Cái lu vốn chỉ là thứ đựng nước mưa ở những miền quê nghèo khó của bà Phó Giáo sư – Tiến sĩ, nhưng nếu nó được tạo điều kiện để "sống" giữa thành thị thì biết đâu Sài thành sẽ không phải đau đầu vì ngập mỗi mùa nước về.
Những ai phản đối ý tưởng về “cái lu” của Đại biểu HĐND TP.HCM Phan Thị Hồng Xuân có lẽ là những người không hề xem đoạn video trình bày của bà trong phiên họp chiều 12/7.
Việc đọc dòng tiêu đề “dùng lu chống ngập” thoáng nghe có vẻ ngô nghê, hài hước rồi gõ phím, buông lời chỉ trích dường như sẽ ít tốn “thời gian vàng ngọc” hơn là suy nghĩ thấu đáo, tìm hiểu ngọn ngành về đề xuất của vị đại biểu này.
Bà Xuân có đáng bị cười chê với ý tưởng “cái lu” hay không? Tôi tin là không.
Với chức danh Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM, hơn nữa còn là Trưởng khoa Đô thị học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sự hiểu biết của bà Xuân còn hơn khối người khác.
Bà Xuân nói gì?
Ngay từ đầu bài phát biểu, bà Xuân đã nhấn mạnh: “Xu hướng hiện nay trên thế giới theo hoạt động xanh và phát triển bền vững bảo vệ môi trường là khai thác giá trị cộng đồng địa phương đó”.
“Khai thác giá trị cộng đồng” – tức là tận dụng nguồn lực, thói quen sẵn có để đưa ra giải pháp thiết thực nhất, tiết kiệm nhất và dễ đi vào thực tiễn nhất. Nói có người hiểu – họ mới làm theo!
Lấy ví dụ dân dã từ cái lu ở vùng nông thôn, bà Xuân mô tả những cái “bể chứa nước” ở nước ngoài để giảm thiểu nước ngập cũng tương tự như cái lu ở nước ta. Ngay lập tức một làn sóng chỉ trích nổ ra về ý tưởng “dùng lu chống ngập” nghe có vẻ quê mùa và phi thực tế của bà Xuân.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, ngay cụm từ “dùng lu chống ngập” được lan truyền rần rần trong dư luận đã truyền đạt sai dụng ý của bà Xuân – đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến vị đại biểu này hứng chịu nhiều “gạch đá”.
Giải pháp cái lu
Sự “to mồm” của cộng đồng mạng dường như chỉ nhắm vào chi tiết “cái lu” nghe có vẻ quê mùa của bà Xuân màkhông quá để tâm vào việc đi sâu vào khía cạnh tích cực của giải pháp.
Họ chỉ biết chỉ trích các chi tiết nghe có vẻ buồn cười, lố bịch, đến từ một vị đại biểu đến từ cơ quan Nhà nước, một người có học hàm- học vị Phó Giáo sư - Tiến sĩ với tâm lý vạch lá tìm sâu.
Ý tưởng của bà Xuân có vớ vẩn hay không? Câu trả lời là không. Vấn đề chỉ là quy mô của “cái lu” to đến chừng nào.
Như ở Tokyo – Nhật Bản, họ xây hẳn một bể chứa nước ngầm cao 25,4m, dài 177m, rộng 78m chỉ để chứa nước một khi lượng mưa tăng cao hay nước lũ dâng lên. Đây là công trình xả nước ngầm lớn nhất thế giới, được xây dựng để giảm thiểu ngập nước của thành phố trong mùa mưa bão.
Cái bể chứa nước chính là hình ảnh “cái lu đựng nước” của bà Xuân ở tầm siêu to, khổng lồ.
Gần gũi hơn, nhìn sang Singapore, Thái Lan, Malaysia, các quy định về việc mỗi nhà phải có bể chứa nước cũng đã và đang được áp dụng. Hay như ở Đức, các “lu” chứa nước còn được đặt ngầm dưới nhà.
Trên thực tế, vấn đề đô thị úng ngập, khó thoát nước, không phải chỉ là cơn đau đầu của riêng Việt Nam mà ở bất kỳ thành phố hiện đại nào trên thế giới. Việc ứng dụng các kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước cũng như trong dân gian nên là điều cần được hoan nghênh thay vì dìm xuống, miễn chúng phát huy được hiệu quả.
Để ý tưởng có đất sống
Đề xuất của bà Xuân vẫn đang ở trạng thái ý tưởng, nếu được xem xét triển khai, nó sẽ cần phải có kế hoạch rõ ràng, áp dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện, tính chất của từng thành phố, từng cộng đồng dân cư.
Hãy thử sống ở một khu vực mà cứ mưa nhỏ là ngập, mưa lớn là lụt,… thì mới thấy mỗi ý tưởng – dù là ở dạng nguyên sơ nhất cũng cần được nghiêm túc ghi nhận, phân tích và xem xét.
“Cái lu” mà bà Phan Thị Hồng Xuân nói có thể là một công trình lớn như ở Nhật Bản – áp dụng với toàn TP.HCM, cũng có thể chỉ ở quy mô cống ngầm ở đường Nguyễn Đức Cảnh hay chỉ đơn giản là mỗi hộ chung cư có thêm một thùng đựng nước mỗi khi mưa về.
Nếu bà Xuân cũng như các ông nghị, bà nghị khác, giữ cái mác Giáo sư – Tiến sĩ mà không dám nói lên đề xuất mang tính giải pháp thiết thực, có chăng sẽ có bài phát biểu mang đầy tính hàn lâm khoa học, thì tôi dám chắc cả nghìn năm nữa, Sài thành ngập vẫn hoàn ngập, các ý tưởng mang tính đột phá vẫn nằm trên giấy, gấp thành thuyền thả theo dòng nước trôi…
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả