Những ngày qua, câu chuyện Chủ tịch huyện Thới Bình xử lý nhẹ sai phạm cấp dưới bị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu xử lý lại khiến dư luận xôn xao. Vụ việc này, Chủ tịch tỉnh đã có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Thới Bình nghiêm túc rút kinh nghiệm và tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với ông Nguyễn Nhật Bằng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) huyện; ông Nguyễn Bá Nhẫn, Giám đốc trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thới Bình.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, sai phạm của ông Nguyễn Nhật Bằng là chiếm dụng tiền trung tâm cho thuê trụ sở 60 triệu đồng, tiền công đoàn hơn 1,8 triệu đồng để nộp khắc phục sau thanh tra; không thu hồi hơn 29,2 triệu đồng của 7 cá nhân nộp ngân sách theo kết luận thanh tra; không trung thực trong việc cho điện lực thuê trụ sở.
Còn sai phạm của ông Nguyễn Bá Nhẫn là không trung thực trong việc cho Điện lực thuê trụ sở; để ông Bằng sử dụng nguồn thu từ cho thuê trụ sở của đơn vị nộp khắc phục sau thanh tra; chỉ đạo chiếm dụng 32,6 triệu đồng tiền nộp khắc phục sau thanh tra để trả lương hợp đồng lao động; không chấp hành chỉ đạo của cấp trên về việc chấm dứt hợp đồng lao động làm chuyên môn nghiệp vụ.
Với những sai phạm nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình chỉ đạo “tổ chức rút kinh nghiệm” là chưa phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả sai phạm. Thực hiện công văn của Chủ tịch tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình lại “loay hoay” ra liên tiếp 3 công văn về việc xử lý cán bộ sau những sai phạm có thể nói là “như ban ngày” đã được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ ra rõ ràng?!.
Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thới Bình.
Và cuối cùng, UBND huyện Thới Bình cũng đưa ra được mức hình thức xử lý đối với Trưởng phòng VH&TT huyện và Giám đốc trung tâm VH - TT huyện Thới Bình. Song song đó, Chủ tịch UBND huyện cũng tự nhận thấy trong công tác theo dõi, chỉ đạo chưa sâu sát, cũng như nhận định đối với vụ việc trên có phần chủ quan, bản thân nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ chỉ đạo tốt hơn trong thời gian tới.
Sau đó, UBND huyện Thới Bình họp kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Bằng do để xảy ra một số sai phạm. Tuy nhiên, những sai phạm xảy ra tại phòng VH&TT, trung tâm VH-TT kéo dài từ nhiều năm trước. Bản thân ông Bằng không tư lợi cho cá nhân nhưng ông Bằng với vai trò là người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm. Do đó, Chủ tịch UBND huyện đã nghiêm khắc kiểm điểm đối với ông Bằng.
Công văn của UBND tỉnh Cà Mau về việc xử lý lại kết quả kiểm tra tại trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thới Bình.
Đến ngày 10/4/2019, ban Thường vụ Huyện ủy Thới Bình ban hành quyết định kỷ luật Đảng đối với ông Bằng do có các sai phạm như kết luận thanh tra, với hình thức kỷ luật là “khiển trách”. Tuy nhiên, quyết định kỷ luật của ban Thường vụ Huyện ủy gửi về UBND huyện “trễ” so với quy định, từ đó UBND huyện không thể kỷ luật đối với ông Bằng. Vì vậy, ngày 5/6, UBND huyện tổ chức họp với các ngành, toàn thể công chức, viên chức phòng VH&TT, trung tâm VH-TT kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Bằng và yêu cầu rút kinh nghiệm.
Đối với ông Nhẫn, ngày 29/6, phòng VH&TT ban hành quyết định thành lập hội đồng kỷ luật để tham mưu cho Trưởng phòng kỷ luật đối với ông Nhẫn. Lạ thay, trong Quyết định kỷ luật số 04 lại đưa ông Nguyễn Nhật Bằng làm Chủ tịch hội đồng. Điều này không đúng quy định tại khoản 3 Điều 18 của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP đó là: “Không được cử người có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của công chức bị xem xét xử lý kỷ luật tham gia thành viên hội đồng kỷ luật”.
Nhận thấy được điều này, phòng VH&TT ban hành quyết định khác thay thế quyết định số 04 loại bỏ tên ông Bằng ra khỏi danh sách hội đồng và đưa ông Nguyễn Văn Đô, Phó Trưởng phòng VH&TT lên làm Chủ tịch hội đồng. Kể từ đó, phòng VH&TT huyện mới có quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Bá Nhẫn bằng hình thức khiển trách. Lý do là ông Nhẫn sử dụng tài sản công trái pháp luật (do cho điện lực Thới Bình thuê khu nhà làm việc không đúng thẩm quyền). Quyết định kỷ luật này do ông Nguyễn Nhật Bằng ký ngày 9/7.
Nói về việc ông Bằng ký quyết định kỷ luật ông Nhẫn, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc công ty luật Tín Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, theo quy định của Nghị định số 34/2011/NĐ-CĐ tại Điều 15 thì thẩm quyền xử lý kỷ luật: “Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật”. Tuy nhiên do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tiến hành xử lý kỷ luật cùng bị UBND tỉnh đề nghị tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm vì có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của công chức bị xem xét xử lý kỷ luật nên không thể tham gia thành viên Hội đồng kỷ luật. "Dù pháp luật không quy định cấm người đứng đầu cơ quan, tổ chức ký quyết định xử lý kỷ luật hành vi vi phạm pháp luật của công chức cấp dưới bị xem xét xử lý kỷ luật thì người đứng đầu cũng không nên là người ký ban hành quyết định kỷ luật, bởi sẽ giống tình trạng "vừa đánh bóng vừa thổi còi", sẽ không đảm bảo tính khách quan, công bằng trong xem xét xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 34/2011/NĐ-CĐ về nguyên tắc xử lý kỷ luật: “Khách quan, công bằng; nghiêm minh, đúng pháp luật”, luật sư Lễ nêu quan điểm.
Việt Tâm