PV: Thưa Tiến sĩ, ông bình luận như thế nào về khâu biên soạn và thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều?
TS. Giáp Văn Dương: Nguyên nhân có “sạn” trong sách giáo khoa đến từ sự chủ quan hoặc trình độ của các tác giả và hội đồng thẩm định. Bên cạnh đó, việc biên soạn sách giáo khoa đang thiếu một tổng công trình sư đủ tầm vóc về đạo đức và trí tuệ dẫn dắt, thiếu một triết lý giáo dục tường minh và thuyết phục làm định hướng và thiếu một bộ giá trị cốt lõi làm khung tham chiếu.
Thêm nữa, việc biên soạn sách giáo khoa quá gấp gáp, đến mức tôi có cảm giác là các tác giả bị “ốp” tiến độ liên tục để sách kịp ra cho năm học mới, nhưng thực tế sách ra vẫn bị trễ, làm cho các trường bị động rất nhiều cho việc chọn sách.
Làm sách gấp gáp như vậy dẫn đến không có thời gian dạy thử ở quy mô đủ rộng để rút kinh nghiệm. Các giáo viên cũng không được đào tạo đến nơi đến chốn khi chuyển sang sử dụng một bộ sách mới. Chưa kể, một số bộ sách không kịp làm sách giáo viên, hoặc sách giáo viên có chất lượng rất thấp, gây khó khăn cho việc giảng dạy thực tế.
PV: Quan điểm của ông thế nào trước một số ý kiến cho rằng có sự “tù mù”, “tạo khoảng tối” khi giữ bí mật nội dung sách giáo khoa đến phút chót?
TS. Giáp Văn Dương: Giữ bí mật nội dung sách là không tốt. Nếu bản thảo được công bố để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của giới chuyên gia và những người đang trực tiếp giảng dạy, sau đó cho dạy thử để rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh bản thảo thì sẽ không để xảy ra những sai sót như vừa rồi.
Thật là một quan điểm sai lầm nếu nhà xuất bản cho rằng các bộ sách giáo khoa sẽ cạnh tranh trực tiếp với nhau để bảo mật nội dung. Vì chỉ cần bộ GD&ĐT quy định một ngày cụ thể để tất cả các bộ sách đều phải công bố bản thảo và lấy ý kiến rộng rãi, thì vẫn sẽ đảm bảo công bằng và chất lượng của sách khi đưa vào sử dụng.
PV: Được biết, trường tiểu học Times School không lựa chọn bộ sách Cánh Diều. Xin ông cho biết lý do?
TS. Giáp Văn Dương: Chúng tôi chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” vì thấy nội dung và tinh thần của cuốn sách không xung đột với triết lý giáo dục, bộ giá trị cốt lõi và phương pháp giáo dục chủ đạo của chúng tôi. Nhưng quan trọng hơn, trong quá trình lựa chọn, chúng tôi có bộ tiêu chí riêng của mình, nên sẽ chọn bộ sách phù hợp nhất với bộ tiêu chí đó.
Khi đã chọn được bộ sách phù hợp rồi, thì tất nhiên, các bộ sách khác sẽ chỉ là tài liệu tham khảo, chứ không được đưa vào sử dụng như sách giáo khoa chính thức của nhà trường.
PV: Theo ông, để không có thêm bộ sách Cánh Diều “gây bão” thứ hai cho các năm học tiếp theo thì cần có những thay đổi thế nào?
TS. Giáp Văn Dương: Để bộ sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 sắp tới không còn sai sót, như tôi đã nói ở trên, thì cần phải chọn được một tổng công trình sư đủ tầm vóc để chỉ huy việc biên soạn sách giáo khoa và một tổng chủ biên tốt cho mỗi bộ sách. Chính người tổng công trình sư này sẽ chỉ đạo việc tổ chức biên soạn và thẩm định sách cần theo một quy trình khoa học và chặt chẽ hơn. Trong đó, bắt buộc phải có sự tham gia góp ý rộng rãi của giới chuyên môn ngay từ khâu bản thảo và sách phải được dạy thử trên một quy mô đủ lớn để lấy phản hồi của giáo viên cũng như học sinh trước khi đưa vào sử dụng đại trà.
Ngoài ra, việc biên soạn sách phải theo một tiến độ hợp lý, tránh tình trạng các tác giả luôn bị ốp tiến độ và “ngập lụt”, làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sách giáo khoa, sách giáo viên và sách bài tập đi kèm.
PV: Xin cảm ơn ông!
C.M