Cái tát hiệu trưởng và chuyện lạm quyền của phụ huynh thời nay

Chửi bới giáo viên, bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi, đòi lắp camera lớp học ở khắp nơi, hơi một tí là quay clip rồi doạ tung lên mạng… là những biểu hiện lạm quyền của phụ huynh học sinh thời nay. Nhưng như thế chưa thấm vào đâu so với vị phụ huynh ở Đà Nẵng vừa rồi xông vào tát lật mặt Hiệu trưởng ngay tại trường học rồi hô một câu khẳng khái: “Giải tán”.

img

Cái chết của em học sinh lớp 1 ở trường Phổ thông liên cấp Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) hồi tháng 8/2019, vì bị bỏ quên trên xe buýt đưa đón của trường, có lẽ đã khiến cơn thịnh nộ của hàng triệu vị phụ huynh còn chưa kịp lắng xuống.

Và cụm từ “bị bỏ quên” trở nên dễ gây kích động đối với bất cứ bậc làm cha mẹ nào nếu chẳng may con họ bị bỏ quên hoặc có dấu hiệu bị bỏ quên tại môi trường giáo dục.

Đây là lý do nhiều người cảm thấy có thể thông cảm cho bà Nguyễn Thị Trường Thy (phụ huynh học sinh T.) ở Đà Nẵng– người đang làm dậy sóng cộng đồng mạng vì đã tát thẳng vào mặt cô Nguyễn Thị Thanh Hằng - Hiệu trưởng Trung tâm Mun Art (cơ sở dạy các môn nghệ thuật ngoại khóa) hôm 12/12.

Cho rằng nhà trường không giải thích được việc cháu T (con gái bà Thy) đã ở đâu trong suốt 2 giờ đồng hồ diễn ra buổi biểu diễn cuối khoá của Mun Art hôm 18/11, bà Thy đã phản ánh đến trung tâm nghệ thuật này.

Ngày 12/12, Trung tâm Mun Art tổ chức một cuộc họp với phụ huynh để giải quyết bức xúc và giải thích về sự việc trên. Tại buổi làm việc, các giáo viên đều khẳng định có gọi cháu T. vào lớp nhưng do nhút nhát nên học sinh này không vào, chơi một mình ngoài sân.

Không chấp nhận lời giải thích trên, bà Thy đứng dậy chửi bới và tát vào mặt nữ Hiệu trưởng. Trong đoạn clip được đăng tải trên báo, người ta thấy vị phụ huynh đã tặng cô Hiệu trưởng một cái tát như trời giáng, kèm lời nói chợ búa “Tao nói cho mày nghe…”. Sau đó người này đứng dậy hô “Giải tán”.

Có thể thấy, chỉ thông qua một cái tát mà người uy quyền nhất môi trường sư phạm đã bị làm nhục, bị xâm phạm thân thể ngay trên lãnh địa của mình. Điều này thật khó chấp nhận nếu như soi chiếu câu chuyện dưới góc độ truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”… của người Việt bao đời nay.

Ai đó có thể biện hộ rằng “sư” và “đạo” ngày nay khác rồi, mọi thứ đều được đổi chác kiểu tiền – hàng và giáo dục chẳng qua cũng chỉ là một thứ hàng hoá phải bỏ tiền mua, cho nên “tôn sư trọng đạo” ngày nay phải là một loại cảm xúc có điều kiện.

Có người bênh vực vị phụ huynh này khi cho rằng cháu T là con gái, nếu chẳng may trong 2 giờ đồng hồ không được nhà trường “để mắt” đó mà xảy ra chuyện gì rủi ro thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Những lập luận trên không sai, nhưng nó không thể là lý do giải thích cho hành vi bạo lực nói chung và bạo lực học đường nói riêng. Thầy đánh trò, trò đánh trò đã bị xã hội lên án như thế nào thì việc phụ huynh đánh thầy càng trở nên phản cảm hơn gấp bội.

Chúng ta không chấp nhận những cơn áp lực, bức bối của giáo viên được “phóng thích” qua những cú “liên hoàn tát” học sinh, những pha bạo hành kiểu bắt con trẻ ngậm phấn hay súc miệng bằng nước giặt giẻ lau…, thì càng không nên bao biện cho hành vi bạo hành giáo viên của phụ huynh.

