Vừa qua, cuộc họp HĐND TP.Hà Nội ngày 7/7 đã thông qua Nghị quyết quy định các khu vực không được phép chăn nuôi và có chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi, trong đó có 12 quận, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây và 5 thị trấn (TP.Hà Nội).
Trước tình hình đó, nhiều hộ chăn nuôi nằm trong danh sách đều rất hoang mang và lo lắng không biết xoay sở thế nào. Hộ chăn nuôi của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tiến có 200 con gia cầm, 60 con lợn và đàn trâu hơn 200 con chăn thả ở bãi nổi sông Hồng dưới gầm cầu Vĩnh Tuy (thuộc quận Long Biên, Hà Nội). Hiện tại, ông bà đang phải chật vật với món nợ lên đến hàng trăm triệu đồng, vì từ đầu năm đến giờ, dịch bệnh Covid-19 khiến gia đình cũng như các hộ chăn nuôi khác điêu đứng. Nay lại phải tìm hướng giải quyết khi quy định cấm không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các quận nội đô Hà Nội chính thức được áp dụng.
“Gia đình chúng tôi 4 người, sống bằng nghề chăn nuôi đã hơn 30 năm. Bây giờ TP.Hà Nội ra lệnh cấm chăn nuôi, chúng tôi chưa biết như thế nào để tìm việc mới, vì hai vợ chồng đã gần 60 tuổi. Hơn nữa, hiện giờ đàn trâu của gia đình có 70 con đang chửa, nếu bán thịt cũng không ai mua”, ông Tiến chia sẻ.
Việc cấm chăn thả gia súc khiến nhiều hộ dân hoang mang.
Mỗi năm, gia đình ông Tiến thu về từ việc chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng trăm triệu đồng. Không những vậy, ông Tiến đang tạo công ăn việc làm cho 5 lao động người dân tộc thiểu số với mức lương khoảng 5 - 7 triệu đồng/người trong việc chăn thả đàn trâu số lượng lớn này.
Anh Giàng Văn Phúc (sinh năm 1994, quê ở Hà Giang) người làm thuê cho ông Tiến từ đầu năm đến nay, cho biết, trước kia anh làm shipper, nhưng vì dịch Covid-19 mà công việc không suôn sẻ. Những tháng gần đây, anh tìm được công việc chăn trâu do ông Tiến thuê, mức lương ổn định, lại được nuôi ăn, ở. Mỗi ngày, anh Phúc chỉ trông nom đàn trâu, ít tiếp xúc với người ngoài khi dịch Covid - 19 bùng phát.
Anh Phúc ngậm ngùi chia sẻ :“Nếu mất công việc này, những người lao động như tôi không biết phải làm thế nào?”.
Trước tình hình trên, trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch UBND phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) - thừa nhận, những hộ chăn nuôi gia súc làm kinh doanh tại địa phương hầu hết là những người cao tuổi, việc tiếp cận việc làm mới vô cùng khó.
Tuy nhiên, việc chăn nuôi theo mô hình thủ công, tự phát đang làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe và cảnh quan đô thị. Nên việc cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội thành và các thị trấn thuộc Hà Nội là điều cần thiết.
“Phường chúng tôi đã vào cuộc, thực hiện theo chỉ đạo của quận trong việc nỗ lực định hướng, cũng như tìm việc làm phù hợp cho các cơ sở chăn nuôi. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm đàn, dừng chăn nuôi trong khu dân cư”, ông Kiên khẳng định.
Trước những băn khoăn của các hộ chăn nuôi, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi (sở NN&PT Hà Nội). Được biết, đối với Nghị quyết này, Sở và HĐND TP.Hà Nội đã thống nhất thời gian để các hộ thực hiện chuyển đổi nghề là 3 năm cho các hộ dân đỡ bỡ ngỡ, lo lắng.
Sở đã bàn giao cho từng quận, huyện thống kê, rà soát lại số lượng chăn nuôi trên địa bàn. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích đến từng hộ vì sự nghiệp chung của thành phố, vì sự phát triển văn minh của thành phố xanh, sạch, đẹp. Không thể để một vài hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan đô thị.
“Thêm nữa, diễn biến dịch bệnh rất phức tạp, kể cả các bệnh lây sang người (cúm gia cầm, H5N1, dịch tả châu Phi, viêm cầu lợn,…), chính vì thế định hướng của Thành phố là chăn nuôi lớn, chăn nuôi công nghệ cao mang tính chất khu vực riêng để đảm bảo môi trường, phát triển chăn nuôi bền vững”, ông Sơn phân tích.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi (sở NN&PT Hà Nội)
Nhiều ý kiến đang lo lắng rằng, những hộ chăn nuôi đều là người có tuổi, việc chuyển đổi nghề với họ e rằng rất khó khăn. Ông Sơn cho hay: “Trong tổng số 3.354 hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố, thì chỉ có hơn 1,5% là các hộ chăn nuôi lớn tuổi, có khoảng 54 hộ chăn nuôi vừa và lớn phải thực hiện việc di dời”.
Theo Nghị quyết 10 ngày 5/10/2018 của thành phố về việc hỗ trợ các hộ dân ở trong khu vực cấm di dời địa điểm chăn nuôi, nếu đủ điều kiện, hỗ trợ chính sách ở các vùng được phép chăn nuôi về đường sá, giống, môi trường nếu phù hợp, trong thời gian họ có mong muốn tiếp tục với công việc chăn nuôi.
“Thành phố đã xây dựng lộ trình rất cụ thể, chúng tôi đang phối hợp với các quận, huyện khuyến khích các hộ quay về với nghề truyền thống vốn có của vùng. Như vậy sẽ vừa giữ được nghề truyền thống mà vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Sơn nói.
Lộ trình 3 năm cho việc di dời
Theo đó, 12 quận, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây và 5 thị trấn (TP.Hà Nội) không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, trừ việc nuôi động vật cảnh, phục vụ thí nghiệm. Hạn chót là đến 31/12/2023.
Tại khoản 2, Điều 3 Luật Chăn nuôi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020) quy định: "Cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thuộc khu vực quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này, thì trong thời hạn là 5 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp”.
Đối với việc xác định điều kiện di dời các cơ sở chăn nuôi được hỗ trợ chính sách di dời, về chăn nuôi trang trại, nông hộ có từ 1 đơn vị vật nuôi. Đề xuất chăn nuôi trang trại, nông hộ thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ chuyển đổi nghề hoặc hỗ trợ di dời đến vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi.
Nghị quyết của HĐND TP.Hà Nội áp dụng nhằm khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp trong thành phố. Việc cấm chăn nuôi ở đô thị cũng giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường sống, bảo vệ sức khỏe người dân.
L.L