Ngày 6/10, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận 5, TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam đối với Nguyễn Tiến Đạt, SN 1999, ngụ tỉnh An Giang, sinh viên 1 trường đại học ở TP.HCM để điều tra về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Trước đó, tối 6/9, trinh sát đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận 5 phát hiện Nguyễn Tiến Đạt điều khiển xe máy trên lưu thông trên đường Hùng Vương (phường 9, quận 5) có biểu hiện nghi vấn nên thực hiện lệnh kiểm tra.
Tại đây, cảnh sát phát hiện trong túi áo khoác của Đạt có 1 gói giấy bọc bên ngoài ghi dòng chữ Crispy Fruit Mango, bên trong có thêm 1 gói nilon cũng ghi dòng chữ Crispy Fruit Mango chứa chất bột màu vàng. Nghi ngờ đây là 1 loại ma túy, lực lượng tuần tra liền thu giữ tang vật và đưa đối tượng Đạt về trụ sở công an làm việc.
Ma túy nước xoài được Công an phát hiện.
Kết quả giám định gói Crispy Fruit Mango, phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM ghi nhận, số chất bột màu vàng thu giữ có trọng lượng hơn 17,6 gram, được xác định là ma túy ở thể rắn thuộc loại Bromazepam.
Đạt khai nhận, ngày 5/9, Đạt sang huyện Nhà Bè (TP.HCM) gặp người tên T. (chưa xác định được lai lịch) quen biết trước đó thông qua các mối quan hệ xã hội. Tại đây, Đạt nhận 4 gói Crispy Fruit Mango từ T.. Sau đó, Đạt mang về giao cho khách của T. 3 gói. Riêng gói còn lại, Đạt đưa về chỗ ở cất giấu.
Đêm 6/9, theo yêu cầu của T., Đạt lấy xe máy tiếp tục đi giao gói Crispy Fruit Mango còn lại, với giá 2 triệu đồng cho 1 khách nữ đang ở trong khách sạn ở phường 9, quận 5. Tuy nhiên, khi chưa kịp giao hàng thì Đạt bị lực lượng tuần tra công an kiểm tra, bắt giữ.
Đấu tranh khai thác, Đạt khai thêm, ngoài việc giao Crispy Fruit Mango, đối tượng còn được T. thuê đi giao bóng cười với mức phí từ 100 đến 200 nghìn đồng.
Cơ quan công an xác định, gói bột màu vàng Crispy Fruit Mango được phát hiện trên người Đạt thuộc loại Bromazepam, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “xoài trái cây giòn”, 1 dạng bột trái cây đã được sấy khô. Khi sử dụng, có thể đem pha tan vào nước, uống sẽ có cảm giác “lâng lâng”. Do đó, có thể gọi đây là ma túy “nước xoài”.
Phân tích kỹ hơn, mỗi gói ma túy nước xoài có chứa Bromazepam, 1 chất nằm trong danh mục cấm tại mục III, Nghị định 73/2018/NĐ-CP, quy định về danh mục chất ma túy và tiền chất.
Bromazepam trong ma túy nước xoài được ngụy trang tinh vi như một dạng nước giải khát mới, việc này trước đó chưa từng được phát hiện tại Việt Nam. Với cách ngụy trang này, ma túy được lưu hành và xâm nhập vào xã hội dễ dàng. Người dùng chỉ việc hòa tan vào nước rồi sử dụng.
Chất bột ma túy bên trong gói “Crispy Fruit Mango” bị Công an quận 5 thu giữ.
Theo các tài liệu y học, chất Bromazepam thuộc nhóm thuốc hướng thần benzodiazepin, có tác dụng an thần, gây ngủ, chống co giật, làm giãn cơ do tác động thần kinh trung ương; được dùng trong y học để điều trị bệnh, đặc biệt là chuyên khoa thần kinh, tâm thần.
Ngoài việc được sử dụng để điều trị trạng thái lo lắng hoặc hoảng sợ, bromazepam có thể được sử dụng như một loại thuốc tiền mê trước khi tiểu phẫu. Bromazepam thường có liều lượng là viên nén 3 mg và 6 mg.
Như vậy, trong y khoa, Bromazepam được sử dụng với thành phần liều lượng nhất định, được bác sĩ kê đơn theo chỉ định và thuốc được quản lý, không được lưu hành tự do trên thị trường. Ngoài tác dụng chữa bệnh, các chứa Bromazepam còn gây ra các tác hại cho thần kinh như: gây ra trạng thái nói huyên thuyên, lo sợ vô cớ (ảo giác), tăng nhịp tim, quên, bồn chồn, dễ bị kích thích, phát sinh cảm xúc không bình thường dẫn đến hành vi không kiềm chế và kiểm soát được.