Đó là chưa kể, trò đánh trò hay thầy đánh trò đều thể hiện sự nóng giận bột phát, trong khi đó ngày càng có nhiều vụ việc phụ huynh bạo hành giáo viên một cách có chủ ý, ngang nhiên thách thức dư luận.

Điển hình như các vụ phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối trên lớp học ở An Giang hồi tháng 3/2018 (vì cô giáo này phạt học sinh quỳ gối), phụ huynh xông vào trường mầm non ở Bình Thạnh (TPHCM) tát giáo viên hồi tháng 5/2019, vì cho rằng giáo viên tát con mình… Và bây giờ là vụ phụ huynh tát Hiệu trưởng ở Đà Nẵng.

Tất cả các vị phụ huynh này đều ý thức được rằng bạo hành giáo viên để trả đũa, răn đe, hạ nhục, thậm chí như bà Trường Thy ở trên còn chủ động lợi dụng sức ảnh hưởng của mạng xã hội để gây bất lợi cho hoạt động của trung tâm Mun Art nơi cô Hiệu trưởng Hằng phụ trách.

Cụ thể, ngay khi bắt đầu buổi tiếp xúc, bà Thy đã chủ động quay clip. Sau khi tát cô Hằng, thay vì hối hận vì hành vi của mình, bà Thy trả lời báo chí rằng “… tôi tát vào mặt để cảnh cáo”.

"Nếu như không có cái tát đó thì cộng đồng mạng, báo chí không biết và công an sẽ không biết những sai phạm của trung tâm này" – bà Thy nói.

Không hề nói quá khi cho rằng, ngày càng có nhiều bậc phụ huynh thể hiện sự lạm quyền trong những hành vi mà họ cho rằng để bảo vệ con em mình.

Nếu như trước đây, mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên có phần ôn hoà hơn khi hai bên cùng hợp tác để giáo dục trẻ, khi trẻ bị thầy cô phạt, phụ huynh sẽ đồng tình, nếu có gì chưa hợp lý sẽ gặp riêng giáo viên để góp ý.

Thì ngày nay, từ những hệ luỵ của việc phụ huynh có thể bỏ tiền ra để chạy cho con vào trường điểm, lớp chọn, có thể chọn cô giáo cho con, rồi tặng cô những cái “bao thơ” xinh xắn để nhờ cô quan tâm hơn đến con mình… mà nhiều người cho rằng mình có quyền hành nhiều hơn đối với những bậc sư phạm.

Họ luôn trong tư thế sẵn sàng bắt những giáo viên giải trình về việc con họ ăn ngủ ra sao ở trường, về những vết xước trên cơ thể… Họ đòi lắp camera lớp học ở khắp nơi và cho rằng như thế là công khai, minh bạch, dân chủ. Đến gặp giáo viên, họ lăm lăm cầm điện thoại để quay phim, chụp ảnh…

Đồng ý rằng, cơ chế thị trường đã làm sản sinh ra những mối quan hệ mới khác ngày xưa. Và công nghệ phát triển sẽ phục vụ cuộc sống ngày càng tốt hơn. Nhưng sử dụng công nghệ ở mức độ nào, dung hoà mối quan hệ ra sao lại là chuyện khác.

Giáo dục – nếu coi nó là thứ hàng hoá, thì chắc chắn phải là thứ hàng hoá đặc biệt, mua một lần nhưng có giá trị sử dụng cả đời, với nhiều giá trị gia tăng khác nữa. Bởi vì, giáo dục không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn lan toả cả đạo đức, nhân cách.

Hay nói cách khác, nếu chỉ cần nhận được tri thức của nhân loại, có lẽ ngày nay không ai cần đến trường mà chỉ cần một cái máy tính nối mạng. Nhưng nếu muốn con mình phát triển toàn diện cả trí và đức, vẫn cần đến vai trò của người thầy và nhà trường, thì cần phải lên án những bậc phụ huynh “không biết mình là ai” - như bà Trường Thy nói trên.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img