Những ngày gần đây, PV Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật liên tục nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về tình trạng một số cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn TP. Hà Nội và các địa phương khác thông báo chỉ bán số lượng giới hạn, không bán xăng mang về hay thậm chí là hết xăng. Lý do mà các đơn vị này đưa ra là do tình trạng hàng khan hiếm nên các đơn vị không nhập được hàng. Điều đáng nói là theo kế hoạch, ngày 28/5, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ thực hiện điều chỉnh giá xăng theo chu kỳ 15 ngày.
Mới đây, thông tin từ tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, đơn vị đã tiến hành kiểm tra tại cửa hàng hàng xăng dầu số ll, có địa chỉ tại số 95 Vũ Ngọc Phan (quận Đống Đa, Hà Nội). Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp găm hàng, chờ tăng giá.
Trao đổi với PV về vấn đề này, đại diện bộ Công Thương cho biết, theo thông tin phản ánh, những ngày gần đây một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa không bán hàng tại một số địa phương gây ảnh hưởng đến sản xuất tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Cửa hàng hàng xăng dầu số ll, có địa chỉ tại số 95 Vũ Ngọc Phan, quận Đống Đa, TP.Hà Nội bị xử phạt 30 triệu đồng do hành vi găm hàng.
Trước tình hình trên bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu trên cả nước (kiểm soát chặt chẽ chất lượng, số lượng, giá bán xăng dầu kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu); thực hiện các hoạt động kiểm tra chấp hành pháp luật tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu (các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng xăng dầu trong hệ thống phân phối); xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, các hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng và buôn lậu xăng dầu.
“Bộ Công Thương đã chỉ đạo, yêu cầu kiểm tra ngay tất cả các địa điểm được phản ánh có thiếu xăng dầu và xử lý nghiêm những cây xăng có hiện tượng "găm hàng" chờ giá xăng tăng”, đại diện bộ Công Thương khẳng định.
Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, xăng, dầu là hàng hóa thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật Giá 2012, vì thế mà giá xăng, dầu luôn được điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình diễn biến của xã hội.
Luật sư Bình nhận định: “Trong thời điểm đỉnh cao dịch bệnh Covid-19 thì giá xăng đã được điều chỉnh giảm xuống mức kỷ lục sau nhiều năm. Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu tiếp tục tăng trở lại. Chính vì thế mà giá xăng, dầu sẽ có xu hướng được điều chỉnh tăng lên.
Nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng, dầu bắt đầu có nhiều động thái, hành vi găm hàng, hạn chế bán xăng dầu để đợi giá cao trục lợi. Việc các cây xăng, cửa hàng xăng dầu bán xăng hạn chế cho người tiêu dùng là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Luật sư Bình cũng cho rằng xăng dầu là mặt hàng vô cùng cần thiết trong cuộc sống, thế nhưng hiện tại chưa có văn bản nào quy định trong tình trạng nào thì được hạn chế bán xăng dầu hay bán xăng dầu theo định lượng của cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
Đối với các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tiến hành đóng cửa, treo biển hết xăng cần phải tiến hành kiểm tra, nếu có vi phạm cần xử lý nghiêm khắc. Hành vi này có dấu hiệu của việc đầu cơ, găm hàng trục lợi. Hành vi găm hàng (cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng;…) căn cứ Khoản 5, Điều 30 Nghị định 67/2017 thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Không bán hàng, ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định; Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Luật sư Bình nhận định rằng, mức phạt này cũng còn rất nhẹ, không đủ sức răn đe với các hành vi này theo Nghị định. Bởi việc ghim hàng là để nhằm mục đích trục lợi.
“Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng cần phải tiến hành thanh tra, rà soát để xử lý tình trạng này. Nếu có các vi phạm cụ thể thì cần tiến hành xử lý vi phạm ngay theo đúng quy định”, luật sư Bình nói.
Nhận định về hành vi găm hàng chờ tăng giá của một số đơn vị kinh doanh xăng dầu trong thời gian vừa qua, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, đạo đức kinh doanh là một phần không thể thiếu để tạo ra lợi nhuận trong môi trường cạnh tranh, là quy tắc ứng không thể thiếu được với mọi doanh nghiệp cần sự trường tồn và phát triển bền vững. Hành vi của các doanh nghiệp trên đã vi phạm nghiêm trọng về đạo đức kinh doanh, các đơn vị này vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua lợi ích cộng đồng.
Theo chuyên gia kinh tế, TS.Cấn Văn Lực, tình trạng các đơn vị kinh doanh xăng dầu cố tình găm hàng, chờ giá cao không phải là vấn đề mới tại Việt Nam, việc này gây ra tâm lý phản cảm, bức xúc đối với người tiêu dùng. Và lợi nhuận khủng từ kinh doanh xăng dầu chính là nguyên nhân khiến các đơn vị bất chấp đi ngược lại đạo đức kinh doanh, việc này sẽ dẫn đến một hệ lụy rất lớn là làm suy giảm và thậm chí đánh mất lòng tin của người tiêu dùng.
Thực trạng trên là hồi chuông cảnh báo tới công tác quản lý chưa thật sự chặt chẽ của cơ quan chức năng. Để giải quyết tình trạng này, thiết nghĩ cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể cho phép giá xăng dầu thay đổi theo quy luật thị trường.
N.L