img

Cảm động chuyện người thương binh nguyện cả đời chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo hiếu học

Thanh Lâm

Trở về từ chiến tranh, người thương binh 1/4, với thương tật 81%, bị cụt một chân, một tay, mù một mắt cùng nhiều vết thương khác trên cơ thể, ngày ngày gom góp tiền dành cưu mang, giúp đỡ các trò nghèo chắp cánh ước mơ. Nghĩa cử cao đẹp của người lính cụ Hồ nơi xứ dừa Bến Tre đã cho “trái ngọt”, khi tất cả các em được giúp đỡ đều thành người tốt, trong đó có người hiện là giảng viên thành đạt.

Những ngày hoa lửa hun đúc tấm lòng nhân từ

Ông Lê Văn Ý, SN 1940, ngụ ấp Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre là thương binh 1/4, bị cụt một chân, một tay, mù một mắt cùng nhiều vết thương khác trên cơ thể. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, là con trai út trong gia đình có 7 anh, chị em. Năm 1944, cha ông bạo bệnh qua đời, khi đó ông vừa tròn 4 tuổi. Mồ côi cha từ khi còn bé nên dường như những ký ức về cha, ông Ý không còn nhớ rõ.

img

Thương binh Lê Văn Ý đang trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật.

Thời Pháp thuộc, ông Ý được gia đình cho học tại một trường làng gần nhà. Năm lên 10 tuổi, khi vừa học hết lớp Tư (lớp 2 bây giờ) cũng là lúc ông Ý phải dừng việc học vì gia đình quá nghèo. Kể từ đó, tuổi thơ của ông Ý là những tháng ngày chăn vịt, giữ trâu thuê cho người dân trong vùng kiếm tiền phụ giúp gia đình mưu sinh.

Ông Ý kể với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ngày đó, tại xóm Gò Nổi nơi ông sống, chỉ có 2 ngôi nhà với 2 chuồng trâu, đất rộng mênh mông. Đến năm 1952, giặc Pháp tái chiếm đóng nhiều đồn bốt dọc sông Hàm Luông. Ban đêm, cán bộ của ta đi công tác trong vùng bị giặc tạm chiếm. Ban ngày, các cán bộ trở về chuồng trâu ở ẩn chờ cơ hội hoạt động.

img

Thương binh Lê Văn Ý kể lại năm tháng hào hùng

Do thường xuyên quanh quẩn ở khu vực này nên ông Ý cùng các bạn chăn trâu, giữ vịt được cán bộ phân công nhiệm vụ. Ngoài việc tát mương, bắt cá làm thức ăn cho cán bộ, nhóm của ông còn được cán bộ phân công cảnh giới, báo động. Cụ thể, mỗi khi thấy “bất thường”, ông Ý và nhóm bạn lập tức vờ đánh nhau rồi la hét nhằm đánh tiếng cho các cán bộ biết nguy hiểm, đang có sự xuất hiện của giặc để tìm cách thích ứng.

Clip: Trở về từ chiến tranh, thương binh Lê Văn Ý chia sẻ về tâm nguyện của mình.

Những lần họp, cán bộ luôn nêu khẩu hiệu “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để anh em nhớ và đối phó với giặc. Đồng thời, cán bộ cũng thường xuyên nhắc nhở anh em phải khắc ghi lời Bác dạy là chống 3 loại giặc: giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt. Trong đó, giặc ngoại xâm, giặc đói có thể làm cho chúng ta chết.

“Riêng giặc dốt, nghe xong tôi liền liên tưởng về bản thân mình, mồ côi cha từ bé, thất học, kém cỏi, trí tuệ không được mở mang nên cần phải phấn đấu tiếp thu khi có cơ hội được cán bộ chỉ bảo. Từ đó, theo kháng chiến với nhiệm vụ, gác đường và thông tin liên lạc cho cán bộ. Đến năm 1960, tôi được chính thức vào biên chế tổ chức khi vừa tròn 20 tuổi”, ông Ý nhớ lại.

Hai lần “chết đi sống lại”

img

Thương binh Lê Văn Ý thuật lại khoảnh khắc bị thương trong lúc cài mìn.

Đến khoảng cuối năm 1962, đầu năm 1963, ông Ý được phân công làm công tác quân báo cho huyện và nhiều nhiệm vụ khác tại địa phương. Chiều tối 10/4/1966, ông Ý cùng đồng đội làm nhiệm vụ cài 10 quả mìn cạnh bờ sông Hàm Luông. Tuy nhiên, khi cài đến quả mìn cuối cùng thì không may quả mìn này phát nổ cướp đi bàn tay phải và một mắt trái của ông. Bị thương, ông Ý không còn khả năng đảm trách công tác quân báo nên được giải ngũ.

Không còn được tham gia chiến trường, ông Ý chuyển sang sáng tác vọng cổ, tuồng cải lương phục vụ cho các chiến sĩ trực tiếp chiến đấu nơi chiến trường. Nói đến đây, ông Ý chợt buồn, nhìn về dòng sông Hàm Luông như nhớ lại ký ức hào hùng ngày nào. Cũng con sông này đã diễn ra những cuộc chiến tranh ác liệt, mà nơi đó đã lấy đi một phần máu xương của ông.

img

Chiến tranh đã lấy đi nhiều bộ phận trên cơ thể của người thương binh nơi xứ dừa Bến Tre nhưng ông vẫn luôn sống lạc quan.

