Nếu cán bộ công chức nào cũng cảm thấy "buồn và sốc" vì phát biểu của ĐBQH Dương Trung Quốc "người tài chỉ cần đánh máy giỏi để tránh ảnh hưởng đến thủ trưởng" thì đó là điều đáng mừng.
Nhân tài không phải là một khái niệm trừu tượng đến mức không định nghĩa được trong luật. Và nhân tài trong đội ngũ cán bộ công chức không cần phải là những người có IQ cao 3 chữ số, có trí thông minh kiệt xuất hay tư duy bất phàm.
Chỉ cần... họ không đánh máy nhầm con số nợ thuế có dấu hiệu trốn thuế của công ty Cổ phần Tập đoàn Asazo từ chưa đầy 14 tỷ lên thành 4.200 tỷ đồng. Để rồi, khi doanh nghiệp đã phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, lùm xùm, khủng hoảng thời gian qua trở thành "tội đồ" của ngân sách với số tiền trốn thuế khủng chưa từng có.
Điệp khúc "lỗi đánh máy" để nguỵ biện cho sự cẩu thả của cán bộ công chức không phải người dân mới nghe một lần. Và hình như, tôi chưa từng nghe lời xin lỗi nào của một nhân viên đánh máy hay một thủ trưởng ký vào văn bản phạm lỗi ngớ ngẩn như vậy.
Chỉ cần... họ không để lọt "vài giây thôi" có khung hình đường lưỡi bò trong quá trình kiểm duyệt phim ra rạp. Để rồi, khi một bộ phim được cấp phép, công chiếu trên toàn lãnh thổ thì hình ảnh nhạy cảm nhất liên quan đến chủ quyền quốc gia được phát sóng gây phẫn nộ dư luận.
Bi hài hơn, trong khi đơn vị phát hành phim ra thông cáo báo chí, "nghiêm túc nhận khuyết điểm do sơ suất trong quá trình phát hành phim, nhận thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng" và gửi lời xin lỗi sâu sắc đến khán giả Việt Nam thì bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – một thành viên của Hội đồng kiểm duyệt thừa nhận sai sót của mình nhưng lại cho rằng: "Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên".
Trước đó, hội đồng kiểm duyệt phim Điệp vụ Biển Đỏ cũng đã bỏ lọt hình ảnh chiến hạm Trung Quốc vây một tàu nước ngoài và liên tục phát loa yêu cầu tàu rời khởi vùng biển mà họ cho là "South China Sea" ở 2 phút ngắn ngủi cuối phim. Vụ "lọt lưới" đã khiến dư luận bất ngờ, nhưng Cục Điện ảnh sau đó lên tiếng khẳng định cả hội đồng duyệt phim lẫn cục đều làm đúng quy trình, tuy nhiên vẫn xin "rút kinh nghiệm".
Điều tương đồng là, sau cả hai vụ, chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm cá nhân hay xin lỗi vì sai lầm của họ.
Lẽ đương nhiên, những cán bộ công chức trong ba ví dụ ở trên, cả người đánh máy công văn của cục thuế hay thành viên hội đồng kiểm duyệt phim đều được trả lương xứng đáng để làm tròn trách nhiệm, hoàn thành công việc của họ.
Không cần là một người xuất chúng, chỉ cần đủ sự cẩn thận để gõ đúng, đủ một công văn theo mẫu có sẵn.
Không cần là một người có con mắt siêu phàm, bà Hồng Ngát chỉ cần đủ sự nhạy cảm cần thiết để loại bỏ được những hình ảnh nhạy cảm liên quan đến chủ quyền quốc gia, đủ trách nhiệm để làm "người gác cửa" mẫn cán.
Định nghĩa nhân tài trong bộ máy công chức, như Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc ví von, chỉ cần "đánh máy giỏi để khỏi ảnh hưởng đến Thủ trưởng thôi". Phát ngôn của ông, như bao lần khác vẫn trở thành đề tài nóng hổi trong dư luận, thậm chí khiến đại biểu Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc viện Tim Hà Nội cảm thấy "buồn và sốc" vì động chạm đến lòng tự ái của một công chức Nhà nước.
Tuy nhiên, hiểu rộng ra, đó là vấn đề gây nhức nhối hiện nay. Nếu cán bộ công chức nào cũng cảm thấy "buồn và sốc" như ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn thì đó lại là điều đáng mừng.
Chỉ tiếc, thực tế cho thấy, những "lỗi đánh máy" vẫn nhan nhản, những vụ để lọt "vài giây thôi" vẫn trở thành tâm điểm gây bức xúc dư luận.
Và những cán bộ không có tài vẫn yên tâm bám lấy chiếc ghế công chức, không có liêm sỉ mà dám lên tiếng xin lỗi, đừng mong họ viết đơn xin từ chức vì khuyết điểm của mình.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả