai sót nhưng không nghiêm trọng. Hoàn toàn khác với hành vi tham lam trục lợi, tham nhũng vặt trong trường hợp này.

Bởi vì, hiện tượng này không phải xảy ra lần đầu. Nhiều người dân đã phản ánh lên các cơ quan báo chí rằng, sau khi các tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi, tặng quà và đi về, cán bộ Trung tâm này đã nhiều lần tuồn hàng ra ngoài qua một cổng phụ. Hành vi này xuất hiện từ lâu, nhiều người tham gia và ngày một ngang nhiên, công khai khiến dư luận bức xúc.

Và như chính ông Hồng Giám đốc Trung tâm cũng thừa nhận rằng trước đó đã từng xảy ra hiện tượng này nhưng đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Hài hước hơn, hai nhân viên bị bắt quả tang tuồn hàng ra ngoài là bà Đào Thị Phương và Nguyễn Thị Liên sau đó đã giải trình rằng số bánh kẹo, sữa này là nhà từ thiện tặng cán bộ Trung tâm nhưng do cuối giờ chiều chưa kịp báo cáo lãnh đạo nên họ đem về nhà cho con.

Vậy tại sao ông Giám đốc nói đây là hành vi “bộc phát”? Và nếu là quà tặng cán bộ đàng hoàng sao không đem về bằng cửa chính mà phải trèo tường đưa ra cổng phụ?

Thật đau lòng khi mà trong nhóm giải pháp để khắc phục hiện tượng này được ông Giám đốc Trung tâm đưa ra, lại có cả đề xuất sử dụng một số người khuyết tật nhẹ giám sát lại chính cán bộ của Trung tâm. Nghịch lý làm sao, người khuyết tật thể chất giám sát người “khuyết tật” nhân cách.

Vẫn biết, xã hội còn đầy rẫy chuyện bất công và vô nhân đạo, nhưng xin đừng vô nhân đạo ở cái nơi mà tinh thần nhân đạo được đề cao hàng đầu, giữa những người vốn dĩ đã bị tạo hóa đối xử bất công. Như cây táo đến mùa lại nở hoa, hãy để lòng tốt sản sinh ra lòng tốt, và nhân rộng thành hoa nhân cách tỏa hương sắc cho cuộc đời.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
img