Bớt khẩu phần ăn của trẻ em không chỉ đơn giản là sự thiếu trách nhiệm hay vi phạm pháp luật mà đó là tội ác tày trời bởi điều này có khác gì hủy hoại chính tương lai của đất nước.
Thêm một lần nữa hình ảnh những khẩu phần ăn của con trẻ khiến phụ huynh phải đau lòng và phản ánh đến cơ quan công luận. Mới đây, nhiều phụ huynh Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, TPHCM đã chụp lại được hình ảnh bữa ăn của học sinh chỉ cơm với ít lát trứng chiên, canh rau dền lõng bõng và tráng miệng với chuối, một bữa sáng là nui (mỳ) với vài chút thịt vụn vặt lèo tèo, quả trứng cút...
Theo hóa đơn phụ huynh có được, giò được cung cấp vào bếp ăn của trường chỉ có giá 64.000 đồng, 1kg giò lụa giá 65.000 đồng, một mức giá khó có được cho một sản phẩm chất lượng thực sự. Không chỉ vậy, ghi nhận tại bếp ăn nhà trường cho thấy cà rốt bị thối, dập, rau cải cũng bị dập. Trong khi đó, tiền ăn phụ huynh đóng cho con tới 30.000 đồng/ngày.
https://media1.nguoiduatin.vn/media/vu-thu-huong/2020/11/23/bua-an.jpg
Nhiều phụ huynh từng bật khóc khi nhìn vào khẩu phần ăn của con. Tuy nhiên, nhiều trường học vẫn “nhắm mắt làm ngơ” trước vấn đề thực phẩm.
Theo phản ánh của phụ huynh trường Tiểu học Phước Long 1, TP Nha Trang, vào giữa tháng 10, khi kiểm tra thì họ phát hiện lượng thức ăn không giống như nhà bếp thông báo. Cụ thể như thịt heo thì ban đầu nhà bếp báo 65kg nhưng phụ huynh yêu cầu cân lên chỉ được 32kg. Sau đó nhà bếp mua thêm thành được 44kg nhưng lại nói vì thức ăn thấy ít nên tự bỏ tiền túi mua thêm. Điều này gây ra nhiều lo lắng, nghi ngờ từ phụ huynh khi con em đi học về “than đói, ăn không ngon”.
Không biết số tiền mà những người làm nghề trồng người này kiếm chác từ khẩu phần ăn của học sinh được bao nhiêu nhưng khiến dư luận phẫn nộ, căm giận hơn cả thậm chí các vụ án tiền tỷ. Bởi vì, đạo đức, phẩm giá, danh dự của một người thầy sao có thể dễ dàng đổi lấy tiền như vậy. Rút từ "sức khỏe" của học trò, còn gì ác hơn, đau xót hơn.
Trong khi đó, rất nhiều nơi trên thế giới những tấm lòng Bồ tát của nhiều thầy cô giáo đã làm ấm lòng những cô cậu học trò và mang tới những nhân tài cho đất nước. Cô Amy Krusemark, Florida, Mỹ là một điển hình. phát hiện cậu học trò nhút nhát Robert Hurley trong lớp mình sống tại nhà chăm sóc trẻ em xã hội cô giáo đã đón về nhà nuôi.
Bố mẹ của Robert đều buôn bán ma tuý nên không có quyền nuôi dưỡng con cái. Vào năm 2014, Robert và các anh chị em được tổ chức dịch vụ bảo vệ trẻ em (gọi tắt là CPS) chuyển đến nhà chăm sóc trẻ em xã hội.
Nhưng chính quyền không cho phép thanh thiếu niên ở một nhà chăm sóc xã hội quá lâu. Họ dự định chuyển Robert sang một nhà khác cách xa trường trung học của em. Robert không hề muốn chuyển đi và phải loay hoay tìm kiếm nơi ở mới.
Khi biết điều đó, cô Amy đã nhận nuôi em. Đang chia sẻ quyền nuôi con gái với chồng cũ, cô Amy rất tự tin chăm sóc học trò. Hiện tại, Robert sống cùng Amy và bạn trai của cô.
"Chúng tôi hoàn toàn là một gia đình bình thường" - cô Amy nói. Họ có những kỳ nghỉ gia đình hoặc cùng nhau chơi bài. Cô dạy Robert lái ôtô, đưa cậu đến trường mỗi ngày cho đến khi em có thể lái xe thuần thục.
Là giáo viên trực tiếp giảng dạy, cô Amy nhận ra tố chất thông minh của Robert. Vì thế, khi nuôi dưỡng em, cô đặt ra những kỳ vọng rất cao và Robert đều có thể đáp ứng được.
Robert bày tỏ nguyện vọng được đi học một trường đại học chất lượng và cô Amy luôn khuyến khích cậu nỗ lực để đạt được mục tiêu. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của cô giáo, Robert trở thành thủ khoa tốt nghiệp của trường Boca Ciega, được nhận vào hai đại học danh tiếng là Yale và Stanford. "Thành công của Robert ngày hôm nay vượt qua sự mong đợi của tôi", cô Amy nói.
Thu Hương
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.