img

Cặp đôi vàng trong làng thể thao người khuyết tật và những tấm huy chương lịch sử

PHƯƠNG LY  

Chị bị teo chân phải, anh bị teo chân trái, hai mảnh ghép cơ thể khiếm khuyết nhưng được khoả lấp bởi trái tim lành lặn và chân thành. Bằng tình yêu và nghị lực sống mãnh liệt, Cao Ngọc Hùng (SN 1990) và Nguyễn Thị Hải (SN 1985) - cặp đôi “nức tiếng” trong làng thể thao người khuyết tật đã xuất sắc mang về nhiều huy chương danh giá cho Việt Nam trên các đấu trường quốc tế.

Những tấm huy chương vàng “vang danh thiên hạ”

Nhắc đến điền kinh người khuyết tật Việt Nam, chắc chắn không thể quên cái tên Cao Ngọc Hùng với cú ném lao để đời ở Thế vận hội Paralympic 2016 (Thế vận hội thể thao dành cho người khuyết tật – PV). Anh là vận động viên đầu tiên mang huy chương về cho Việt Nam trên đấu trường Paralympic và xuất sắc đoạt tấm vé tham dự Paralympic Tokyo 2020. Với những thành tích “vang danh thiên hạ” trên các giải đấu quốc tế, anh vinh dự được bầu chọn là vận động viên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc 2019.

img

Cao Ngọc Hùng là vận động viên đầu tiên trong lịch sử điền kinh người khuyết tật Việt Nam đoạt huy chương ở đấu trường Paralympic.

Trong suốt 17 gắn bó với thể thao, tài năng của Cao Ngọc Hùng được khẳng định bằng hàng loạt huy chương Vàng mà anh mang về ở nhiều giải đấu trong đó có các giải tại ASEAN Paragames qua năm 2005, 2007, 2009, 2013,…

Anh Hùng và chị Hải đều sinh ra tại mảnh đất miền Trung nghèo khó, anh ở Quảng Bình còn chị ở Nghệ An. Cũng giống như nhiều vận động viên thể thao người khuyết tật khác, cặp đôi Cao Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải đều có chung một số phận kém may mắn, cơn sốt bại liệt từ khi còn tấm bé đã mãi mãi cướp đi đôi chân lành lặn của họ.

img

Anh Hùng và chị Hải mang về nhiều huy chương cho thể thao người khuyết tật Việt Nam

 Mang trong mình hoài bão của tuổi trẻ, anh Hùng và chị Hải rời mảnh đất miền Trung đến trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình (TP.HCM) để luyện tập. Đây không chỉ là nơi “ươm mầm” cho tài năng của hai vận động viên trẻ, mà còn là nơi giúp họ tìm thấy nhau, cùng nhau viết nên câu chuyện tình đẹp giữa bộn bề khó khăn, thử thách.

Không kém cạnh chồng, vận động viên Nguyễn Thị Hải cũng mang về nhiều thành tích cao cho thể thao người khuyết tật. Tại giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2005, chị giành 2 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và được tuyển thẳng vào đội tuyển Quốc gia. Ấn tượng hơn ở ASEAN Para Games 2005, cô gái miền Trung lập hat-trick Vàng ở ném lao, đẩy tạ và ném đĩa.

img

Một trong số những huy chương danh giá mà cặp vợ chồng đạt được trong các kì thi đấu.

Đặc biệt, tại ASEAN Para Games 2014, Nguyễn Thị Hải đạt thông số 24,88 ở nội dung ném đĩa, vượt qua cả kỷ lục thế giới. Với 15 huy chương Vàng SEA Games qua các thời kỳ và các giải vô địch ở châu Á, Nguyễn Thị Hải là một trong những vận động viên khuyết tật tại Việt Nam có thành tích xuất sắc nhất.

Thể thao ươm mầm hạnh phúc

Sân chơi thể thao không chỉ là “điểm tựa” vững chắc giúp các vận động viên khuyết tật có cơ hội chinh phục giấc mơ, đem về vinh quang cho đất nước mà còn là “nhịp cầu” giao duyên giúp anh Hùng và chị Hải nên vợ nên chồng.