Việc sử dụng Bromazepam thời gian dài hoặc quá liều lượng, người dùng có thể bị các triệu chứng kể trên kèm mất ngủ, sợ hãi, rối loạn giọng nói, cơ thể yếu ớt, dễ chóng mặt, choáng váng. Nguy hiểm hơn, nếu dùng quá liều, người dùng có thể sẽ bị nghiện thuốc. Dùng liều cao trong một thời gian dài, khi ngừng dùng đột ngột sẽ gây ra các trạng thái bối rối, lo âu, trầm cảm, hoảng loạn, hoang tưởng, đau cơ, co cơ, co giật, tình trạng mê sảng.
Nếu Bromazepam được kết hợp với thuốc phiện hoặc nhóm opioid sẽ làm tăng mức độ nguy hiểm có thể gây mê, gây ngủ. Tổ chức nghiên cứu WOOD (1992) đã thông báo về sự gây nghiện của loại thuốc loại này.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, công tác tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, biệt dược có chứa Bromazepam phải tuân thủ thành phần và liều lượng chỉ định. Mỗi gói ma túy nước xoài cơ quan công an vừa phát hiện có trọng lượng 17,6 gr/bịch, nếu so với 3 đến 6mg mỗi viên thuốc thì nó gấp hàng trăm lần. Do đó, nếu dùng nguyên 1 gói/lần có thể gây nguy hiểm cho tính mạng con người.
Từ trước đến nay, cơ quan chức năng đã từng phát hiện nhiều loại ma túy được ngụy trang dưới dạng này hay dạng khác nhắm đến giới trẻ nhất là học sinh, sinh viên. Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây nhiều loại ma túy như: Tem giấy, cỏ Mỹ, Shisha, bóng cười… được giới học đường sử dụng và chơi theo kiểu “hot trend” (xu hướng). Khi ma túy nước xoài được phát hiện, cơ quan công an cũng tiến hành rà soát, kiểm tra trên thị trường có tồn tại, lưu hành loại ma túy này hay chưa.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cảnh báo đến giới trẻ, đặc biệt là các bậc phụ huynh: “Điều quan trọng là ý thức của các em. Tuy nhiên, do độ tuổi và hiệu ứng đám đông đôi khi là “phong trào”, sự rủ rê nên các em khó kiềm chế, kiểm soát được bản thân. Do đó, ngoài việc giáo dực của nhà trường, phụ huynh cần quan tâm, nắm rõ được sinh hoạt của các em. Nếu thấy các em sử dụng hoặc nghi ngờ sử dụng loại ma túy mới này, hãy liên hệ cơ quan công an trình báo để có hướng xử lý phù hợp”, 1 cán bộ viện Khoa học hình sự, bộ Công an phía Nam nhận định.
Ma túy nước xoài được ngụy trang tinh vi.
Những loại ma túy được phát hiện trong những năm gần đây là ma túy tổng hợp, tác hại cực kỳ ghê gớm. Cục Phòng chống tệ nạn xã hội – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy có những nghiên cứu và đưa ra những cảnh báo đến phụ huynh, nhà trường, học sinh về các vấn đề liên quan đến ma túy như: thực trạng, nhận thức của học sinh, sinh viên, nguyên nhân và giải pháp…
“Các sở Giáo dục và Đào tạo, ban Giám hiệu các trường cần quan tâm, tạo điều kiển, tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy cho giáo viên, học sinh thường xuyên để nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy cho bản thân, người thân trong gia đình và cộng đồng. Việc nhận biết nhanh người sử dụng ma túy, làm gì khi phát hiện hoặc nghi ngờ người sử dụng ma túy cũng cần được tập huấn, trang bị kỹ năng”, PGS, TS Trương Văn Vỹ, giảng viên khoa Tâm lý tội phạm trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (đại học Quốc gia TP.HCM) nêu quan điểm.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Nguyễn Minh Cảnh, đoàn Luật sư TP.HCM nhận định, loại ma tuý lạ này bị phát hiện trong quá trình mua bán nên hành vi của bị can đã phạm tội Mua bán trái phép chất ma tuý, tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo thông tin của báo chí thì bị can Nguyễn Tiến Đạt mua bán với số lượng dưới 20 gam, chưa thể hiện là phạm tội có tổ chức, lại phạm tội lần đầu nên có thể bị truy tố và xét xử theo khoản 1 Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 và chịu hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.
HV.