Cam go “cuộc chiến không tiếng súng”

Những ngày không quên trong cuộc chiến mang tên “Chống Covid-19”, chúng ta không sợ virus bùng phát trở lại, mà chỉ ngại ngần, trách cứ “những kẻ địch” âm thầm từ bên trong!

img
img

Tôi đang sống trong những ngày dịch Covid-19 phức tạp trở lại, Việt Nam đang vững chãi đương đầu với cuộc chiến mới. Chợt nhớ, ngay từ giai đoạn đầu, biết bao hình ảnh xúc động trên dải đất hình chữ S liên quan đến “cuộc chiến không tiếng súng” đã được ghi lại, thậm chí, được in dấu trong bộ phim Những ngày không quên trên sóng truyền hình.

Từ ngày phát hiện trở lại những ca dương tính đầu tiên trong cộng đồng, đến nay, cũng đã gần một tháng. Cuộc chiến giai đoạn này còn khốc liệt, cam go hơn...

Tôi xúc động nhìn những chiến binh áo trắng từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Định, Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành khác lên đường theo “tiếng gọi Đà thành”, rồi đến Quảng Nam, tất cả hướng về khúc ruột miền Trung thân yêu.

Những mái tóc xin đành bỏ lại, những chiến binh mạnh mẽ lên đường, mang theo quyết tâm đẩy lùi đại dịch.

Được tăng cường chi viện cho Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thanh Linh (Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy) suốt nhiều ngày qua cùng các thầy thuốc luôn túc trực ngày đêm để chữa trị, cấp cứu, hồi sức cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng, tâm sự: “Tôi chưa cầm súng ra chiến trường, nhưng “trận chiến” hiện tại phải thắng!”.

Dịch Covid-19 cũng chính là nguyên nhân khiến bao y bác sĩ, chiến sĩ phải gác việc gia đình, việc hiếu không vẹn, việc hỷ cũng chưa làm. Chỉ tính riêng lực lượng bộ đội biên phòng trong đợt cao điểm chống dịch, đã có 48 chiến sĩ phải hoãn cưới. Thiệp mời đã gửi, nhưng chú rể chưa thể rời nhiệm vụ, ngày vui đành hoãn lại. Việc hiếu không thể về, chỉ có thể gửi lòng thương nhớ từ xa, nhưng các chiến binh vẫn vững vàng trong cuộc chiến. Bởi lẽ, ai cũng muốn trở về với gia đình, thì ai sẽ xông pha nơi tuyến đầu chống dịch?

Những ngày gần đây, trong lúc lực lượng y bác sĩ vẫn đang căng mình với những ca bệnh, thậm chí, có người gần kiệt sức trong bộ đồ bảo hộ suốt nhiều tiếng, thì Việt Nam vẫn phải ghi nhận thêm những con số buồn. Số ca nhiễm đang tiệm cận đến con số 1.000, số ca tử vong có nhiễm Covid-19 cũng đã lên đến hàng chục.

Giữa bối cảnh dịch bệnh, có những sự ra đi trong lặng lẽ. Một mình cách ly trong những giờ phút cuối cùng không có người thân bên cạnh, lúc ra đi, người thân cũng phải giữ khoảng cách an toàn mà khóc thương. Sự ra đi nào cũng buồn, nhưng sự ra đi lặng lẽ trong thời gian qua lại càng thêm da diết...

Bức tranh kinh tế cũng đang ngả sang gam màu tối khiến người lao động lao đao.

Những hình ảnh này sẽ là ký ức buồn của ngày mai tươi sáng.

Nhưng ở hiện tại, tôi hay bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy, vẫn còn những cá nhân ích kỷ và chủ quan, sẵn sàng đánh đổi sự bình yên của cả đất nước, của dân tộc cho lợi ích của bản thân.

Tình hình dịch bệnh phức tạp trở lại, cũng là lúc khẩu trang giả lại xuất hiện, những cơ sở sản xuất bất chấp lợi nhuận, những chiếc khẩu trang không đạt tiêu chuẩn chất lượng từ tay những kẻ bất nhân sẵn sàng luồn lách trong cộng đồng, xem thường sự an toàn của bất cứ ai.

