PV: Thưa Đại biểu, ông nhìn nhận như thế nào trước việc các băng nhóm giang hồ bị triệt phá trong thời gian gần đây, điển hình như vụ Đường “Nhuệ”, Loan “cá”?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá nhiều vụ, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến các băng nhóm tội phạm bảo kê, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê...
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương nổi cộm băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, điển hình như vụ Loan “cá” ở Đồng Nai, vụ Đường “Nhuệ” ở Thái Bình. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, để trấn áp, truy bắt những đối tượng ngang nhiên như thế.
Đường Nhuệ lộng hành nhiều năm ở Thái Bình.
PV: Ông nghĩ sao về những lời giải thích kiểu như “khi người dân có đơn tố giác tội phạm, công an đã vào cuộc xác minh nhưng không đủ căn cứ để xử lý” hoặc “cơ quan công an không phát hiện ra hoạt động vi phạm của những băng nhóm giang hồ”? Trong khi dư luận lại cho rằng, sự “lộng hành” của những băng nhóm đó diễn ra ngang nhiên, người dân ai cũng biết. Ông cho rằng, lời giải thích của công an hoặc chính quyền địa phương như ở trên có hợp lý không?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Nếu cơ quan hoặc cá nhân nào, đặc biệt là cơ quan công an mà giải thích như vậy thì tôi cho rằng đó là thể hiện một tinh thần vô trách nhiệm đối với người dân!
Về tin tố giác tội phạm, nếu như trong nghề công an, phải biết những việc cần làm. Người dân chỉ cần thông báo như vậy thì công an phải xác minh, điều tra xem có hay không. Nếu nói không có dấu hiệu sai phạm, vậy tại sao sau đó lại bắt giữ? Phải chăng bên trong có “vấn đề” gì mà lại giải thích như vậy, khiến dư luận càng thêm bức xúc.
PV: Với các băng nhóm như Đường “Nhuệ”, Loan “cá”... đã lộng hành trong thời gian dài mà không bị xử lý hoặc xử lý chưa triệt để. Theo Đại biểu, chính quyền và công an địa phương phải chịu trách nhiệm như thế nào?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tôi phân tích ví dụ như vụ Loan “cá” ở Đồng Nai, việc băng nhóm này thu tiền của người dân “buôn thúng bán bưng” ở chợ từ 1 – 1,5 triệu đồng/tháng ngang nhiên trong thời gian dài. Vậy thì ban Quản lý chợ ở đâu, chính quyền phường ở đâu, rồi lực lượng công an phường ở đâu mà để băng nhóm này hăm dọa, thu “phế” trái pháp luật đối với các hộ kinh doanh như thế? Trong khi đó, người dân thì “thấp cổ bé họng”, không dám tố cáo vì sợ bị trả thù. Bởi tâm lý muốn yên thân, yên phận làm ăn nên họ đành chấp nhận đóng tiền “bảo kê” cho băng nhóm của Loan “cá”.
Dư luận đặt câu hỏi “chính quyền địa phương có biết hay không”? Tôi cho rằng là biết! Không có lý gì khi sự việc ngang nhiên, người dân đều biết mà chính quyền lại không biết? Nếu chính quyền nhạy bén, lực lượng công an làm tốt nghiệp vụ, có tinh thần phục vụ nhân dân thì chỉ cần vài ba ngày nghe thoáng qua thông tin từ dư luận là đã phải xuống hiện trường xác minh, kiểm tra, thanh tra xem thực hư thế nào. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì cũng sẽ kịp thời phát hiện, từ đó có phương án giải quyết hoặc báo cáo lên cấp trên để triển khai trấn áp.
Bà trùm Loan "cá".
Tôi cho rằng, ở vụ Loan “cá”, ít nhất là có sự lơ là, không làm hết trách nhiệm hoặc nghiêm trọng hơn thì có sự “bảo kê” từ một số cán bộ của cơ quan chức năng, chính quyền sở tại.
Công an tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục đấu tranh, xử lý sai phạm, cần thanh tra, kiểm tra xem tại sao vụ Loan “cá” lại diễn ra lâu như thế? Lực lượng nào “đỡ đầu” mà cho đến bây giờ mới bị triệt phá? Cần làm rõ xem trước đây công an sở tại hoặc chính quyền địa phương có nhận được đơn tố giác tội phạm hay chưa? Nếu đã nhận đơn thì tại sao không giải quyết... Phải quy trách nhiệm rõ ràng.
Thậm chí, kể cả công an địa phương chưa nhận được đơn tố giác tội phạm thì bằng các biện pháp nghiệp vụ của ngành, anh phải có trách nhiệm nắm tình hình địa bàn, phát hiện những dấu hiệu tiêu cực, mất an ninh trật tự...
Trở lại vụ Đường “Nhuệ”, cách đây hơn 5 năm, khi có đơn tố giác nhóm của Đường “đánh người trong trụ sở Công an phường Trần Lãm” thì Công an TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên, sau 6 tháng, vụ án bị tạm đình chỉ điều tra bởi lý do “chưa xác định được bị can và hết thời hạn điều tra”… Điều đáng nói ở chỗ, mãi đến năm 2020, khi Đường “Nhuệ” và một số “đàn em” bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ trong vụ án khác thì “lập tức” Công an TP.Thái Bình mới ra quyết định phục hồi điều tra vụ án “đánh người trong trụ sở công an” và chỉ vài ngày sau thì đã “có kết quả”, khởi tố đối tượng Nguyễn Xuân Đường. Hoạt động điều tra như vậy liệu có “bình thường” không?
ĐBQH Phạm Văn Hòa.
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Không thể có lý do nào mà sự việc đóng cửa đánh người “rõ như ban ngày” diễn ra ngay tại trụ sở công an, vậy mà suốt 6 tháng trời điều tra không ra, phải tạm đình chỉ vụ án! Thế thì tại sao tận 5 năm sau, khi Đường “Nhuệ” bị Công an tỉnh bắt thì Công an TP lại chỉ điều tra có mấy ngày đã ra kết quả? Điều này không “bình thường”!
Ở đây có trách nhiệm của Thủ trưởng và Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Công an TP.Thái Bình. Bên cạnh đó, viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát hoạt động điều tra, khi cơ quan công an tạm đình chỉ điều tra vụ án thì phải được phê chuẩn của viện kiểm sát.
Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Công an TP.Thái Bình và VKSND TP.Thái Bình, trả lời về việc có tiêu cực hay không, có hành vi bao che cho vợ chồng Đường - Dương hay không? Đồng thời, đối với băng nhóm “xã hội đen” Đường “Nhuệ” cần làm rõ tất cả những hành vi sai phạm trước đây của các đối tượng, xử lý nghiêm để răn đe chung.
Theo ông, qua những vụ án như Loan “cá”, Đường “Nhuệ”... từng gây bức xúc cho dư luận và đến bây giờ mới bị triệt phá thì có là bài học cảnh tỉnh cho công an các địa phương trên cả nước về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm? Có cần rà soát lại trên địa bàn mình những băng nhóm tội phạm có tổ chức, lộng hành để xử lý?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đây đúng là bài học kinh nghiệm chung cho cả nước trong công tác đảm bảo trật tự xã hội! Cần làm rõ trách nhiệm những người quản lý ở địa phương, để làm gương cho những nơi khác, để mỗi cán bộ chiến sĩ công an thể hiện hết tinh thần trách nhiệm với dân, nếu phát hiện vấn đề ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì phải giải quyết ngay, truy bắt những đối tượng manh động, vi phạm pháp luật.
Nếu cơ quan pháp luật làm việc với các đối tượng, trong quá trình điều tra, làm rõ có việc bảo kê, bao che thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cán bộ “thoái hóa, biến chất”. Dù bất cứ người đó là ai, xử lý không có vùng cấm.
Trân trọng cảm ơn Đại biểu về những trao đổi rất thẳng thắn!
Phải răn đe, trấn áp ngay khi các băng nhóm giang hồ manh nha
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Điều tra viên cao cấp trong lực lượng công an cho rằng: “Một trong các nguyên nhân khiến cho băng nhóm giang hồ lộng hành tại một số địa phương, đó là công tác đấu tranh, phòng ngừa, trấn áp tội phạm của những địa phương này rất yếu kém.Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng.
Một số địa phương vừa rồi như Đắk Lắk, Đồng Nai, Thái Bình… khi thay lãnh đạo lực lượng chức năng thì tình hình đã có chuyển biến tích cực”. Vị cán bộ nguyên là điều tra viên cao cấp nhìn nhận: “Để giải quyết tình trạng băng nhóm giang hồ lộng hành, các cơ quan chức năng phải làm hết trách nhiệm, làm tốt công tác phòng ngừa, răn đe, trừng trị.
Không phải cứ chờ các băng nhóm gây ra những vụ nổi tiếng, ầm ĩ, bức xúc dư luận thì mới xử lý mà bất kể hành vi nào của các đối tượng, dù lớn, dù nhỏ đều phải xử lý ngay, xử lý triệt để. Kể cả chưa đến mức xử lý hình sự thì phải phạt hành chính. Còn đã đến mức hình sự thì phải xử lý hình sự. Phải có đủ các mức độ từ phòng ngừa, răn đe, đến trấn áp. Như thế thì các đối tượng sẽ không có cơ hội để nhen nhóm, thành lập các ổ nhóm tội phạm, không có cơ hội để gây ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn vụ trước”.
“Nếu như các lực lượng chức năng ở địa phương không đủ khả năng xử lý hoặc đã bị tội phạm “vô hiệu hóa” thì cơ quan cấp trên phải vào cuộc triệt phá. Ví dụ cấp huyện không làm được thì cấp tỉnh phải vào cuộc. Tỉnh không làm được thì cục Cảnh sát Hình sự sẽ vào cuộc”, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh.
N.H