Bụi mịn, ô nhiễm công nghiệp và nỗi oan than tổ ong

Đã chục ngày nay, Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc ngập chìm trong bầu không khí ô nhiễm khủng khiếp. Thế nhưng, trong khi toàn dân ngày ngày vẫn phải hít căng lồng ngực thứ không khí bẩn đó thì cơ quan quản lý về môi trường không hề có một biện pháp cấp bách nào.

img
img

Đợt ô nhiễm không khí tại Hà Nội bắt đầu từ 8/12, đến hôm nay (18/12) đã bước sang ngày thứ 10, trong đó có những ngày ô nhiễm rất nghiêm trọng.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày 13/12 tại nhiều khu vực luôn ở mức rất xấu (AQI >200): Đội Cấn (Ba Đình) 219, Hàng Bún (Ba Đình) 223, Liễu Giai (Ba Đình) 216, quận Thanh Xuân 238, Kim Liên (Đống Đa) 202, chùa Láng (Đống Đa) 207, quận Tây Hồ 240…

Đặc biệt, theo thống kê của ứng dụng Airvisual, trong ngày 14/12, có những thời điểm AQI một số khu vực vượt ngưỡng tím lên nâu – nguy hại (AQI>300), bao gồm: Hồ Tây 412, Sài Đồng (Long Biên) 357, Tô Ngọc Vân 359…

Cảnh tượng quen thuộc trong những ngày này là người dân buổi sáng không dám ra công viên tập thể dục. Họ “cố thủ” ở trong nhà, sau những cánh cửa đóng kín. Đường phố với những dòng người che đậy kín mít, lầm lũi đi trong lớp khói bụi mù mịt như Sapa, Tam Đảo dưới đồng bằng.

Hậu quả là trẻ nhỏ, người già, người mắc bệnh hô hấp và tim mạch nhập viện nhiều hơn. Toàn dân hoang mang cao độ về một thứ gọi là “bụi mịn PM2,5” nhưng không mấy người hiểu rõ nó là cái gì. Họ không biết làm gì khác ngoài việc giao phó sức khoẻ của mình cho những chiếc khẩu trang sơ sài và mòn mỏi chờ mong chính quyền can thiệp.

Nhưng họ chỉ nhận được sự im lặng.

Hồi đầu tháng 10 vừa qua, ông Vũ Đăng Định - người phát ngôn UBND TP Hà Nội đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm gồm: Khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; Xây dựng, phá dỡ các công trình; Vận chuyển vật liệu; Mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; Mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; Đốt rơm rạ, rác; Thu gom rác thải chưa tốt; Ô nhiễm ao hồ lâu năm; Bùn thải chưa được xử lý; Khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; Tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Thế nhưng cho đến giờ Hà Nội không hề triển khai một biện pháp cấp bách nào để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí nói trên, cũng như chưa có một phát ngôn chính thức nào để trấn an người dân.

Ngày 14/12, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lúc đưa ra những khuyến cáo người dân nhằm hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí. Nhóm biện pháp được khuyến cáo bao gồm: Hạn chế ra ngoài, hạn chế mở cửa vào giờ cao điểm ô nhiễm, tăng cường các biện pháp rèn luyện thể lực chống lại bệnh tật…

Tuy nhiên đây chỉ là các giải pháp tình thế để giải quyết phần ngọn của vấn đề. Cái gốc rễ vấn đề mà chính quyền cần cấp bách làm cho dân là nhanh chóng tìm ra nguyên nhân chính gây ô nhiễm, sử dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng ô nhiễm đồng thời đưa ra những phát ngôn chính thức để người dân yên tâm và phối hợp với chính quyền giải quyết vấn nạn ô nhiễm.

Không hiểu vì sao Hà Nội vẫn im lặng?!

Chúng ta đã quá quen với ứng xử của các địa phương đối với vấn đề môi trường. Nhiều nơi gần như đã hình thành tâm lý đổ tại thời tiết, trông chờ vào thời tiết để giải quyết vấn đề này.

Cá chết hàng loạt thì đổ tại “thiếu ôxy sinh thái”, hồi cá chết vì Forosa họ cũng đổ tại “tảo nở hoa” hay “thuỷ triều đỏ”. Hà Nội ô nhiễm thì giải thích là do hiện tượng “nghịch nhiệt”. Hồi tháng 9 vừa rồi, giải quyết đợt ô nhiễm không khí cuối cùng không phải do cơ quan quản lý mà do… một cơn mưa.

