img

Cảm phục người cựu chiến binh thương tật 81%, còn một mắt vẫn lặng lẽ 30 năm “chèo đò”

PHƯƠNG LY  

Mưa bom bão đạn một thời khói lửa đã khiến một bên mắt của ông Trần Quang Liệu (SN 1954) phải gửi lại nơi chiến trường. Trở về thời bình với 81% thương tật, người chiến binh năm ấy vẫn nỗ lực không ngừng để thực hiện giấc mơ và cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” trong suốt 30 năm qua.

Vết thương chiến tranh hằn sâu theo năm tháng

Cơ duyên đặc biệt đã giúp chúng tôi có cuộc gặp gỡ thân tình với ông Trần Quang Liệu tại nhà riêng của ông trong con ngõ nhỏ thuộc phường Sài Đồng, quận Long Biên, TP. Hà Nội. Trên khuôn mặt hiền lành của người lính năm nào in hằn những dấu vết của chiến tranh những hào hùng và cả đau thương, mất mát.

Dù một nửa bên mặt của ông Liệu bị biến dạng, nhưng, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là hai miếng băng dính được dán bên trong mắt trái. Dường như đọc được những băn khoăn của chúng tôi, ông Liệu cười hóm hỉnh: “Đây là mắt giả được bác sĩ cấy ghép, mắt thật của tôi “ra đi” từ thời chiến tranh rồi. Do mí mắt teo lại nên mắt giả bị lồi, tôi phải dán băng dính để tránh mắt bị bong ra”.

img

Ông Liệu trao đổi với PV Người đưa tin Pháp luật.

Sự mệt nhọc sau một chặng đường dài dường như được xua tan bởi sự đón tiếp nhiệt tình, gần gũi của người cựu chiến binh già. Rất cởi mở và chất phác, ông ôn tồn kể lại chúng tôi nghe về những năm tháng kháng chiến khốc liệt nhưng rất đỗi tự hào của một người lính cách mạng. 

Kể về thời “gác bút nghiên lên đường ra trận”, ông chia sẻ, cũng như bao thanh niên xung phong thời ấy, năm 17 tuổi ông lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Định. Chia sẻ về những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng ấy, ánh mắt người lính hừng hực khí thế năm nào sáng rực, ông nói: “Khi bước vào chiến trường, ý chí quyết chiến, quyết thắng luôn thôi thúc trong lòng, hồi ức về những tháng ngày nằm gai nếm mật ấy, tôi không bao giờ quên”.

 Năm 1972, trong một trận giao tranh với quân địch, mảnh pháo xuyên thẳng vào mặt đã khiến ông Liệu bị thương nặng. Khi chàng lính trẻ tỉnh dậy, một mắt còn, một mắt mất và một nửa bên mặt trái bị biến dạng hoàn toàn. Không những thế, những mảnh pháo khiến xương cánh tay trái của ông gãy.

Sau chiến đấu, một bên mắt của ông vĩnh viễn biến mất thay vào đó là một chiếc sẹo liền. Nhớ về những ngày tháng vừa bước ra khỏi chiến trường, ông Liệu ngậm ngùi kể: “Khi ấy, tôi mặc cảm đến nỗi không dám ra ngoài, chỉ ru rú trong bốn bức tường kín. Tôi sợ hãi khi thấy những bàn tay chỉ trỏ, những ánh mắt dò xét của mọi người. Thậm chí có người không biết chuyện còn gọi tôi là “dị nhân”.  Mặc cảm là vậy, nhưng ông luôn tự nhận mình là người may mắn vì vẫn có thể trở về, bởi, nhiều đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường khói lửa..

img

Người cựu chiến binh kể về những năm tháng chiến đấu gian khổ.

May mắn thay, năm 1974 Bệnh viện Quân y 108 có chính sách hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình trên khuôn mặt cho các thương binh ảnh hưởng bởi chiến tranh. Qua giám định thương tật, ông Liệu là thương binh hạng ¼, thương tật 81%. Sau nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật tạo ổ đựng mắt cho người thương binh trẻ. Trải qua bao nhiêu lần phẫu thuật, chiếc mắt nhựa đã được lắp vào bên mắt trái của ông Liệu. Sau ca phẫu thuật, ông như được “hồi sinh”, dù chỉ là mắt giả nhưng nó giúp tôi thêm tự tin hoà nhập với mọi người.

