img

Câu chuyện đẫm nước mắt của nam sinh 12 năm học sinh giỏi vẫn “lỡ” tốt nghiệp

KHÁNH NGỌC

Với kết quả học tập 12 năm học sinh giỏi, Lê Hoàng Nhật vẫn không thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ vì căn bệnh ung thư máu. Đối diện với ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh, em chỉ ước được một lần bước vào phòng thi và đánh dấu quãng đời học sinh bằng tấm bằng tốt nghiệp.

12 năm học sinh giỏi vẫn không lấy được bằng tốt nghiệp

img

Mặc dù, 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và miệt mài đèn sách nhưng đến nay em Lê Hoàng Nhật, SN 2001, học sinh lớp 12A1, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk vẫn không lấy được tấm bằng tốt nghiệp.

Sự việc bắt nguồn từ tháng 5/2019. Sau khi tổng kết năm lớp 12, Nhật và các bạn trong lớp tổ chức đi dã ngoại tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngay trong đêm đi dã ngoại, bất ngờ Nhật lên cơn sốt. Sáng hôm sau, sau khi các bạn đưa về nhà, Nhật được gia đình đưa lên bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk để thăm khám. Các bác sĩ cho biết, em bị thiếu máu trầm trọng.

Sau đó, em Nhật được chuyển tuyến xuống bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM. Tại đây, em được chẩn đoán mắc phải căn bệnh ung thư máu. Điều này khiến Nhật và cả gia đình không khỏi bị sốc và suy sụp tinh thần.

Trò chuyện với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Hồng Quân, SN 1968, bố của Nhật cho biết, Nhật là con thứ 2 của vợ chồng ông. Từ nhỏ, Nhật rất ham học và đạt danh hiệu học sinh giỏi 12 năm liền. Đáng nói, năm lớp 11, Nhật đoạt giải nhất cuộc thi Olympia của trường. Với khả năng học tập của mình, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nhật nhen nhóm trong đầu ước mơ, sau này sẽ làm một kỹ sư tin học. Để đạt được điều đó, Nhật dự định nộp hồ sơ xét tuyển vào trường đại học Công nghệ Thông tin, đại học Quốc gia TP.HCM sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp. Thế nhưng, biến cố đã xảy ra.

img

Ông Quân nghẹn ngào khi chứng kiến sự sống của con trai ngày càng mong manh nhưng vẫn chưa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp.

“Được các bác sĩ thông báo về tình trạng bệnh của Nhật, cả gia đình choáng váng. Đáng nói, lúc này cũng chỉ còn hơn 1 tháng là diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019. Do đó, gia đình không ngừng động viên con và làm thủ tục, đưa Nhật vào bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM để điều trị với mong muốn con sẽ khỏe lại và tham dự kỳ thi”, ông Quân kể lại.

Tuy nhiên, khoảng 1 tuần trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu, Nhật được chỉ định phải vô thuốc hóa trị nên không đảm bảo sức khỏe đi thi. Chính vì vậy, gia đình ông Quân đã xin giấy chứng nhận của bệnh viện và làm các thủ tục gửi cho lãnh đạo trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đề nghị xin xét đặc cách tốt nghiệp cho con trai mình. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi. “Sau khi xem xét hồ sơ trường gửi lên, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk trả lời, Nhật không đủ điều kiện để xét đặc cách tốt nghiệp vì thời gian bị bệnh quá 10 ngày so với quy chế của bộ Giáo dục và Đào tạo. Lúc đó, cả gia đình vô cùng hụt hẫng nhưng vẫn tìm cách động viên Nhật cố gắng vượt qua bệnh tật và đợi cơ hội khác”, ông Quân đưa tay lau nước mắt nói.

Dang dở uớc mơ vào phòng thi

Đối diện với căn bệnh hiểm nghèo, phải điều trị lâu dài nhưng Nhật không nản lòng, nhụt chí trước khó khăn, bệnh tật. Theo đó, Nhật âm thầm chịu đựng tất cả nỗi đau thể xác mà bệnh ung thư máu hành hạ để bố mẹ, người thân bớt đi phần lo lắng. Đồng thời, mỗi lúc cơn đau thuyên giảm, Nhật lại cặm cụi trong mớ sách vở và hạ quyết tâm tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2020 cho bằng được.

img

Nhật cho biết, em ước được vào phòng thi một lần để đánh dấu tuổi học trò bằng tấm bằng tốt nghiệp THPT trong tay.

