img

Cảm phục người thầy đặc biệt hơn 10 năm dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo

PHƯƠNG LY – THÁI PHƯƠNG

Nhìn những nét chữ nắn nót đẹp như “rồng bay phượng múa” trên trang vở, chẳng ai nghĩ nó được một người thầy tật nguyền viết nên bằng… miệng. Anh là Phùng Văn Trường, thầy giáo ngồi xe lăn miệt mài luyện chữ đẹp và dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo trong suốt 10 năm nay. 

Viết nên nét chữ từ đôi môi rướm máu

 Trong những ngày Covid-19 diễn biến còn phức tạp, chúng tôi đã về thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội hỏi thăm người thầy đặc biệt này.ết. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ không có bảng đen phấn trắng, nhưng luôn rộn vang tiếng đánh vần, đếm số và những tiếng cười nói của các em nhỏ. Đó là lớp học của anh Phùng Văn Trường (sinh năm 1979), một thầy giáo khuyết tật mới chỉ học hết lớp 8. Dù chưa một ngày được đào tạo nghiệp vụ sư phạm và phải cầm bút viết chữ bằng miệng nhưng anh vẫn được mọi người gọi bằng “thầy giáo” với cả một tấm lòng tôn trọng và kính mến. 

Ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn cũ kỹ, người đàn ông có khuôn mặt tuấn tú, thân hình to cao điềm đạm kể cho tôi nghe về câu chuyện cuộc đời mình. Anh Trường là con cả trong gia đình nghèo 5 anh em, nhưng có mỗi anh không may mắn chậm phát triển, tay chân không thể hoạt động bình thường. Bố mẹ anh vốn thuần nông, dù gắng sức làm lụng, chắt bóp từng đồng cũng chỉ đủ nuôi các con ăn học, muốn chạy chữa cho đứa con thơ tội nghiệp cũng đành “lực bất tòng tâm”.

img

Lớp học của anh Trường đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều học sinh trong suốt nhiều năm qua.

Dù tật nguyền cả tay và chân nhưng khi đôi tay vẫn có thể cầm bút, cậu bé Trường vẫn luôn khát khao được đến trường học chữ. Suốt những năm tháng tiểu học, con đường đi học của anh gắn liền với tấm lưng của cha mẹ và sự dìu dắt của thầy cô. Lên cấp 2, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè anh có thể tự chống nạng đến trường. Dù sức khoẻ yếu nhưng cậu bé khuyết tật chưa từng nản chí, nhiều hôm mưa gió đến lớp, người ướt sũng nhưng vẫn cố gắng cầm bút để viết chữ. Danh hiệu học sinh giỏi trong suốt thời gian đi học là kết quả xứng đáng cho sự kiên trì bền bỉ và những nỗ lực không ngừng nghỉ của cậu bé khiếm khuyết năm nào. Nhưng, số phận nghiệt ngã khi đến năm lên lớp 8 tay chân anh gần như mất hết cảm giác, không thể chống nạng đi lại và tay chẳng cầm nổi quản bút.

img

Anh Trường chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật

Xa trường, xa lớp nhưng chàng trai hiếu học vẫn không chịu đầu hàng số phận và từ bỏ giấc mơ của mình. Anh hay nghe đài, ti vi để học hỏi những kiến thức xã hội. Anh trang bị phông văn hoá – xã hội khá dồi dào, vậy nên dù cơ thể khiếm khuyết nhưng nhận thức, trí tuệ anh vô cùng nhanh nhạy, minh mẫn. Một lần xem tivi, anh biết đến tấm gương của thầy Nguyễn Ngọc Ký, ý chí thôi thúc anh phải quyết tâm tập viết chữ bằng miệng. Anh Trường chia sẻ: “Người thường viết chữ bằng tay, thầy Ký viết chữ bằng chân, chân tay tôi có đủ nhưng không sử dụng được nên phải tập viết bằng miệng”. 

img

Anh luôn kiên trì luyện tập viết chữ bằng miệng dù đôi khi môi chảy máu.

Nghĩ là làm, anh Trường ngày đêm miệt mài luyện viết. Sau một thời gian “vật lộn” với con chữ anh đã biết cách đặt bút chéo trong miệng, vì có điểm tựa là răng hàm nên chiếc bút được giữ chặt. Anh ví von răng cửa của anh giống như ngón tay kẹp chặt lấy bút, còn cổ thì như cổ tay để điều khiển bút đi ngang, đi dọc trên trang giấy. Không phụ sự nỗ lực của anh, chưa đầy 1 năm sau chữ viết của anh ngày càng đẹp khiến nhiều người phải trầm trồ không tin nổi những dòng chữ ấy lai được viết nên bằng miệng.

img

Bằng sự quyết tâm của mình, giờ anh có thể viết chữ thành thạo bằng miệng.