Gặp nhau tại trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình, hai anh chị là đồng đội của nhau trong đội điền kinh, cùng nội dung, cùng hạng thương tật, cùng đi thi đấu và sau là… về cùng một nhà.

img

Năm 2014, anh Hùng và chị Hải chính thức về chung một nhà.

Chia sẻ về những ngày tháng chinh phục trái tim vợ, anh Hùng hào hứng kể: “Khi ấy, bà xã tôi là một người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang và được rất nhiều người theo đuổi. Trong thời gian quen nhau, tôi ngỏ ý mấy lần nhưng Hải liên tục từ chối vì chê tôi “con nít”. Tuy năm lần bảy lượt tỏ tình đều thất bại, tôi vẫn không từ bỏ, vẫn ân cần quan tâm chân thành. Sau bao lần “dỗ ngon dỗ ngọt”, Hải mới chịu gật đầu và chúng tôi chính thức thành một đôi”.  

Tình yêu của họ được vun đắp trên cơ sở tình bạn và sau 2 năm yêu nhau họ đã về chung một nhà. Trải qua 6 mùa xuân bên nhau, niềm hạnh phúc nhất mà họ có được là hai đứa con khỏe đẹp, lành lặn.

img

Cặp vợ chồng này được biết đến với tên gọi "cặp đôi vàng trong làng Paragames".

Nhưng ít ai biết rằng đằng sau thành tích “khủng” đó, cặp vợ chồng vận động viên khuyết tật vẫn phải từng ngày vật lộn với kế mưu sinh để lo cho mái ấm của mình. Chia sẻ về những khó khăn hiện tại, anh Hùng cho biết: “Trong mùa dịch Covid-19, gia đình tôi gặp phải vô vàn khó khăn vì các giải đấu đều bị hoãn lại. Cũng vì dịch bệnh nên Thế vận hội Paralympic Tokyo 2020 phải tạm lùi đến tháng 8 năm 2021.

img

Gia đình hạnh phúc của cặp vợ chồng vận động viên khuyết tật.

 Hiện tại, anh Hùng đang trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho Thế vận hội Paralympic Tokyo. Dù nỗi lo “cơm áo gạo tiền” vẫn đè gánh trên vai, song cặp đôi khuyết tật chưa một lần từ chối cơ hội khi được khoác áo đội tuyển Quốc gia. Họ vẫn chung một tinh thần lạc quan, hướng về những vinh quang sẽ mang lại cho Tổ quốc ở chặng đường phía trước.

Để mang về những tấm huy chương vàng cho làng thể thao người khuyết tật, Cao Ngọc Hùng đã phải trải qua thời gian khổ luyện với cường độ luyện tập căng thẳng. Chia sẻ về những ngày tháng “nằm gai nếm mật”, anh Hùng cho biết: “Lần đầu tiên tôi vinh dự được góp mặt trong giải đấu quốc tế Paralympic 2012 (tổ chức tại London) với ba bộ môn sở trường là ném đĩa, ném lao, đẩy tạ. Nhưng không may trước đó gần 1 tháng, tôi bị chấn thương tay phải ở cấp độ nặng. Khi đến bệnh viện khám và chụp chiếu, bác sĩ cho biết, nếu tôi vẫn tiếp tục tập luyện và thi đấu thì nguy cơ liệt tay rất cao. Nhưng, tôi không cam chịu thất bại, dù cơn đau buốt đến tận óc, tôi vẫn đề nghị bác sĩ băng bó, siết tay thật chặt để bước vào thi đấu”. Tuy kết quả không được như mong đợi vì tuột mất chiếc huy chương Đồng trong giải đấu quốc tế, nhưng bằng những nỗ lực phi thường, anh đã xuất sắc chiến thắng chính mình và trở thành niềm tự hào cho đội tuyển thi đấu của Việt Nam năm đó.

P.L

img