Trong những ngày qua, trên vùng biển thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đang ngay mùa vụ khai thác ruốc, nhưng khi người dân đưa phương tiện ra đánh bắt thì trạm Kiểm soát Biên phòng cấm, không cho phương tiện ra biển do không đảm bảo thủ tục theo quy định.
Do đa phần là dân nghèo, sống ven biển, điều kiện kinh tế khó khăn; sinh kế, cuộc sống hàng ngày chủ yếu dựa vào khai thác thủy sản gần bờ, làm thuê... nên khoảng 40 hộ dân ở ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây đã làm đơn và kéo nhau đến UBND tỉnh yêu cầu được đăng ký, đăng kiểm và ra cửa biển hoạt động bắt thủy sản (đẩy ruốc – PV).
Qua thu thập thông tin về tình trạng hoạt động của phương tiện đánh bắt thủy sản của người dân, hầu hết các phương tiện đều hoạt động nghề te (khai thác ruốc, khai thác cá cơm, khai thác gần bờ...) chưa được đăng ký, đăng kiểm (nghề te đã được đưa vào danh mục ngư cụ cấm khai thác – PV); có một số phương tiện trước đây có đăng ký đăng kiểm nhưng sau đó chủ phương tiện đã tự cơi nới, cải hoán nên không đổi giấy lại được.
Ngư dân xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đang vào vụ khai thác ruốc.
Trước thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã thống nhất tạm thời cho phép các phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản,… được phép hoạt động khai thác nghề ruốc trong mùa vụ năm 2020. Song song đó, Chủ tịch tỉnh cũng giao các đơn vị chức năng có liên quan tổ chức họp dân để tuyên truyền cho nhân dân hiểu các quy định pháp luật.
Trong đó, tập trung hướng dẫn cho nhân dân hiểu các quy định về đăng ký phương tiện (trường hợp phải đăng ký phương tiện khai thác thủy sản, trường hợp phải đăng ký phương tiện thủy gia dụng); về đăng kiểm phương tiện (các quy định đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khai thác thủy sản) và về cấp giấy phép khai thác thủy sản (ngành nghề được cấp phép, không được cấp phép, hạn ngạch trong cấp phép khai thác),...
Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh còn giao sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND huyện Trần Văn Thời chỉ đạo UBND xã Khánh Bình Tây thống kê, phân loại phương tiện (các thông số cơ bản, trang thiết bị an toàn), ngành nghề khai thác, nghề nghiệp chủ phương tiện (nghề chính hay phụ) đối với phương tiện chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản. Qua đó, xác định số phương tiện đủ điều kiện tham gia khai thác nghề ruốc trong mùa vụ năm 2020 theo chủ trương nói trên.
Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, nguyên nhân dẫn đến yêu cầu, bức xúc trong nhân dân xảy ra thời gian qua chủ yếu là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn chấp hành pháp luật chưa chặt chẽ, nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền chưa hiệu quả; các ngành chức năng, chính quyền địa phương chưa quản lý chặt chẽ việc phát sinh, đăng ký, đăng kiểm, cấp phép hoạt động đối với phương tiện nhỏ khai thác thủy sản ven bờ.
Ngoài ra, công tác phối hợp điều tra, thống kê, phân loại phương tiện khai thác thủy sản ven bờ chưa khoa học, chưa đầy đủ, cập nhật chưa kịp thời; chưa chú trọng phương pháp quản lý ngay từ trong bờ, ở các bến bãi; công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát chưa chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả chưa cao; việc chuyển từ chủ yếu quản lý trong bờ, ở bến bãi sang tăng cường kiểm soát tại cửa biển đối với phương tiện nhỏ, ngay trong mùa vụ khai thác chưa được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nói trên, đồng thời thực hiện tốt các quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện ven biển, các đơn vị có liên quan quán triệt đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan (luật Thủy sản, luật Giao thông đường thủy nội địa,...).
Khai thác ruốc là nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều ngư dân.
Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên (Chỉ thị số 4353CT-BTL ngày 23/10/2018 của Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng), tham mưu vận dụng các quy định, áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong quản lý phương tiện nhỏ, khai thác thủy sản ven bờ.
Về giải pháp lâu dài, thiết nghĩ, ngành chức năng tỉnh Cà Mau cần chủ trương tổ chức tổng điều tra tàu cá trên địa bàn toàn tỉnh (đã và chưa được đăng kí, đăng kiểm). Qua kết quả tổng điều tra tàu cá kết hợp với kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản từ đó có định hướng xem xét lại hạn ngạch về số lượng tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về nghề, ngư cụ, đăng kí, đăng kiểm, chuyển nghề, đào tạo nghề để chuyển dịch lao động biển ra xa bờ, đất ở, đất sản xuất, tái định cư,…
Việt Tâm