Người thầy chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ…

Thời còn đi học, ông Liệu vốn là người ham học, có thành tích nổi bật với môn toán. Thời gian ở chiến trường, ông luôn trăn trở và ao ước hòa bình lập lại sẽ có cơ hội tiếp tục theo đuổi đam mê với môn học này. Quãng thời gian ở trong đoàn an dưỡng chàng thương binh trẻ cảm thấy cuộc sống vô cùng nhàm chán và tẻ nhạt. Không chấp nhận cuộc sống an phận, ông Liệu quyết tâm theo đuổi con đường học tập để viết tiếp những giấc mơ đang dang dở...

img

Dù thương tật nặng nề nhưng người lính năm nào chưa bao giờ cam chịu số phận.

Sau gần 5 năm chia xa bút vở, ông bắt đầu lại từ đầu với những bài toán cơ bản từ cuốn sách giáo khoa cũ. Giấc mơ chinh phục ngưỡng cửa đại học để thoả mãn niềm đam mê toán học là động lực thôi thúc chàng thanh niên cố gắng ôn luyện ngày đêm. Sau 3 tháng “dùi mài kinh sử”, chàng thương binh xuất sắc thi đỗ vào khoa Toán của trường đại học Tổng hợp (nay là đại học Khoa học Tự nhiên thuộc đại học Quốc gia Hà Nội).

Trong những năm tháng học tập, một phần ảnh hưởng bởi những vết thương hằn sâu trên cơ thể, một phần do ăn uống thiếu thốn nên ông thường xuyên đau ốm, nhập viện liên miên. Nhưng, khó khăn trở ngại không thể làm người lính năm nào nhụt chí, ông luôn nỗ lực hết mình để đạt kết quả tốt trong học tập.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Trần Quang Liệu được phân về giảng dạy môn Toán tại trường Kinh tế Kỹ thuật Hải Dương rồi trường cấp II Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội). Sau khi nghỉ hưu ở trường cấp II Thượng Thanh, được sự tín nhiệm của các phụ huynh, ông Trần Quang Liệu tiếp tục đón học sinh về nhà dạy kèm môn Toán.

img

Một trong số những tấm bằng khen mà ông Liệu nhận được.

Mỗi lớp, ông dạy khoảng 15 em học sinh, một nhóm lớp 12, một nhóm lớp 9. Cứ thế đều đặn, ngày nắng cũng như ngày mưa, lũ trẻ đều có thể đến nhà ông giáo thương binh Trần Quang Liệu để học. Trong suốt 30 năm cuộc đời, ông đã dìu dắt bao thế hệ học trò “công thành danh toại”, có người tiếp nối nghề dạy học, có người nay đã thành bác sĩ, doanh nhân thành đạt,…

Mấy năm gần đây, do sức khoẻ suy giảm nên ông Liệu hay đau ốm, mắt cũng mờ dần theo thời gian. Hiện tại, người cựu chiến binh đang phải “sống chung” với căn bệnh hắc võng mạc trung tâm nên bắt buộc phải nghỉ dạy.

Dù cuộc sống còn khó khăn, vết thương vẫn đau nhức khi trái gió trở trời nhưng ông đã chọn cho mình hành trình sống lạc quan, cống hiến, sống có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Người thương binh “tàn nhưng không phế” ấy đã góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của người lính giữa đời thường.

img

Hai vợ chồng cựu chiến binh tuy đã về hưu nhưng vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Chuyện tình của hai người cựu chiến binh

Bệnh viện không chỉ là nơi giúp ông “hồi sinh” mắt trái mà còn là nơi giúp ông tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình. Gặp nhau trong một lần đến thăm khám, chỉnh hình dành cho thương binh tại bệnh viện Quân y 108, ông Liệu đã gặp người vợ thân yêu của mình. Tình yêu thương và sự đồng cảm là nền tảng giúp ông bà xây dựng gia đình hạnh phúc. Hiện tai, dù đã về hưu nhưng hai vợ chồng người cựu chiến binh vẫn tích cực tham gia hoạt động đoàn thể tại địa phương. Năm 2019, ông Trần Quang Liệu được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen về những nỗ lực vượt khó, chiến thắng thương tật và có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

P.L

img