img

Bức tử thai nhi: Nỗi đau vẫn còn dai dẳng

Thanh Lam

Theo số liệu báo cáo mới nhất, có khoảng 250 đến 300 nghìn ca nạo phá thai được ghi nhận hàng năm ở Việt Nam. Đây chính là lý do khiến ngày càng nhiều đứa trẻ bị chính cha mẹ bức tử, nhiều tổ chức từ thiện phải giải cứu chúng từ những bọc rác thải y tế của cơ sở phá thai chui... PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ (BS) Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (bộ LĐ-TB&XH) về thực trạng đáng báo động này.

Lên án hành vi tước đoạt quyền sống của trẻ em

PV: Thưa bác sĩ Nguyễn Trọng An, ông nhìn nhận thế nào về thực trạng phá thai ở Việt Nam?

BS Nguyễn Trọng An: Câu chuyện phá thai là vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm và bức xúc từ rất lâu, bởi đó là hành động thiếu tính nhân văn. Việt Nam là nước đầu tiên ký Công ước quốc tế về Quyền trẻ em ở châu Á và đã cam kết thực hiện, nhưng lại là một trong những quốc gia đứng trong top 5 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới. Trẻ em có quyền được sống. Phá thai đến mức độ nhiều như vậy có nghĩa là rất nhiều trẻ em đã bị tước đoạt quyền cơ bản này.

PV: Theo ông, nguyên nhân của thực trạng phá thai ở nước ta là do đâu?
img

Bác sĩ Nguyễn Trọng An rất quan tâm đến việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

BS Nguyễn Trọng An: Theo tôi, vấn đề truyền thông và giáo dục về dân số, sức khỏe vị thành niên, sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục cho thanh, thiếu niên vẫn còn hạn chế nên mới để xảy ra tình trạng như vậy. Thêm nữa, trước đây chúng ta coi kế hoạch hóa gia đình, mỗi gia đình chỉ có 1 – 2 con là một thành tích lớn, thậm chí rất nhiều cán bộ công chức, đảng viên… bị kỷ luật do có thai, sinh con không theo kế hoạch dân số. Hậu quả là nhiều người phải lựa chọn phá thai nếu trót lỡ kế hoạch. Một nguyên nhân nữa là do nhan nhản phòng khám tư có dịch vụ phá thai. Tôi đã từng dùng từ “chợ phá thai” để nói về hoạt động nhộn nhịp ở đường Giải Phóng, trước cổng bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và trước cổng bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cách đây hàng chục năm trước. Vấn đề này nằm ở sự quản lý của bộ Y tế.

PV: Gần đây báo chí phản ánh nhiều câu chuyện đau lòng về việc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi do phá thai chui tại các phòng khám. Thậm chí có cả đội thiện nguyện bảo vệ sự sống thai nhi đi tìm kiếm thai nhi trong những túi nilon, thùng rác... Phá thai chui sẽ gặp phải những hệ lụy như thế nào, thưa ông?

BS Nguyễn Trọng An: Hiện nay, phá thai nếu đảm bảo điều kiện vệ sinh, bác sĩ có chuyên môn thì khả năng bị tai biến và các nguy cơ không cao. Nhưng phá thai chui, phá thai non, phá thai lớn trên 22 tuần tuổi thì cực kỳ nguy hiểm. Đáng tiếc chuyện này vẫn diễn ra nhản nhản tại các phòng khám. Hay gần đây còn có các chương trình giải cứu thai nhi, có người đi nhặt xác hài nhi, chỉ riêng ở Hà Nội thôi cũng lên đến hàng trăm, chứng tỏ sự quản lý của ngành Y tế ở khu vực này là cực kỳ kém. Ai cho phép phá thai to? Luật và pháp lệnh không cho phép nhưng vẫn phá thai to trên 22 tuần tuổi, thậm chí phá thai tràn lan.

Như vậy, hàng loạt vấn đề xã hội bao gồm giáo dục, truyền thông, xử phạt các phòng khám vi phạm pháp luật, quản lý lỏng lẻo... là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị cướp đi quyền sống còn người mẹ có nguy cơ rất cao mắc phải các hậu quả do phá thai chui, phá thai to mang lại.

Giáo dục giới tính càng sớm càng tốt

PV: Vậy phải chăng chế tài xử phạt hành vi bỏ rơi trẻ sơ sinh, phá thai chui tại những phòng khám là chưa đủ mạnh nên mới dẫn đến những câu chuyện đau lòng này?

BS Nguyễn Trọng An: Trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) đã có những điều khoản về tội giết người, hay Điều 36 trong Bộ luật này cũng quy định riêng về vấn đề phá thai chui, phá thai trái phép với khung hình phạt rất cao. Khung hình phạt đưa ra rất nặng, nghe rất nghiêm, có tính răn đe nhưng thực thi thì rất kém, chưa đủ nghiêm khắc.

PV: Vậy, để giảm thiểu tình trạng phá thai ngoài ý muốn, phá thai chui, theo ông chúng ta cần phải làm gì?

BS Nguyễn Trọng An: Biện pháp có ảnh hưởng lớn nhất là truyền thông và giáo dục. Phải đưa giáo dục giới tính vào học từ sớm, sau đó tăng dần mức độ theo độ tuổi và sự hiểu biết của trẻ. Đưa vào trong trường từ lúc trẻ còn học mẫu giáo. Khi trẻ đạt tuổi vị thành niên thì phải đưa giáo dục tình dục, an toàn tình dục, kiến thức pháp luật liên quan đến vấn đề tình dục và giới tính vào chương trình học cho trẻ. Tiếp đó, cần phải truyền thông cởi mở, rộng rãi, đưa kiến thức giáo dục giới tính vào các gia đình, trang bị cho các bậc cha mẹ thật bài bản, hơn nữa cần phải có phương pháp khen thưởng thích hợp.

Riêng giáo dục giới tính tại gia đình, không thể truyền thông khơi khơi trên các phương tiện thông tin đại chúng mà phải có những cộng tác viên (cộng tác viên dân số gia đình và trẻ em trước đây đã làm và bây giờ nên thành lập lại) đi đến từng nhà để tuyên truyền, giúp giảm thiểu nạo phá thai. Truyền thông giáo dục gia đình là “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”.

img

Cần giáo dục giới tính cho trẻ càng sớm càng tốt (Ảnh minh hoạ).

Tiếp nữa, ngành Y tế cần phải siết chặt, quản lý chặt chẽ việc nạo phá thai, không có chuyện phòng khám phá thai nhan nhản. Đồng thời, luật đã có quy định cụ thể, ai vi phạm phải xử lý nghiêm thì mới đủ sức răn đe.

PV: Xin cảm ơn ý kiến của ông!

Con số báo động

Mới đây, tại chương trình hưởng ứng ngày Tránh thai thế giới 26/9, ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (bộ Y tế) - cho biết, hàng năm vẫn ghi nhận 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo. Tỉ lệ phá thai ở nhóm vị thành niên và nhóm trưởng thành còn cao, phá thai lặp lại khá phổ biến.

Theo kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình của Tổng cục Thống kê, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15 - 49 đang có chồng thì có tới 62 ca là mang thai ngoài ý muốn do không sử dụng các biện pháp phòng tránh thai. Và trong 1.000 ca phá thai tại Việt Nam có 15 trường hợp ở tuổi vị thành niên. Đáng lưu ý, rất nhiều trường hợp lựa chọn phá thai tại những phòng khám chui, các cơ sở y tế không được cấp phép nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng như băng huyết, nhiễm trùng, thủng tử cung… thậm chí đe dọa tính mạng.

T.L

img