Bài học về những kẻ đưa người vượt biên trái phép vào Việt Nam dường như vẫn chưa đủ thấm, nên vẫn có những kẻ trở về từ vùng dịch một cách lén lút để né cách ly. Thậm chí, những người có học thức cũng không ngoại lệ, như thầy giáo một trường tiểu học quê Thanh Hóa, trở về từ “tâm dịch” Đà Nẵng, vẫn lang thang đi chơi suốt mấy ngày trước khi khai báo y tế. Cả những người đã vào đến khu cách ly còn tìm mọi cách để trốn ra, chỉ vì những lý do cá nhân, chẳng hạn, đi làm móng, bất chấp liên lụy nhiều người.

Chỉ sau một vài tuần, nhiều cá nhân cũng bắt đầu lơi dần suy nghĩ phải đảm bảo giãn cách hay đeo khẩu trang, xịt cồn sát khuẩn. Không khó để bắt gặp những nhà hàng, quán ăn vẫn nườm nượp khách; những bàn nhậu khề khà vẫn còn tồn tại giữa chốn đông người; công viên lại đông người ra tập thể dục; tối đến, những lớp học khiêu vũ tự do lại tiếp tục rầm rộ; hay có những người quên đeo khẩu trang và quên luôn trách nhiệm công dân, khi được nhắc nhở cũng sẵn sàng sửng cồ và sử dụng bạo lực...

Khi Đà Nẵng bắt đầu ghi nhận ca dương tính mới trong cộng đồng, nhiều địa phương sốt sắng rà soát người đi về từ vùng dịch, người dân cũng phập phồng lo lắng. Nhưng dường như hiệu lực chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn. Chỉ mấy ngày sau, nhiều người gần như đã bỏ lại sự cẩn trọng phía sau lưng, thói quen đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn đâu đó bị lãng quên dần.

Mặc dù đã có kinh nghiệm ở giai đoạn trước, nhưng cũng không thể phủ nhận, giai đoạn này của cuộc chiến còn gian nan gấp bội. Chỉ một vài phút lơ là, thiếu tỉnh táo, chỉ một vài giây chủ quan, hay chỉ vài tích tắc để lòng ích kỷ trỗi dậy, chính mỗi cá nhân sẽ có thể gây nên những hậu quả khôn lường.

Một buổi đi làm móng có thể khiến cả cửa tiệm phải đi cách ly theo, đến ăn uống tại một nhà hàng có thể khiến nhân viên phục vụ và khách hàng khác phải nơm nớp lo âu, một cuộc nhậu thân thiết hoặc xã giao cũng có thể khiến bạn chí cốt hoặc đối tác đứng trước những nguy cơ. Thậm chí, vì quên đeo khẩu trang mà bạn có thể biến những người đồng nghiệp, bạn bè trở thành F1, F2 lúc nào không hay...

Rõ ràng, nguy cơ vẫn ở ngoài kia. Một canh bạc mà ta biết trước là mất nhiều hơn được, thì sao phải mạo hiểm đặt cược mà không chọn giải pháp an toàn cho chính bản thân, gia đình và xã hội?

Người ta vẫn nói: “Thà mất một phút trong đời... còn hơn mất đời trong một phút”. Nếu có thể, tôi muốn được gọi tên lòng tự trọng, ý thức trách nhiệm của mỗi người để tự bảo vệ mình và bảo vệ mọi người xung quanh. Mong sao, mỗi người trong chúng ta sẽ sẵn sàng đặt lòng tự trọng, ý thức trách nhiệm lên trên để tạo niềm tin, tạo sự vững chãi trong cả cộng đồng.

Tôi mong rằng phố phường những ngày này sẽ giữ nhịp vắng vẻ, dịu dàng, để khi những cơn mưa cuối Hạ kết thúc, chúng ta có thể nhìn thấy những nụ cười, chứ không phải chứng kiến thêm một người nào phải cách ly hoặc điều trị.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

img