Cách tính giá điện “lạ thế” của EVN

Mới nghe ngành Điện học có phân loại theo hiệu điện thế thành các loại điện “hạ thế”, “trung thế”, “cao thế”. Nhưng vài năm gần đây nếu phân loại theo hóa đơn bán lẻ thì ngành này hay ưu tiên bán loại điện “lạ thế” thì phải? Bởi cứ đến mùa hè là người dân lại đồng loạt la ó: “Sao giá điện lại lạ thế này?”.

img

Ảnh minh họa (nguồn: Tuổi Trẻ cười)

Giữa cái nắng tháng 5, tháng 6 bỏng rát, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 50 độ C, sợ nhất là nhìn thấy bóng dáng các chú “nhà đèn” lấp ló ngoài cửa. Những tờ hóa đơn tiền điện “nóng rẫy tay” vì hàng ký tự dài 7-8 chữ số đủ sức khiến nhiều người choáng váng đến xây sẩm mặt mày.

Nếu thắc mắc thì chắc chắn sẽ được nghe "bài ca muôn thuở" kiểu “bắc thang lên hỏi ông Trời”. Nói vậy không hề quá bởi đã thành “thông lệ”, mấy năm trở lại đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều lấy ông Trời ra để giải thích với dân về việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến mỗi dịp nắng nóng.

Mùa hè năm 2018, trả lời thắc mắc của hàng nghìn người dân gọi về đường dây nóng EVN, đại diện tập đoàn này giải thích do “bước vào giai đoạn nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ điện cho các thiết bị giải nhiệt, đặc biệt là máy lạnh tăng cao”.

Mùa hè năm 2019, hóa đơn tiền điện của nửa triệu hộ dân tăng gấp đôi, đại diện EVN giải thích là “theo quy luật thời tiết”.

Hè 2020, đến hẹn lại lên, dân lại hoang mang chờ kịch bản giải trình mới mẻ cho hàng loạt hóa đơn tiền điện tăng quay cuồng như giá lợn sau bình ổn. Nghe nói còn có một số khách hàng tại Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh bị “đội chi phí” tiền điện lên hàng chục lần, có trường hợp đang từ hơn 360.000 đồng lên gần 90 triệu đồng/tháng.

Thông cáo mới nhất của EVN phát đi chiều 23/6 cho hay, trong tháng 5/2020, có tới hơn 3,1 triệu khách hàng (chiếm 11,92% khách hàng của EVN) có lượng điện tiêu thụ cao hơn 30% so với tháng 4/2020, trong đó, gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4.

Lý giải do thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ điện của dân tăng cao như trên, cộng với đặc điểm kỹ thuật của máy điều hòa nhiệt độ sẽ ngốn thêm 10% lượng điện năng khi nhiệt độ tăng tương ứng 5 độ C, phía nhà đèn dự báo tiền điện tháng Sáu còn tiếp tục tăng do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài.

Kể ra nếu đổ tại ông Trời làm nắng nóng thì không ai “cãi” được EVN. Vì đương nhiên nắng nóng thì người dân phải dùng quạt, điều hòa, tủ lạnh nhiều để làm mát. Vấn đề ở những chỗ sau:

Cách tính giá điện lũy tiến của EVN đã lỗi thời. Đúng ra theo nguyên tắc thị trường, cái gì càng mua nhiều giá càng rẻ, nhưng dùng điện của EVN thì ngược lại: càng dùng nhiều càng đắt. Đồng ý rằng lượng điện của ta sẽ thiếu hụt nếu không sử dụng tiết kiệm, và điện năng là cái không khuyến khích sử dụng nhiều, nhưng cách tính giá điện bậc thang theo 6 bậc của EVN không hề khoa học và tiết kiệm mà thực chất chỉ là hình thức.

Ví dụ: Bậc 1 từ 0-50 kWh giá 1.678 đồng/kWh hầu như không có ý nghĩa gì, vì mức tiêu thụ đó chỉ đủ thắp sáng cái bóng đèn, bật cái quạt điện và cùng lắm cái nồi cơ điện, do đó nó chỉ phù hợp với các hộ “nghèo gay gắt” sống ở miền núi. Còn bây giờ nhà nào cũng tivi, tủ lạnh, điều hoà, nóng lạnh, bếp điện, bếp từ, thậm chí máy rửa bát, máy tập thể dục... thì có ý nghĩa gì?

Chưa cần phải tính tới bậc 6 giá 2.927 đồng/kWh (cho lượng tiêu thụ từ 401 kWh trở lên) mà chỉ cần tính khoảng giữa mà nhiều hộ sử dụng thì thấy từ bậc 1 lên bậc 5 (từ 301 – 400 kWh, giá là 2.834 đồng/kWh) đã chênh nhau tới hơn 1.000 đồng/ kWh rồi.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt chia theo 6 bậc thang áp dụng từ 2014, theo nhiều chuyên gia, đã bộc lộ bất hợp lý trong chênh lệch giá giữa các bậc, không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện của các hộ gia đình và phần thiệt đương nhiên thuộc về người dân.