Ông Ý kể tiếp, tháng 9/1969, giặc chiếm mất xã nên anh em đành bám chi bộ sống tại các xã lân cận để tiếp tục hoạt động cách mạng. Đến năm 1972, trong một lần dự đại hội để gầy dựng cơ sở, buổi chiều hôm đó, khi ông Ý đang trên đường về căn cứ, ông bị trúng lằn đạn của địch khiến dập nát chân phải và các vết thương chi chít khắp cơ thể. Bị thương, ông Ý được đồng đội đưa đến trạm y tế xã sơ cứu, cắt bỏ phần chân dập nát và khâu vết thương.

Nguyện làm theo lời Bác dạy

Năm 1975, trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù bản thân bị quá nhiều mất mát, ông Ý vẫn ngày ngày thầm lặng giúp các cháu nhỏ trong vùng có hoàn cảnh khó khăn được theo học, chắp cánh ước mơ. Theo người thương binh 1/4, thời kháng chiến, ông từng được cán bộ nhiều lần nhắc nhở phải chống 3 loại giặc theo lời Bác nên ông Ý nguyện sau khi thống nhất đất nước sẽ làm từ thiện giúp đời.

img

Niềm vui lớn nhất ở tuổi xế chiều của thương binh Lê Văn Ý là được giúp các trò nghèo chắp cánh ước mơ.

Từ đó, ý tưởng giúp các cháu nhỏ trong vùng có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đến trường được ông Ý thực hiện. Ban đầu, cũng lắm gian nan, ngoài việc đến từng nhà các cháu nghèo khó để động viên, thuyết phục gia đình không được cho cháu bỏ học, ông Ý phải góp tiền mua tập, sách, bút mực, rồi tiền đóng học phí cho các em nhà nghèo.

Nhắc lại những tháng đầu năm 1978, thời điểm chứng kiến cảnh các học trò nghèo phải rời ghế nhà trường vì đói, ông Ý không kìm được rưng rưng xúc động. Ông nghẹn ngào nhớ lại: “Hoàn cảnh các em này giống y như hoàn cảnh của tôi thời bé. Miệt mài vận động, tôi nhận giúp đỡ cho 8 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đầu tiên. Do 8 em này học từ cấp 1 đến cấp 3 nên tôi có điều kiện phân bổ chi phí để chu cấp lần lượt cho từng em một”.

img

Thương binh Lê Văn Ý xúc động mỗi khi nghĩ đến các trò nghèo.

Ông cho biết, với 2,5 công đất trồng lúa và 2,7 công đất trồng dừa cho trái liên tục nên thu lợi tương đối ổn định. Cộng với số tiền hỗ trợ từ Nhà nước mỗi tháng, ông Ý đều dành hết để lo việc học cho các trò nghèo. Khi các em học sang cấp 2 rồi đến cấp 3, ông Ý lần lượt mua 8 chiếc xe đạp để các em làm phương tiện tới trường.

Như đáp lại nghĩa cử cao đẹp của người lính cụ Hồ, tất cả các cháu được ông Ý giúp đỡ đều học rất giỏi. Trong đó, có người giờ đã là giảng viên, người thành đạt quay về tìm ông để trả ơn. Tuy nhiên, ông Ý từ chối nhận. Ông cho đó là việc nhỏ, góp ít công sức của mình cho quê hương, đất nước. Tính đến nay, ông Ý không còn nhớ việc bản thân mình đã giúp đỡ bao nhiêu học sinh nghèo có cơ hội được đến trường. Cứ như thế, hết lớp trò nghèo này được ông Ý giúp đỡ là lượt lớp trò nghèo khác tiếp nối.

img

Dù đã 80 tuổi, thương binh Lê Văn Ý vẫn sống đơn độc một mình trên quê hương Đồng Khởi.

Chiến tranh đã qua đi, người thương binh già vẫn bám trụ trên quê hương mình, nơi đã lấy đi một phần máu xương của ông. Nỗi đau, mất mát đối với ông không gì bù đắp được, nhưng đều khiến ông vui cười khi tuổi xế chiều khi các trò nghèo từng được ông giúp đỡ đều nên người.

Một trong 5 cá nhân của tỉnh được tuyên dương

Với những cống hiến của mình, ông Ý được phong tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Ngoài ra, ông còn vinh dự được chọn dự hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ 2, năm 2013 tại Hà Nội. Được biết, ông Ý là một trong năm người ở tỉnh Bến Tre được tuyên dương.

img

Thương binh Lê Văn Ý vinh dự được Nhà nước phong tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì.

Người thương binh giản dị, chân thật

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Cao Minh Trang – Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ cho biết, ngoài nghĩa cử cao đẹp là hàng chục năm giúp đỡ các trò nghèo học tập và thành tài, ông Lê Văn Ý còn hiến cây kiểng cho UBND xã, hiện cây vẫn đang xanh tốt. Ông Ý là người rất giản dị, chân thật và là tấm gương điển hình, là niềm vinh dự của địa phương.

T.L

img