Cắt mác Trung Quốc và lợi dụng lòng yêu nước để kiếm tiền

Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật. Một cái đầm thay mác Trung Quốc bằng mác Việt Nam thì nó vẫn cứ là cái đầm Trung Quốc.

img
img

Cắt mác cũ, dập mác mới là mẹo kinh doanh đơn giản mà bất cứ shop thời trang nhỏ, shop thời trang online nào chuyên đánh hàng từ Trung Quốc đều ít nhiều từng sử dụng.

Về cơ bản, người tiêu dùng bình dân Việt Nam thường rất chuộng thời trang phải thương hiệu nọ kia, cỡ D&G, Gucci, hay nhỏ hơn thì tầm Zara, H&M. Mặc cái áo lên người, phải cố thò cái mác ra cho người ngoài nhìn vào biết là mình mặc hàng hiệu.

Nhưng ai cũng biết rằng, làm gì có chiếc áo nào mang các thương hiệu trên có vài trăm nghìn đồng.

Chủ shop thì cứ bảo là hàng gia công, hàng xuất dư, hàng tuồn nên có giá rẻ, nhưng người trong nghề thừa biết đều là hàng nhái. Còn mác thì thích mác thương hiệu nào cũng có thể làm được hết.

Chỉ cần thêm dòng chữ tây vào, khách mua sẵn sàng rút ví trả tiền cho một cái áo xấu còn hơn là lấy bộ cánh đẹp nhưng tiếng tàu xì xồ.

Nhưng đó là câu chuyện của các thương gia làm ăn nhỏ, của những vị khách sành điệu tầm cỡ bình dân – những người hiểu rõ nguồn hàng đến từ đâu và sẵn sàng lập lờ để khoác lên mình bộ trang phục lấy le được với cơ số bạn bè.

Còn đối với những công ty lớn, thương hiệu lớn, nơi khách hàng mang đến niềm tin tuyệt đối để thỏa mãn nhu cầu thời trang – bất chấp giá cả - lại là một câu chuyện khác.

Không giống đồ công nghệ hay những mặt hàng tinh xảo khác trên thị trường, các sản phẩm thời trang từ quần áo, giày dép, mũ, khăn… có ranh giới “real” và “fake” khá mong manh, bởi tính chất dễ làm giả, rẻ tiền và đại chúng.

Trong câu chuyện nhãn hàng quốc nội đình đám S.A bị tố cắt mác Trung Quốc cũ trên quần áo để dập mác Việt Nam bị chỉ trích vài ngày qua, có nhiều câu chuyện để bàn.

Điều đầu tiên chúng ta cần phải tự hào đó là người tiêu dùng trong nước ngày nay rất ưa chuộng sản phẩm Việt Nam.

Chúng ta sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng – một số tiền thừa sức để mua đồ của các hãng thời trang tên tuổi khác - để mua quần áo của S.A chỉ vì nó được định danh là hàng Việt.

Ngược lại, nếu số quần áo đó là một thương hiệu, nguồn gốc từ Trung Quốc và được S.A nhập về, nó sẽ mốc meo ở một góc nào đó nếu không giảm giá kịch sàn xuống tầm cỡ trăm nghìn.

Từ bao giờ một mặt hàng nước ngoài lại phải đội lốt một thương hiệu Việt để có được doanh số bán hàng cao như vậy? Đó là một câu chuyện đáng mừng nhưng cũng thật đáng buồn, khi có kẻ lợi dụng niềm tin để trục lợi.

Hiểu rõ nhu cầu “người Việt dùng hàng Việt” và tâm lý không thích đồ Trung Quốc, S.A đã lồng ghép hai yếu tố này để tạo nên chiêu bài kinh doanh siêu lợi nhuận, xứng đáng có trong sách giáo khoa khởi nghiệp của Đại học Havard.

Với nguồn hàng Trung Quốc giá rẻ có sẵn, S.A chơi trò cắt mác, phù phép nó trở thành sản phẩm của chính mình, mang thương hiệu “con rồng cháu tiên”.

Không biết bao nhiêu thành viên “kim cương” của nhãn hàng này đã sở hữu cho mình cả tủ quần áo giá trăm triệu với đủ bộ sưu tập các mùa, từ năm này qua năm khác mà không biết rằng chúng vốn được khai sinh từ mảnh đất xa xôi cách thủ đô Hà Nội đến vài nghìn km mà chẳng có chút “gen Việt” thuần chủng nào.

Trong lời giải thích của mình, doanh nghiệp này càng khiến người tiêu dùng tù mù hơn khi không thể minh bạch rõ ràng đâu là sản phẩm tự sản xuất trong nước, đâu là sản phẩm đặt từ Trung Quốc.

Sản xuất trong nước vì sao không có cơ sở may mặc riêng? Hay quy trình từ sản xuất đến đưa ra thị trường có cơ chế nào kiểm soát được việc cắt mác Trung Quốc để trộn lẫn vào sản phẩm của Việt Nam hay không?

Có thể công chúng sắp được chứng kiến một scandal Khải Silk thứ hai, trong trường hợp cơ quan quản lý thị trường kết luận rằng S.A có hành vi gian dối.

Thương trường là chiến trường. Mỗi doanh nghiệp đều hiểu rằng, để cạnh tranh trong kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận, họ có thể làm mọi thứ. Nhưng lợi dụng tâm lý ủng hộ hàng Việt của người tiêu dùng để kiếm tiền cũng không khác gì lợi dụng lòng yêu nước để chuộc lợi.

Hành động này cần phải lên án và đối tượng chủ đích lừa dối cần phải bị trừng trị thích đáng.

Với tâm lý người Việt dùng hàng Việt lên cao trong nhiều năm trở lại đây, các công ty trong nước cần đẩy mạnh sản xuất dựa trên nguồn lực “thuần Việt” cũng như nâng tầm sản phẩm của mình với chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp khách hàng ngày càng khó tính - thay vì chơi chiêu trò hèn hạ theo kiểu lấy đồ rởm đóng thành đồ xịn để kiếm lời.

Đó là kiểu làm ăn tủn mủn, bần nông, sớm làm giàu cho cá nhân nhưng lại kéo tụt sự phát triển của nền sản xuất, ngành hàng thời trang, cũng như bản sắc thương hiệu của cả một quốc gia.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img