Thấy con quyết tâm học hành, gia đình ông Quân chạy vạy vay mượn tiền khắp nơi. Thậm chí, bán toàn bộ diện tích đất rẫy của gia đình để có kinh phí điều trị cho Nhật. “Cho đến nay, việc điều trị cho Nhật đã hết khoảng hơn 600 triệu đồng. Kinh phí cạn kiệt, tài sản trong nhà không còn gì đáng giá. Do đó, gia đình đang định bán luôn căn nhà duy nhất để có kinh phí điều trị đợt mới cho Nhật. Làm tất cả những điều đó, chúng tôi chỉ hy vọng cháu có thể mang lại cho mình kỳ tích chiến thắng bệnh tật và viết tiếp ước mơ học tập”, ông Quân giãi bày.

img

Giấy báo dự thi của Nhật trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Khi có thông tin đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Nhật đã nhờ người thân làm thủ tục, hồ sơ đăng ký dự thi tại điểm thi THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk), với số báo danh 40010915. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra với em Nhật không mấy dễ dàng. Chỉ sau 2-3 tuần đăng ký dự thi, bệnh ung thư máu của Nhật lại trở nặng. Sau đó, Nhật được gia đình đưa vào bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM khám, truyền máu nhiều lần. Đến nay, Nhật vẫn đang nhập viện, điều trị tại bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và một lần nữa bỏ lỡ kỳ thi tốt nghiệp THPT trong nuối tiếc.

Cố lấy lại chút sức lực yếu ớt của mình, Nhật nói trong nghẹn ngào: “Sau 12 năm cố gắng học tập, em luôn tự tin mình đủ sức để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thế nhưng, cứ đến kỳ thi tốt nghiệp lại ngã bệnh không thể tham dự. Những suy nghĩ đó khiến em dằn vặt và tủi thân lắm. Bởi trong khi các bạn cùng khóa đã kết thúc 1 năm học đại học, cao đẳng, thì em không biết sống được đến ngày nào... Cho đến bây giờ, em vẫn ước được vào phòng thi một lần để đánh dấu tuổi học trò bằng tấm bằng tốt nghiệp THPT trên tay”.

Cầm đôi tay ngày càng teo tóp của con trai, ông Quân nói: “Trước đây, Nhật khỏe mạnh lắm, lúc nào cũng giữ mức hơn 50kg nhưng đến nay chỉ còn hơn 30kg, cơ thể ngày càng tiều tụy. Dẫu biết con tha thiết được 1 lần thực hiện ước nguyện vào phòng thi nhưng với tình trạng bệnh của cháu hiện nay, gia đình rất mong ngành giáo dục xem xét đặc cách tốt nghiệp cho Nhật để cháu yên tâm điều trị bệnh”.

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Luân, khoa Ung bướu, bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhân Nhật đã nhập viện được khoảng 1 tuần nay, trong tình trạng thiếu máu mãn mức độ nặng trên nền bệnh ung thư máu. Đến nay, sau khi được truyền 4-5 đơn vị máu, tình trạng bệnh nhân tạm ổn nhưng phải điều trị lâu dài và truyền máu liên tục. Tại đây, bệnh viện chỉ điều trị triệu chứng và truyền máu cho bệnh nhân, nếu có tình trạng nhiễm trùng thì sẽ dùng kháng sinh để điều trị. Sau này, phải tiến hành hóa trị, ghép tủy cho bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến trên. Kinh phí để điều trị có thể lên đến hàng tỷ đồng.

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, Nhật là học sinh giỏi 3 năm liên tiếp khi đang là học sinh của trường. Năm 2019, Trường có hướng dẫn phụ huynh làm các thủ tục để làm hồ sơ đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp nhưng sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh trả lời, Nhật không đủ điều kiện do nhập viện điều trị bệnh quá 10 ngày trước khi thi tốt nghiệp so với quy chế chế bộ Giáo dục Đào tạo. Năm 2020, Nhật nhờ gia đình làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT nhưng không ngờ bệnh lại trở nặng và không thể dự thi. “Nhà trường và các thầy cô dù rất thương nhưng cũng đành phải chịu, không thể làm gì được", ông Tùng chia sẻ.

img

Biết con tha thiết được một lần thực hiện ước nguyện vào phòng thi nhưng gia đình ông Quân mong ngành giáo dục xem xét đặc cách tốt nghiệp cho Nhật để cháu yên tâm điều trị bệnh.

Liên quan đến trường hợp nói trên, ông Nguyễn Hoàng Chương – Trưởng phòng Khảo thí Kiểm định chất lượng giáo dục, công nghệ thông tin, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho hay, theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT của bộ Giáo dục và Đào tạo, những người thuộc đối tượng đủ điều kiện xét đặc cách tốt nghiệp trong trường hợp bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi và có kết quả học lực năm 12 từ loại khá trở lên. Căn cứ theo quy chế, ông Chương cho biết, em Nhật không đủ điều kiện để xét đặc cách vì bị ốm trước thời gian so với quy chế của Bộ, cũng không nằm trong đối tượng được thi tốt nghiệp đợt 2.

K.N

img