Trong khi đó, rất nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ hoạt động của con người.

Các chuyên gia – người thì kết luận ô nhiễm chủ yếu sản sinh ra từ các phương tiện giao thông như xe máy, xe bus, ô tô và các loại máy móc chạy bằng dầu ở các khu công nghiệp hay công trình xây dựng; Người khác lại “kết tội” thói quen đốt rơm rạ của người dân ngoại thành, trong khi một nhóm khác kịch liệt đưa những viên than tổ ong bên gánh hàng rong mưu sinh lam lũ lên “đoạn đầu đài”.

Đành rằng nguyên nhân gây ô nhiễm thì có nhiều, nhưng “đổ tội” cho những đụn rơm rạ hay những viên than tổ ong gắn liền với sinh kế của người nghèo là sai rồi.

Bao nhiêu viên than tổ ong thì gây mù mịt không khí bằng lượng khí thải tuôn ra từ hàng triệu chiếc xe máy, ô tô ngày đêm nhả khói? Bao nhiêu đụn khói rơm rạ mới gây ô nhiễm bằng một Fomosa Hà Tĩnh? Huống hồ xét về tương quan số lượng, cuộc sống công nghiệp đã ngày càng làm thu hẹp những cánh đồng, những bếp than tổ ong để nhường chỗ cho nhà máy, khu công nghiệp, công trình xây dựng…

Vì sao Hà Nội im lặng, trong khi hoàn toàn có thể áp dụng một số biện pháp cấp bách để làm giảm mức độ ô nhiễm không khí hiện nay?

Đó là kiểm tra, xử lý triệt để các điểm đốt chất thải, rác không đúng quy định; Kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm về bụi ở các công trình xây dựng; Phun rửa đường để làm giảm bớt nguồn bụi phát tán trong không khí; Phân luồng các phương tiện giao thông để giảm bớt khói bụi từ khí thải…

Chúng tôi tin tưởng vào chủ trương của nhà quản lý về việc cấm than tổ ong vào năm 2020, cấm xe máy vào năm 2030…, nhưng chúng tôi cần ngay những biện pháp cấp bách để đổi lại bầu không khí trong sạch bây giờ.

Đồng ý rằng không một quốc gia đang phát triển nào không phải đối mặt với bài toán môi trường. Huống hồ Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng GDP 7,08% (số liệu năm 2018), cao nhất kể từ năm 2008 và thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới.

Song, chủ trương của Chính phủ, tăng trưởng không đi liền với đánh đổi môi trưởng bằng mọi giá.

Với những ngày Hà Nội ô nhiễm không khí kỉ lục vừa qua, thông số bụi mịn PM2,5 cao gấp 7 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và gấp 3 lần so với tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam.

Và chỉ với AQI = 333, Thủ đô Hà Nội đã vượt qua Dhaka (Bangladesh) và Sarajevo (Bosnia Herzegovina), trở thành thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu, theo bảng xếp hạng của Air Visual.

Ô nhiễm khiến 30 triệu cư dân trong các thành phố của Việt Nam đang đối mặt với các căn bệnh về hô hấp, bệnh tim mạch, bệnh về máu, về não, thậm chí cả ung thư.

Chúng ta cần nhìn vào bài học về ô nhiễm công nghiệp của Trung Quốc bây giờ. Theo tờ Asian Correspondent, Trung Quốc hiện là nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới, không chỉ cho chính họ mà còn ảnh hưởng đến các nước láng giềng.

Kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu xây dựng lại nền kinh tế vào những năm 1980 và 1990, kinh tế tăng trưởng đáng kinh ngạc nhưng hệ sinh thái bản địa bị tàn phá ở nhiều nơi.

Có tới 40% đất canh tác của Trung Quốc đang bị suy thoái, đe doạ nguy cơ diễn ra nạn đói. Chỉ có 3 trên 74 mẫu không khí của 74 thành phố đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng không khí. Gần 20% các vùng biển gần bờ của Trung Quốc đang bị ô nhiễm đến nỗi ăn cá đánh bắt từ các vùng này có thể nguy hiểm cho sức khỏe.

Nếu chúng ta chỉ tìm cách khai tử than tổ ong và xe máy mà phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên về bụi mịn, về ô nhiễm công nghiệp, chúng ta rất có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả về môi trường như Trung Quốc hôm nay.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
img