Ngày 30/9, do mực nước dâng cao, hồ Thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) được lệnh xả một cửa đáy, ngày 2/10 tiếp tục mở cửa xả thứ hai, với lưu lượng nước 1.700 m3/s. Sau khi Thủy điện Hòa Bình mở cửa đáy, nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Đà và người dân ở huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo thống kê, đến ngày 8/10, có 62 lồng của 19 hộ nuôi cá lồng bị ảnh hưởng. Trong đó, có 11 lồng mất trắng, 51 lồng cá chết rải rác (thiệt hại dưới 70%). Tổng sản lượng thiệt hại ước trên 40,23 tấn cá, số tiền thiệt hại ước tính khoảng trên 3,1 tỷ đồng. Số lượng cá chết gồm cá lăng, cá ngạnh, cá trắm, cá rô phi....
Đây không phải lần đầu tiên Thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến cá nuôi của người dân bị chết trắng như vậy. Trong vòng 3 năm gần đây (2016, 2017, 2018), năm nào việc xả lũ cũng gây ra hiện tượng cá chết. Đặc biệt, năm 2017 số lượng cá chết vì xả lũ lên đến 400 tấn.
Thủy điện Hòa Bình xả lũ nhiều năm qua gây thiệt hại về tài sản cho người dân đáng kể.
Trước tình hình trên, UBND huyện Thanh Thủy vừa có báo cáo sự việc lên tỉnh Phú Thọ để có phương án hỗ trợ người dân. Theo ông Dương Quốc Lâm - Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy, trước khi vào mùa mưa bão và khi có thông báo xả lũ của hồ thủy điện Hòa Bình, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp & Phát triển nổng thôn (NN&PTNT) cùng các đơn vị liên quan, các xã, thị trấn tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ tài sản. Tuy nhiên, do mực nước sông Đà lên nhanh, chảy xiết, nước đục và thời gian xả lũ dài ngày đã gây ra hiện tượng cá chết.
"Mặc dù đã có thông báo, hướng dẫn người dân nhưng cá nuôi lồng này cũng khó di chuyển đi nơi khác, nếu bắt vào trong đầm thì cá chết cũng nhanh vì thay đổi môi trường sống", ông Lâm cho hay.
Lý giải thêm về điều này, ông Từ Anh Sơn - Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ - cho biết, sau khi nhận được thông báo về việc xả đập, Sở đã trực tiếp xuống những lồng cá của các hộ dân để khảo sát, tìm hiểu, cũng như đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành thống kê thiệt hại gửi lên UBND tỉnh để đề xuất lên hỗ trợ.
“Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xả lũ từ đập thủy điện Hòa Bình khiến môi trường nước bị thay đổi dẫn đến tình trạng cá chết. Về chính sách hỗ trợ chúng tôi thực hiện đúng theo chính sách của Nhà nước, cụ thể là theo Nghị định 02 ngày 9/1/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”, ông Sơn nói.
Được biết, căn cứ Nghị định 02, người dân có lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70%, được hỗ trợ từ 7,1 - 10 triệu đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30 - 70% được hỗ trợ từ 3 - 7 triệu đồng /100 m3 lồng. Diện tích nuôi cá nước lạnh (tầm, hồi) thâm canh bị thiệt hại trên 70% thì được hỗ trợ từ 35,5 - 50 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70% được hỗ trợ từ 15 - 35 triệu đồng/ha.
“Tuy nhiên, về điều kiện hỗ trợ, không phải cứ cá của người dân chết là được hỗ trợ. Vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy trình nuôi trồng thủy hải sản có đảm bảo theo yêu cầu như khai báo hay không, đầu vào có hóa đơn chứng từ hay không, có hợp đồng mua bán không... thì lúc ấy chúng tôi mới có phương án hỗ trợ”, ông Sơn cho hay.
Nói về trách nhiệm đối với khối lượng cá của dân bị chết, theo ông Sơn, những năm trước đó, khi có kế hoạch về việc xả lũ, Sở cũng như những đơn vị có liên quan đã có văn bản, thậm chí là có văn bản thông báo trước đến các hộ dân về việc này. Ít nhất là trước 3 ngày, huyện, xã sẽ xuống phổ biến cho các hộ nuôi cá được biết để tìm cách phòng tránh.
