img

Cẩn thận “mất tiền oan” vì bảo hiểm ô tô, xe máy giá rẻ

Nguyễn Lâm

Trước thông tin lực lượng CSGT trên toàn quốc đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý các phương tiện không cần lỗi ban đầu từ ngày 15/5 – 14/6, không ít chủ phương tiện đã cuống cuồng đi tìm mua bảo hiểm xe máy, ô tô cho các phương tiện của mình. Và đây là điều kiện thuận lợi để các điểm bán bảo hiểm ô tô, xe máy “rởm” mọc lên như nấm sau mưa.

Người dân “rồng rắn” đi mua bảo hiểm xe máy, ô tô

Cùng với đăng kí xe, GPLX, giấy tờ tuỳ thân và chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường (đối với ô tô), bảo hiểm xe là một trong những loại giấy tờ mà người điều khiển xe cơ giới phải mang theo khi tham gia giao thông tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC ra ngày 16/02/2016.

Có mặt tại một điểm bán bảo hiểm xe máy trên đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), phóng viên được biết nếu trước đây, có những ngày chỉ bán được 1 hoặc 2 chiếc bảo hiểm xe máy thì trong buổi sáng hôm nay người phụ nữ này đã bán được hơn 10 chiếc bảo hiểm.

Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật, anh Nguyễn Quỳnh Chinh (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) cho biết: “Do đặc thù công việc, tôi thường chọn những điểm bán bảo hiểm xe máy ở ven đường cho thuận tiện. Cách nhận biết các điểm bán này rất đơn giản với những tấm biển quảng cáo bảo hiểm xe máy, ô tô chỉ từ 20.000 đồng.

img

Qua tìm hiểu, tôi biết có 2 loại bảo hiểm xe máy gồm đó bảo hiểm bắt buộc có giá bán từ 50.000 – 70.000 đồng, loại bảo hiểm thứ 2 là bảo hiểm tự nguyện chỉ có giá 20.000 đồng. Thực sự, tôi cũng không biết rõ tác dụng của các loại bảo hiểm trên nhưng do pháp luật đã quy định tài xế phải có bảo hiểm bắt buộc khi tham gia giao thông, nên tôi chỉ chọn mua loại bảo hiểm bắt buộc cho xe máy của mình”.

Cùng trao đổi với phóng viên về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Vân – Nhân viên bán bảo hiểm thuộc Công ty Bảo hiểm PVI Thăng Long cho biết, doanh số bán bảo hiểm trong vài ngày gần đây của chị tăng lên rõ rệt.

Chị Vân cho biết: “Hiện nay, tôi có bán 2 loại bảo hiểm là bảo hiểm bắt buộc có giá 50.000 đồng/xe/năm và bảo hiểm tự nguyện 10.000 đồng/người/năm. Thông thường, khách hàng chỉ chọn mua loại bảo hiểm nào càng rẻ càng tốt chứ không quan tâm đến ý nghĩa của từng loại bảo hiểm. Do đó, mỗi khi có khách hỏi thì nhân viên lại phải tư vấn thêm để phù hợp với nhu cầu của hành khách”.

Khi phóng viên ngỏ ý hỏi, tại sao trên thị trường hiện nay đang có 2 mức giá bán bảo hiểm bắt buộc cho xe máy khác nhau là 50.000 đồng và 70.000 đồng, phải chăng đây là 2 loại bảo hiểm khác nhau hay đều là một. Chị Vân cho biết, thực chất, 2 loại bảo hiểm có giá 50.000 và 70.000 kia đề là một loại bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy. Có sự chênh lệch trên sở dĩ là do người bán hàng chủ động nâng giá để ăn hoa hồng, còn chị Vân chỉ cần bán đủ doanh số mà công ty quy định nên chỉ lấy giá gốc là 50.000 đồng.

Có bảo hiểm, tài xế vẫn bị xử phạt

Trả lời phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật về vấn đề này, Đại úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó đội CSGT số 7 (phòng CSGT - CATP Hà Nội) cho biết: “Theo Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm xe máy có 2 loại là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.

Bảo hiểm xe máy bắt buộc thuộc loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba. Đây là một trong những giấy tờ mà người điều khiển phương tiện bắt buộc phải mang theo khi tham gia giao thông. Còn bảo hiểm có giá 20.000 đồng/năm được rao bán ở ven đường thực chất chỉ là bảo hiểm tự nguyện, tài xế không bắt buộc phải có loại bảo hiểm này”.

Do đó, khi người dân bị lực lượng CSGT kiểm tra giấy tờ thì chỉ cần xuất trình bảo hiểm xe máy bắt buộc. Loại bảo hiểm tự nguyện giá rất rẻ nhưng lực lượng CSGT sẽ không chấp nhận, nên chủ phương tiện dù mua vẫn bị xử phạt.

img

Thực tế, nhiều trường hợp tào xế khi được kiểm tra chỉ xuất trình được loại bảo hiểm tự nguyện. Đối với những trường hợp này, lực lượng CSGT sẽ xem xét từng trường hợp để có quyết định xử lý cụ thể.

“Đối với trường hợp giấy bảo hiểm xe máy tự nguyện được mua ở khoảng thời gia trước ngày tổng kiểm soát, nếu tài xế chưa biết thì sẽ được CSGT nhắc nhở, yêu cầu bổ sung trong lần đầu vi phạm. Còn đối với những trường hợp mua sau ngày lực lượng CSGT tiến hành tổng kiểm soát, cố tình mua để chống đối thì lực lượng chức năng kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, Đại úy Nguyễn Minh Đức nói.

Để tránh tình trạng người dân bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa bán bảo hiểm xe máykhông phù hợp, Đại uý Nguyễn Minh Đức khuyến cáo, thay vì mua bảo hiểm xe máy giá rẻ ở vỉa hè, người dân nên chủ động tìm đến các đại lý phân phối hoặc các văn phòng của công ty bảo hiểm có uy tín.

“Hiện nay, có nhiều công ty bảo hiểm bán gói bảo hiểm bắt buộc dành cho ô tô, xe máy, người dân có thể tham khảo trên website của các công ty này đễ biết được những điểm bán hàng đủợc cấp phép. Một lựa chọn khác dễ dàng hơn là ngủời dân có thể đến những cây xăng uy tín để đăng ký mua bảo hiểm bắt buộc” Đại úy Đức cho biết thêm.

Có thể phạt tiền tới 600.000 đồng

Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn Phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, mức phạt với ô tô, xe máy không có bảo hiểm bắt buộc được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Cụ thể, tại Điều 21 về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới nêu rõ, Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (trước đây phạt 80.000 - 120.000 đồng).

Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng.

N.L

img