Theo báo cáo của viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (bộ Tài nguyên và Môi trường) từ cuối năm 2007 đến 10/2019, trên địa bàn huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn xuất hiện 148 "hố tử thần". Trước tình hình trên, bộ TN&MT phối hợp với tỉnh Bắc Kạn tiến hành đề án khẩn cấp để tìm nguyên nhân.
Mới đây nhất, điểm sụt lún gần nhất xảy ra ngày 5/10/2019 tại ruộng lúa nhà ông Nông Văn Chung (thuộc bản Ỏm, xã Ngọc Phái) có đường kính 3,5m, sâu 3,5m. Hố sụt lớn nhất xảy ra ngày 26/11/2018 tại nhà bà Bàn Thị Thục (thôn Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng) trên diện tích ao cá gần 3.000 m2.
Ngày 26/5, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - cho biết, sau hai năm nghiên cứu nhóm đã xác định bốn nguyên nhân dẫn tới việc "hố tử thần" xuất hiện liên tục ở huyện Chợ Đồn.
”Hố tử thần” xuất hiện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Trong đó, 3 nguyên nhân tự nhiên gồm: Cấu trúc địa chất của khu vực rất phức tạp với sự có mặt của nhiều loại đất đá bị phân cắt mạnh bởi các hệ thống đứt gãy; hệ thống karst ngầm phát triển mạnh với nhiều tầng hang karst khác nhau, tỷ lệ karst trung bình lên tới 15%; tầng đất phủ có thành phần là hỗn hợp sét pha, bột, cát gắn kết yếu, dễ bị rửa trôi xuống hệ thống hang karst ngầm bên dưới.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng sụt lún đất do việc hạ thấp mực nước ngầm của tầng chứa nước karst bởi quá trình bơm hút nước trong vùng. Kết luận này dựa trên kết quả khảo sát, tham khảo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học khác trên thế giới cũng như trên phân tích mô hình số.
Cụ thể, viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã khoan bốn lỗ và lắp đặt kết cấu giếng tại ba vị trí, đồng thời tiến hành quan trắc 685 lần từ tháng 5/2019 đến tháng 11/2019. Kết quả quan trắc cho thấy mực nước trong tầng cuội sỏi luôn dao động, trong 58 ngày quan trắc liên tục tại hai giếng thuộc cánh đồng Nà Bưa chỉ có 1-3 ngày mực nước không thay đổi.
"Hiện tượng sụt lún đất mang tính tự nhiên sẽ diễn ra theo tần suất giảm dần để đạt trạng thái cân bằng vốn dĩ của tự nhiên. Sụt lún đất do tác động của con người thì có xu hướng, tần suất và mức độ ngày càng gia tăng, phạm vi ngày càng mở rộng", ông Khánh nói và cảnh báo nếu tỉnh Bắc Kạn không có phương án hạn chế khai thác nước ngầm, hiện tượng sụt lún sẽ sớm quay trở lại.
Trước kết quả này, trao đổi với PV tạp chí Đưa Tin Pháp luật, ông Triệu Huy Chung- Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn - cho biết, sau khi nhận được kết quả nghiên cứu trên sát với thực tế xảy ra tại địa phương. Trên khu vực nghiên cứu có hai đơn vị hút nước ngầm, trên địa bàn huyện có nhiều đơn vị khai thác khoáng sản, địa phương đã có biện pháp quyết liệt.
"Chúng tôi đã cho dừng khai thác nước ngầm để tìm phương án khác. Về các đơn vị khai thác khoáng sản, huyện Chợ Đồn đang nghiên cứu phương án thuê đơn vị quan trắc từ đó xác định khu vực có thể khai thác nước ngầm mà không gây ra hiện tượng sụt lún, - ông Chung cho hay.
Không chỉ riêng Bắc Kạn, ở nước ta rất nhiều tỉnh thành khác cũng xuất hiện “hố tử thần” nhưng ít hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do địa hình nước ta là địa hình đá vôi, sụt lún là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản dưới lòng đất là nguyên nhân chính ảnh hưởng nghiêm trọng đến “hố tử thần” xuất hiện ngày càng nhiều.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, Thạc sĩ Nguyễn Duy Dũng- Phó giám đốc trung tâm kỹ thuật và công nghệ tài nguyên nước nhận định, từ những nguyên nhân nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản công bố mới thấy được hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đối với thiên nhiên. Không những thế khi “hố tử thần” xuất hiện nó còn gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng của người dân sống quanh khu vực đó.
“Cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục tránh tình trạng “mẹ thiên nhiên” nổi giận thì hậu quả thật đáng tiếc”- Ths. Dũng cho hay.
Việc khai thác tài nguyên khoáng sản là nguyên nhân chính dẫn đến “hố tử thần” xuất hiện ngày càng nhiều. Ảnh: minh họa
Ngoài ra, về giải pháp, theo ông Dũng, vì mỗi địa hình ở mỗi tỉnh khác nhau, nên trước khi có giải pháp thì cần tìm nguyên nhân rõ ràng. Đối với tình hình “hố tử thần” xuất hiện ở tỉnh Bắc Kạn, các cơ quan chức năng cần quản lý việc khai thác sử dụng việc tháo khuôm nước ở tầng dưới, khảo sát chi tiết địa lý thuật để ngăn cách tầng trên rút nước xuống tầng dưới kéo theo vật liệu bỏ rời.
“Tôi thấy nhiều địa phương sử dụng đá hộc trên mặc xuống là không hợp lý, vì đổ đá hộc chỉ được một thời gian sau đó nó sẽ sụt trở lại như bình thường. Như vậy sẽ không giải quyết căn nguyên”- ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, TS. Đặng Thanh Hải – Phó viện trưởng Viện vật lý địa cầu cũng cho biết, trước hết các cơ quan chức năng cần tìm nguyên nhân cụ thể, sau đó mời chuyên gia chuyên ngành đánh giá và tìm giải pháp tránh nguy hiểm cho người dân.
“Chúng tôi chủ yếu nghiên cứu “hố tử thần” chủ yếu ở Chương Mỹ, Mỹ Đức (Hà Nội), thì giải pháp chúng tôi đề xuất với sở TN&MT Hà Nội là tách hai đầm chứa nước, hệ thống không rút nước thì tầng trên và tầng dưới sẽ không chuyển động, không xảy ra hiện tượng sụt lún”- Ths. Nguyễn Duy Dũng.
L.L