img

Cán bộ y tế băng rừng, vượt núi điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm

Anh Ngọc

Vượt qua những khó khăn về địa hình, về nhận thức dịch bệnh, các nhân viên y tế luôn có mặt tại điểm nóng Covid-19 để điều tra, truy vết và nỗ lực xét nghiệm cho người dân.

Dẫm đá sắc, vượt suối sâu vào bản xét nghiệm

Bản Chằm Puông thuộc xã Lượng Minh, là một trong những bản thuộc diện khó khăn nhất của huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Bản Chằm Puông có 190 hộ, 978 nhân khẩu, 100% người dân sinh sống ở đây là đồng bào Khơ mú.

img

Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, huyện Tương Dương cho biết, từ trung tâm xã Lượng Minh đến bản Chằm Puông phải đi qua chừng 15km đồi núi quanh co; còn từ xã Lượng Minh đến trung tâm huyện Tương Dương cũng chừng 20km.

“Điều đáng nói, tại nơi đây có tới 114 hộ nghèo, 62 hộ cận nghèo. Đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hầu hết người trẻ đi rẫy hoặc làm ăn xa, trong bản chỉ còn lại trẻ em và người già”, ông Phúc nói.

img

Vào ngày 13/7, bản Chằm Puông phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên là 3 người trong một gia đình khi đến khám, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tương Dương. Thế nhưng, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, số ca nhiễm đã tăng lên 21 ca, tương đương với 5% dân số.

Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở bản Chằm Puông, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương đã chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, truy vết các F và lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân bản Chằm Puông.

Bác sĩ Trần Văn Công - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cho hay, ở thời điểm dịch bùng phát, bản Chằm Puông có 784 người có mặt trên địa bàn, còn 40 người làm nương rẫy trên núi xa.

“Tất cả người dân có mặt, ngành y tế đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Số còn lại đi làm trên nương rẫy, ngành y tế và cơ quan chức năng phải lặn lội băng rừng, vượt suối lên rẫy tiếp cận điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm test nhanh cho những người này”, bác sĩ Công nói.

img

Tham gia lấy mẫu có lực lượng Trung tâm Y tế huyện Tương Dương 20 người, Trung tâm Y tế huyên Kỳ Sơn 10 người và có sự tăng cường của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh 6 người. Các lực lượng được chia làm 6 tổ, gồm 3 tổ xét nghiệm và 3 tổ truy vết tiến hành tác nghiệp nhanh.

Thậm chí, để nhanh chóng lấy mẫu cho toàn bộ người dân, các nhân viên y tế đã phải làm việc xuyên đêm. Mọi người không quản ngại khó khăn lội suối sâu để vào bản với quyết tâm khống chế dịch.

img

Kể thêm về những khó khăn, ông Phạm Đình Du – Phó giám đốc CDC Nghệ An trực tiếp chỉ đạo công tác truy vết, lẫy mẫu ở các bản vùng cao khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên cho biết, cái khó tiếp theo là nhận thức người dân hạn chế, phong tục tập quán còn lạc hậu.

“Điều kiện kinh tế rất khó khăn cũng ảnh ảnh hưởng rất lớn đến công tác chống dịch trên này. Có những trường hợp con cái họ còn không nhớ thì việc điều tra lịch sử tiếp xúc của họ cũng rất khó khăn. Vì vậy, các nhân viên y tế phải vô cùng nhẫn nại để điều tra, truy vết các trường hợp F”, ông Du nói.

Kích hoạt phương châm “4 tại chỗ”

Ông Phan Đức Sơn - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, để hoạt động phòng, chống dịch có hiệu quả nhất, toàn huyện Tương Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15; thiết lập khu cách ly y tế bản Chằm Puông để phòng chống dịch.

img

Đồng thời huyện Tương Dương kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm 4 tại chỗ, duy trì hoạt động có hiệu quả tổ truy vết (do Công an làm tổ trưởng), tổ lấy mẫu, tổ Covid cộng đồng; đưa khu cách ly tập trung vào vận hành, đáp ứng cách ly các trường hợp F1; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch và tránh tình trạng người dân quá bi quan, lo lắng...

Chủ tịch huyện Tương Dương cho biết, sống xa trung tâm, đời sống khó khăn, còn nhiều tập tục lạc hậu nên nhận thức của người dân nơi đây về phòng, chống dịch còn nhiều hạn chế. Điều rất đặc biệt, người dân Chằm Puông đa phần nói tiếng Khơ Mú nên khả năng nói tiếng phổ thông hạn chế. Đó là thực tế đầy khó khăn trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.

“Trong những ngày qua, song song với việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, huyện Tương Dương đã dùng xe chuyên dụng để tuyên truyền, vận động cũng như thông báo cho người dân bằng tiếng dân tộc Khơ Mú giúp bà con dễ hiểu, tiếp nhận thông tin nhanh và chính xác hơn”, ông Sơn nói.

img

Chính nhờ thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ mà đến thời điểm này huyện Tương Dương đã kịp thời ngăn chặn dịch lây lan rộng. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, địa phương này cơ bản đã xác định được nguồn lây của ổ dịch Chằm Puông.

Nguồn thứ 1 là trường hợp ngoại lai trở về địa phương. Cụ thể là 1 trường hợp từ TP. Móng Cái trở về từ ngày 19/6. Trường hợp này, cơ quan chức năng đã làm rất tốt công tác truy vết, khoanh vùng.

Nguồn thứ 2 sẽ là những đối tượng có liên quan đến vấn nạn ma túy ở trong bản. Nguồn lây này sẽ rất khó trong công tác truy vết, khoanh vùng vì các đối tượng này ẩn mình, trốn tránh các cơ quan chức năng.

img

Vì vậy, ở thời điểm này, huyện Tương Dương sẽ tiếp tục siết chặt quản lý khu cách ly y tế bản Chằm Puông với phương châm “Nhà cách ly với nhà, người cách ly với người, bản cách ly với bản”; vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời thực hiện việc cung cấp đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu phong tỏa và khu cách ly.

Hiện trong 2 ngày qua ở bản Chằm Puông không ghi nhận ca dương tính mới. Còn 23 trường hợp dương tính đã công bố trước đó đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1. Ngoài ra, 3 khu cách ly trên địa bàn huyện đã đưa vào hoạt động tiếp nhận tổng cộng 230 công dân liên quan đến Covid-19.

Bài 3: Những chiến sĩ y tế "căng mình" chạy đua thời gian xét nghiệm Covid-19

A.N

img