Bức thư của người mẹ đáng kính trọng và chuyện nữ sinh tự tử vì "vết nhơ trong cuộc đời"

Yêu con là lẽ thường của người làm cha mẹ. Nhưng tình yêu ấy lại mang đến những tác động, hiệu quả khác nhau một trời một vực tùy theo cách biểu lộ tình cảm của mỗi người…

img

Bức thư chứa chan tình mẫu tử của cô Trần Thị Kim Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng gửi con trai thi trượt vào lớp 10 PTTH đang làm chao đảo cộng đồng mạng những ngày qua. Những lời gan ruột chứa chan yêu thương và sự cảm thông mà người mẹ này dành cho thất bại đầu đời của cậu con trai thực đáng kính nể.

“Mẹ và ba, tất nhiên là có buồn, tuy nhiên, cả hai đều có chung suy nghĩ, cú ngã này là cần thiết và có ý nghĩa với con... Nếu con cứ thẳng tiến vào 10, thì 3 năm THPT tiếp theo của con rất có khả năng sẽ tiếp tục ở trạng thái “lơ tơ mơ” như 4 năm THCS. Cú ngã này khiến con phải giật mình, tỉnh ngộ”...

Con thi trượt là một cú sốc, một sự thật rất khó đối diện với gia đình. Phần đông cha mẹ sẽ chọn cách né tránh, im lặng và thậm chí giấu diếm để thông tin không lọt ra bên ngoài. Ai lại vạch áo cho người xem lưng, ai lại tung hê chuyện để cả thiên hạ biết vậy?

Ấy vậy nhưng người mẹ ấy, đặc biệt lại là một người làm trong ngành giáo dục, một cô giáo, một “sếp” trong nhà trường đã mạnh mẽ công khai bức thư viết cho người con thi trượt. Một bức thư đầy ý nghĩa nhân văn.

Không đánh đập, trách mắng, không chê bai hay so sánh con mình với “con nhà người ta”, trong lúc con thất bại, người mẹ vẫn vỗ về, động viên. Nhưng hoàn toàn không “ru ngủ” con, người mẹ phân tích cho con hiểu rõ tình hình, bình tĩnh, “xốc” lại tinh thần giúp con vượt qua cú sốc.

Những lời tâm tình giản đơn của người mẹ nhưng mang đầy tính triết lý giáo dục, đầy ý nghĩa.

Yêu con, mong cho con nên người là lẽ thường của người làm cha mẹ. Nhưng tình yêu ấy thực mang đến những tác động, hiệu quả khác nhau một trời một vực tùy theo cách biểu lộ tình cảm của mỗi người.

Câu chuyện nữ sinh 13 tuổi ở Hàng Châu, Trung Quốc tự sát chỉ vì đứng thứ 5 trong một kỳ thi ở trường là một minh chứng điển hình.

Tháng 9/2019, cô bé tham dự một kỳ thi tại trường trung học rất nổi tiếng trong khu vực và bất ngờ trượt khỏi vị trí top đầu. Cú sốc rớt vị trí đầu bảng của một học sinh luôn ở vị trí top 1 trong nhiều năm khiến cô bé cảm thấy hụt hẫng, bất lực và xem đây như “một vết nhơ trong cuộc đời mình”.

Tuy nhiên, nỗi buồn này có lẽ sẽ qua đi nếu như cô bé không phải đối diện với những lời trách móc từ người mẹ trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Những lời trách móc của mẹ khiến cô bé hoàn toàn mất niềm tin vào học hành và tổn thương sâu sắc. Giới hạn của sự chịu đựng vượt quá mức, cô bé đã dùng một con dao cắt cổ tay và bật khóc “Con không muốn sống nữa”.

Yêu con như thế thực khác nào hại con.

Nếu cha mẹ nào cũng có thể dạy con biết tự chịu trách nhiệm về cuộc đời. Nếu cha mẹ luôn tôn trọng và đồng hành cùng con trong mỗi biến cố, chấp nhận sự thất bại của con mình và cổ vũ cho con đứng dậy… thì cuộc đời này luôn có những đứa trẻ hạnh phúc. Nếu cha mẹ luôn đặt mục tiêu dạy con làm người là trên hết, thì hẳn nhiên cũng sẽ bớt đi những kiếp người sa ngã, cực đoan…

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Thu Hương

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img