Thậm chí, hằng năm các Sở, ban, ngành đều khuyến cáo người dân tại các vùng nuôi trồng không ổn định, vào mùa mưa lũ, lựa chọn những giống ngắn ngày, chủ động các biện pháp phòng tránh như không nuôi cá để tránh thiệt hại, nhưng các hộ nuôi trồng thủy sản vẫn không tuân thủ.
“Quyết định đầu tư là của người dân, cơ quan Nhà nước chỉ có quyền khuyến cáo. Tôi nghĩ người dân cũng lường trước được sự việc nhưng vẫn cố tình nuôi cá trong lồng nên mới dẫn đến hậu quả như vậy. Hoặc người dân cố ý để được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Chúng tôi có cho các đoàn xuống kiểm tra, đếm số lượng, tuy nhiên cũng không thể thống kê hết được. Con số người dân báo lên có chính xác hay không thì chúng tôi không chắc, như vậy thiệt hại đầu tiền thuộc về người dân, sau đó là của Nhà nước”, lãnh đạo sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ nêu quan điểm.
Nói về vấn đề trên, ông Đồng Văn Tự - Phó Tổng cục trưởng tổng cục Thủy lợi (bộ NN&PTNT) - đánh giá, sự việc này xảy ra rất đáng tiếc và không ai mong muốn. Thủy điện Hòa Bình mới xả 2 cửa, đây cũng là chuyện bình thường, vì nhiều đập xả 20.000 m3/s vẫn không vấn đề gì. Việc thông báo cho các vùng hạ du có nguy cơ bị ảnh hưởng là trách nhiệm của đơn vị xả lũ, đơn vị này phải thông báo cho các địa phương giúp các hộ có lồng, bè nuôi cá có kế hoạch đảm bảo an toàn.
“Chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm”, ông Tự nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, xả lũ là việc cần thiết, nhất là trong mùa mưa, nếu thời gian tới đây thủy điện ở mực nước cao, việc xả lũ sẽ có thêm lần nữa, nếu không nhiều tỉnh lân cận sẽ chìm trong nước.
Theo ông Tự, trước khi xả lũ Tổng cục đã có những văn bản tham mưu, các địa phương cần có kế hoạch rõ ràng, chuẩn bị sẵn những biến pháp ứng phó kịp thời để tránh gây thiệt hại cho người dân.
Tương tự, cán bộ cục Phòng chống thiên tai (tổng cục Thủy lợi, bộ NN&PTNT) cho biết, Cục luôn sát sao theo dõi, gửi công lệnh, công văn đến các địa phương có liên quan. “Trách nhiệm của địa phương là thông báo, sau đó sẽ đồng hành cùng người dân tìm biện pháp khắc phục. Thứ nhất là di dời lồng cá từ sông sang ao, hoặc có nghiệp vụ giảm sốc nhiệt, giảm độ PH trong nước để tránh gây thiệt hại”, cán bộ Cục nhấn mạnh.
Cần có cơ chế chia sẻ rủi ro
“Nhìn chung, việc xả lũ gây thiệt hại, đơn vị nào cũng sẽ nói làm đúng quy trình, chẳng ai chịu nhận sai. Nhưng đúng thế nào thì không ai biết, nên phải có cơ quan độc lập đứng ra đánh giá, xem xét trên một quá trình vận hành chứ không chỉ tính đến thời điểm xả lũ. Việc xả lũ gây thiệt hại cho dân thì trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành công trình ra sao, yếu tố tác động khách quan thế nào... phải làm rõ.
Phần lớn công trình thủy điện hiện nay không có nhiệm vụ chống lũ nên khi mưa to, lũ lớn sẽ không đảm bảo an toàn, buộc phải xả lũ. Vấn đề cần bàn ở đây là phải xem xét câu chuyện chia sẻ rủi ro. Cơ chế này đang được chúng tôi nghiên cứu kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước trong thời gian tới”.
TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam)
“Xả lũ gây hại cho dân hạ du thì chủ đập phải chịu trách nhiệm, không đổ tại ai được. Trước hết phải đền bù thiệt hại cho dân, lỗi ở đâu thiếu sót chỗ nào phải sửa”
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe - Tổng thư ký hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.
L.L