Chán ngán với cuộc sống ngột ngạt nơi thành thị, những áp lực, bon chen trong công việc hàng ngày, nhiều bạn trẻ quyết định từ bỏ giấc mơ xa hoa chốn đô thành để chuyển về miền quê bắt đầu cuộc sống mới.
Theo World Economic Forum, sau khi dịch bệnh bùng phát khiến các công ty buộc phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa, số lượng người làm việc ở Tokyo rời khỏi thành phố tăng lên trông thấy. Vào tháng 9 vừa qua, hơn 30.600 người đã chuyển ra khỏi Tokyo, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số người chuyển đến giảm 11,7%, xuống còn 27.000 người. Đây là tháng thứ ba liên tiếp những người chuyển đi đông hơn chuyển đến, trong đó chủ yếu là cư dân trong độ tuổi 20-30.
Từ cuối năm ngoái, Mizuto Yamamoto (31 tuổi) đã đưa vợ và con trai 2 tuổi di chuyển quãng đường 150 km từ thủ đô về vùng núi Hokuto, tỉnh Yamanashi để an cư lạc nghiệp, tránh cảnh nhét mình vào những toa tàu điện ngầm chật cứng hành khách ở Tokyo mỗi buổi sáng.
Mio Nanjo, một đầu bếp bánh ngọt 31 tuổi cũng đang cải tạo ngôi nhà truyền thống thành quán cà phê. Cô dự định mở quán ở thị trấn Matsukawa vào mùa xuân tới. Là bà mẹ đơn thân 3 con, Nanjo quyết định đến sinh sống tại khu vực phía tây nam Tokyo vào mùa hè, ngay sau khi dịch bệnh khiến cửa hàng bánh kẹo nơi cô làm việc đóng cửa.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, người có xuất thân từ vùng quê ở tỉnh Akita coi việc hồi sinh vùng nông thôn của Nhật Bản trở thành một trong những mục tiêu kinh tế quan trọng. Mặc dù tình trạng thiếu việc làm và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ vẫn còn là vấn đề chưa được giải quyết, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp ở quốc gia này đã cố gắng trong nhiều năm để thu hút đông người đến các khu vực nông thôn hơn.
Cũng giống như các quốc gia đang phát triển mạnh mẽ khác, những thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng là nơi tập trung nguồn lực lao động đến từ khắp mọi nơi trên cả nước. Họ đa phần là những người trẻ, tốt nghiệp đại học, ở lại tìm cơ hội mở rộng con đường sự nghiệp, hoặc đôi khi là quen với nhịp sống sôi động, đầy đủ tiện tích nơi thành thị mà không muốn về quê sinh sống.
Thế nhưng ở nơi phồn hoa, khắc nghiệt, đất chật người đông, cơ hội ít, cạnh tranh lớn, không phải ai cũng dễ dàng tìm được thành công cho riêng mình. Có người cố gắng bám trụ lại thành phố để chờ đón phép màu, chờ đợi sự nỗ lực đơm hoa kết trái, nhưng có người chợt nhận ra sự ồn ã, bon chen hóa ra không phù hợp, họ nhớ về sự yên bình và cuộc sống giản dị, thanh thản miền quê mà bao lâu nay bỏ lỡ.
“Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau. Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”, câu rap trong một bài hát quen thuộc đã trở thành “thánh ca” của nhiều bạn trẻ hiện nay. Nhiều bạn trẻ tâm niệm rằng, nếu khó khăn quá, họ sẵn sàng từ bỏ tất cả, không cần cố gắng vì nghĩ rằng vẫn có một phương án làm việc dự phòng ở quê có khi còn nhàn hạ, lại kiếm được nhiều tiền hơn.
Nguyễn Thị Huyền Trang (Trang Tròn), sinh năm 1986, đã từng sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Sau 9 năm làm cho một công ty lớn, cô cùng gia đình mua 5.000m2 đất ở Ninh Thuận, từ bỏ tất cả để trở thành một nông dân thực thụ, tìm đến cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.
Nhưng thực tế là dù ở đâu, từ thành phố đến miền quê, từ công việc kinh doanh vĩ mô cho đến làm ruộng thì cũng đều vất vả, nếu không cố gắng, không nỗ lực, chỉ mệt mỏi một chút đã từ bỏ thì sẽ không thể thành công.
Điều Trang rút ra là "về quê nuôi cá và trồng thêm rau" không đơn giản như nhiều người nghĩ, đó là một chặng đường dài đầy mồ hôi, công sức và tiền của. Nếu như ở quê không có đất vườn, ban đầu phải có số vốn nhất định để mua đất, rồi tính toán chi phí duy trì hàng tháng. Nếu như ở thành phố bạn phải làm việc với cường độ 1,2 thì ở quê phải làm gấp 5 gấp 10 lần. Sẽ không có ngồi phòng máy lạnh, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu mà phải chấp nhận sẽ đen đi, gầy hơn, rồi cuốc đất khiến người đau mỏi, rệu rã.
"Về quê nuôi cá và trồng thêm rau" chẳng hề là cuộc sống trong mơ nếu chúng ta không nghiêm túc, chú tâm vào bất kỳ công việc gì đang làm. Chỉ cần là người có ý chí, bản lĩnh, quyết tâm và có năng lực, dù là nơi thành thị bon chen cũng có thể đạt được thành tựu. Còn là người nản chí, lười nhác, thì dù là về quê cũng không thể có cá với rau mà ăn.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.