img

Cám cảnh tài xế đi vay nóng để chi tiêu vì “đói khách”

Nguyễn Lâm – Lê Trà

Những tưởng sẽ thoát được chuỗi ngày “đen tối” và bắt đầu nhen nhóm hy vọng hồi phục sau đợt giãn cách xã hội hồi tháng Tư, thì nay trước diễn biến phức tạp trở lại của dịch Covid-19, doanh nghiệp vận tải lại thêm một phen lao đao.

Càng chạy, càng… lỗ

Để hiểu rõ hơn về tình hình hoạt động của các đơn vị vận tải khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trở lại tại Việt Nam từ cuối tháng Bảy đến nay, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã lên xe của nhà xe Đất Cảng chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội. Thấy chúng tôi, anh Lê Thanh Long, nhân viên nhà xe, hồ hởi chạy lại tiếp đón: “May quá, khách lên xe bây giờ còn hơn cả Thượng đế”. Thấy ánh mắt dò hỏi của PV, anh Long nhanh ý phân trần: “Dịch dã mà em, có khách là quý hơn vàng đấy. Giờ ai cũng ngại di chuyển nên cánh lái xe đường dài như bọn anh đói lắm”.

Tại vị trí đỗ của nhà xe Đất Cảng trong bến xe Giáp Bát (Hà Nội), chúng tôi được rửa tay bằng cồn rồi tiến hành khai báo y tế khi trước khi lên xe. Lúc này, trên xe mới có 6 hành khách. Ngồi chờ hơn 20 phút, đến sát giờ xe chạy mới có thêm 1 khách nữa. Tôi quay sang hỏi: “Sao hôm nay khách làm thủ tục lâu vậy anh, thế này thì bao giờ xe mới chạy được?”. Anh Long bèn cười phá lên rồi nói: “Khách lên đủ rồi mà em, cho xe chạy thôi bác tài ơi”.

Khi chúng tôi còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì anh Long tiến lại gần nói: “7 khách là đông rồi đó em à. Chứ từ khi dịch Covid – 19 bùng phát trở lại, xe chỉ có 5, 6 khách, thậm chí có chuyến chỉ vỏn vẹn 2 người mà thôi”.

img

Anh Lê Thanh Long, nhân viên nhà xe Đất Cảng.

Là một nhân viên có thâm niên trong ngành vận tải hành khách, trải qua nhiều thăng trầm trong công việc, song anh Long cho biết chưa khi nào bản thân gặp tình trạng “đói khách” như hiện nay.

Anh Long tâm sự: “Trước đây, nhiều hôm anh phải làm việc hết công suất vì hành khách trên xe gần như kín chỗ, việc sắp xếp hành lý của khách cũng trở thành nỗi khiếp sợ. Nói thật, nhiều hôm anh chỉ mong khách vắng đi một chút cho đỡ mệt. Thế nhưng, từ ngày bùng phát dịch thì mọi việc đã thay đổi, mọi người di chuyển ít hơn do khuyến cáo giãn cách, làm nhàn quá đâm ra lo đói và chán em à”.

Anh Long cũng cho biết, công việc của anh trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát ít nhiều có sự thay đổi. Nếu trước đây, công việc chính của anh chỉ là hướng dẫn, sắp xếp chỗ ngồi và hành lý cho hành khách thì hiện nay phải thực hiện thêm một số quy định về phòng, chống dịch Covid-19 như: sát khuẩn xe mỗi ngày, khai báo y tế đối với các hành khách lên xe,…

Khi chúng tôi ngỏ ý hỏi về doanh thu trung bình mỗi chuyến đi trong mùa dịch thì anh Long chia sẻ: “Với giá vé 100.000đồng/lượt, những chuyến xe này sau khi trừ các khoản thu phí cầu đường, xăng xe thì công ty sẽ bị lỗ khoảng 1 triệu đồng. Từ khi dịch bùng phát trở lại, anh em trong công ty đều bị giảm khoảng 60% lương so với trước đây. Vừa rồi, anh còn phải đi vay nóng tiền để lo cho việc chi tiêu trong gia đình. Hiện, mong ước duy nhất của công nhân trong công ty là dịch bệnh nhanh chóng chấm dứt để nhà xe có thể hoạt động, lưu thông đều trở lại”.

Những đồng lương ít ỏi nay dường như lại đang co hẹp lại khi từng khoản phụ cấp của công ty cũng chả thấm vào đâu bởi hầu hết các lái xe, phụ xe tại đây đều là lao động chính trong gia đình.

Thấm cảnh đìu hiu

Dù mọi hoạt động đều bị trì trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng anh Long cùng các nhân viên lái xe, phụ xe luôn làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc phòng, chống dịch bệnh bởi: “Đặc thù công việc của chúng tôi là tiếp xúc với hành khách, nên phải trang bị đầy đủ kiến thức cho chính mình trước, như thế mới mong hành khách chấp hành nghiêm chỉnh được.

Theo quy định, các lái xe và phụ xe đều phải phun khử khuẩn xe mỗi ngày và vệ sinh sạch sẽ bên trong xe nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách. Các phụ xe cũng có nhiệm vụ nhắc nhở hành khách khai báo y tế, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn”, anh Long nói.

Một điều đáng mừng mà chúng tôi ghi nhận là các hành khách trên xe cũng tuân thủ những quy định về giãn cách hay hạn chế tiếp xúc với người lạ.

img

Hành khách thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt và rửa tay bằng cồn,… tại bến xe Giáp Bát.

Theo ghi nhận của PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), lượng hành khách đi xe rất vắng vẻ. Bên trong nhà chờ, chỉ có lác đác vài khách, những quầy bán vé mặc dù đã được mở nhưng vẫn chưa có người mua. Tại đây, tất cả hành khách khi vào bến đều được nhân viên tại bến xe hướng dẫn, yêu cầu đeo khẩu trang y tế, rửa tay bằng cồn, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn, khai báo y tế khi lên xe,… Các phương tiện vận tải khi vào bến cũng được khử trùng, sát khuẩn theo quy định.

Đánh giá về tác động của dịch Covid-19 lần này, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc bến xe Giáp Bát cho rằng các nhà xe đã thực sự “thấm”: “Dịch Covid-19 ở Việt Nam đang có diễn biến phức tạp, trong khi các đơn vị kinh doanh vận tải còn chưa kịp phục hồi sau lệnh giãn cách xã hội thì dịch bệnh lại bùng phát trở lại khiến nhu cầu đi lại của người dân đã thấp nay lại càng thấp hơn.

Nếu như lượng khách mua vé và lượng xe ra/vào bến thời điểm sau giãn cách xã hội hồi tháng Tư đạt khoảng 70% thì sau khi dịch bùng phát trở lại, con số này tiếp tục sụt giảm và chỉ đạt khoảng hơn 50% so với bình thường”.

Cơn ác mộng chưa tan

Trao đổi với PV, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc công ty Vận tải Đất Cảng - cho biết: “Dịch Covid-19 thực sự là cơn ác mộng đối với các đơn vị kinh doanh vận tải. Do ảnh hưởng của dịch, hoạt động của công ty chỉ đạt khoảng 30% so với bình thường, trung bình mỗi lượt xe chỉ có vài ba hành khách dẫn đến tình trạng xe càng chạy càng lỗ. Biết rằng hoạt động trong thời gian này chắc chắn sẽ lỗ, thậm chí lỗ nặng nhưng dừng chạy cũng không được. Chưa bao giờ việc làm ăn của công ty rơi vào cảnh bết bát như hiện nay”.

N.L - L.T

img