Trước lo ngại cách tính lũy tiến này là bất cập so với thu nhập bình quân còn thấp của người dân, đầu năm 2019 (trước khi chuẩn bị tăng giá điện thêm 8,36%), Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Đỗ Thắng Hải vặn lại: “Vậy tại sao bình quân thu nhấp thấp mà sử dụng lại lớn? Nếu ít tiền thì phải dùng điện ít đi chứ, tại sao lại dùng nhiều như vậy?”

Thưa Thứ trưởng, xin hỏi những hôm nắng nóng như thế này, nhà Thứ trưởng có dùng tủ lạnh, có bật điều hòa hay không?

Lý do trời nóng cũng không thuyết phục được dân vì có những vùng nóng quanh năm mà giá điện vẫn tăng bất thường. Có nhiều cơ sở sản xuất, năng suất máy móc về cơ bản không thay đổi mà tiền điện vẫn phi mã thì không thể đổ cho thời tiết.

Vấn đề ở chỗ, người dân không cần dùng điện rẻ mà họ cần sự công khai, rõ ràng minh bạch trong quản lý điều hành giá điện của EVN.

Tính đến thời điểm đầu năm 2019, giá điện đã tăng tất cả 10 lần trong 10 năm liên tiếp 2009 – 2019. Vậy nhưng lần nào dân kêu ca về giá điện là EVN lại ca bài nếu không tăng thì lỗ, thì phá sản, mà EVN phá sản thì dân phải dùng điện đắt gấp rưỡi gấp đôi là ít.

“Nếu cứ tiếp tục với mức giá như thế này, thậm chí EVN có thể bị phá sản. Cứ nợ như thế (thời điểm đó tập đoàn này đang bị “treo” hơn 8.800 tỷ đồng lỗ tỉ giá) mà bán dưới giá thành, đến một lúc nào đó sẽ không thể chịu được” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói trước đợt tăng giá điện hôm 20/3/2019.

Thực tế thì, tổng kết năm 2019, giá điện bình quân chỉ tăng mức “khiêm tốn” 8,36% - theo quan điểm của EVN -thì tổng doanh thu của Tập đoàn này đã đạt mức 395.000 tỷ đồng – tăng 16,8% so với năm 2018. Nghĩa là nếu không tăng giá điện, có lẽ cũng chẳng có tình huống “phá sản” nào xảy ra.

Người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ sự minh bạch này, nhất là khi kết quả thanh tra, “kiểm tra xác minh việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện thời điểm ngày 20/3/2019, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua” – theo chỉ đạo của Thủ tướng, được thực hiện hôm 24/5/2019, lẽ ra phải có kết quả sau 45 ngày làm việc, thì đến nay vẫn là một “bí mật” chưa được công bố.

Còn một vấn đề nữa, từ câu chuyện nhiều hộ dân bị ghi sai chỉ số điện dẫn đến tiền điện tăng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần cho thấy công tác kiểm định công tơ điện của tập đoàn này đang có nhiều dấu hỏi.

Trả lời các trường hợp bị ghi sai chỉ số điện tại Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh nói trên, thông cáo báo chí chiều 23/6/2020 của EVN cho hay, các công tơ (điện kế) đo lường lượng điện năng tiêu thụ doanh nghiệp này đang sử dụng khi lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT BKHCN quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành Điện thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng.

Trong khi đó, Nghị định 105/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 có quy định cấm các doanh nghiệp kiểm định các thiết bị để đo đếm hàng hoá của chính mình (Điều 13).

Như vậy, EVN không được phép tự kiểm định công tơ. Để “lách” quy định này, “nhà đèn” bèn thành lập công ty con để thực hiện nhiệm vụ nói trên. Tại trang chủ của EVN có nội dung thừa nhận Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đang giao việc kiểm định công tơ cho công ty con là Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện Miền Bắc.

Về mặt pháp lý, công ty con là pháp nhân độc lập với công ty mẹ nên được cấp phép, tuy nhiên khó mà minh bạch được bởi doanh nghiệp nào cũng sẽ ưu tiên "người nhà” khi sử dụng dịch vụ. Kể cả khi có tranh chấp với khách hàng và cần kiểm định lại thì các công ty thí nghiệm điện vẫn được thực hiện trước các công ty bên ngoài

Tựu trung lại, chừng nào EVN còn gây cảm giác cho dân về sự thiếu sự công khai minh bạch, thì người dân vẫn không thể vui vẻ hợp tác với những cái hóa đơn điện “lạ thế” mỗi khi nhà đèn đều đặn trát cho khách hàng mỗi dịp “đến nóng lại lên” thế này.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img