Mang con chữ, mang yêu thương về nơi “rốn lũ”

Từ ngày có con chữ, anh trông và dạy học cho đứa cháu 6 tuổi, con cô em gái. Hàng xóm xung quanh thấy thầy Trường chỉ dạy bài bản nên cũng mang con, mang cháu đến gửi nhờ trông nom dạy dỗ mỗi khi bận việc. Cứ thế căn nhà nhỏ trở thành lớp học lúc nào không hay. Tiếng lành đồn xa, người dân trong thôn Nhân Lý, rồi các thôn khác cũng dần biết đến, lớp học lúc đầu chỉ 3-4 người đã tăng dần lên đến 15-16 người. 

img

Anh được các em nhỏ rất yêu quý và kính trọng.

Do kinh tế khó khăn nên lớp học khi đó chỉ gồm những bộ bàn ghế đơn sơ, ánh điện mờ ảo nhưng học sinh vẫn đến rất động, phụ huynh đặt trọn niềm tin vào người thầy giáo tật nguyền. Kiến thức học đến lớp 8 của anh không nhiều, chỉ có thể dạy đọc, viết, làm toán đơn giản cho trẻ em cấp bậc tiểu học. Nhưng, cái quý nhất trong lớp học chính là anh luôn truyền lại cho học sinh của mình được ý chí vượt lên hoàn cảnh, rèn luyện sự quyết tâm để thành tài.

img

Anh luôn coi việc dạy học giống như một cơ duyên của mình.

Suốt 3 năm liền dạy học, thầy giáo làng Phùng Văn Trường không lấy một đồng tiền công. Chỉ đến khi các phụ huynh học sinh dúi vào tận tay, bảo là chút chi phí trả tiền điện tiền nước, tiển mua sữa cho con, thầy Trường mới nhận 50-100 nghìn đồng/học sinh/tháng. Còn đối với những học sinh nghèo, anh không thu bất cứ một khoản phí nào. Người thầy khuyết tật coi việc dạy học không chỉ mang niềm vui mà còn giúp anh cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn mỗi ngày.
img

Anh cho biết bàn tay mình dù cầm tiền còn không chắc nhưng anh vẫn cố gắng tự di chuyển bằng xe lăn.

  Anh Trường tự nhận thấy mình may mắn vì ông trời đã se duyên cho một người vợ yêu thương và quan tâm mình chân thành, thật lòng. Đứa con trai ra đời là kết tinh bé bỏng giúp 2 vợ chồng có thêm động lực để cố gắng. “Tôi như cây dây leo, vợ con tôi như cái giàn, nếu không có giàn thì dây leo mãi mãi chỉ bò ở đất. Vì thế nếu không có vợ con làm động lực tinh thần chưa chắc tôi đủ mạnh mẽ để vượt qua sóng gió cuộc đời. Tôi cảm thấy bản thân mình vô cùng may mắn khi có người vợ thương yêu giúp tôi vượt lên trong cuộc sống”, anh Trường xúc động nói.

img

Những giấy khen “Người tốt, việc tốt” treo kín nhà là minh chứng cho sự đóng góp của anh đối với cộng đồng.

 Giờ đây sức khoẻ anh ngày một yếu, từ trên giường xuống xe lăn cũng khó khăn nên phải có người hỗ trợ. Dù vậy, người thầy vẫn miệt mài dạy học từ sáng đến tối, không nghỉ buổi nào. Anh vui vẻ nói: “Chỉ cần còn ngồi được, tôi còn muốn dạy cho các em nhỏ”.

Vừa dạy học vừa trông con hộ mọi người, thầy Trường nghĩ các cháu cần phải có thêm sách để bồi bổ và giải trí những lúc rảnh rỗi. Năm 2014, khi chương trình "Điều ước thứ bảy” lên sóng anh Trường bày tỏ ước mong có được tủ sách để cho các trẻ em nghèo đọc miễn phí. Mơ ước được thực hiện, từ khi có tủ sách, anh giữ gìn cẩn thận để lũ nhỏ có sách đọc sau giờ học hoặc mượn về nhà, thư viện Hallo World (Xin chào Thế giới) nhờ thế mà ra đời.

P.L-T.P

img