img

Chân dung Giáo sư trẻ nhất Việt Nam

Trong đợt xét/phong Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2017, anh Nguyễn Hoàng Hiệp đã được công nhận chức danh Giáo sư ở tuổi 36.

img
img

Vị giáo sư trẻ bắt đầu cuộc trò chuyện một cách khá bất ngờ, anh cho biết, ngay từ khi còn nhỏ anh không phải là một người ham học. Anh tự nhận là một người may mắn khi đã tìm được niềm đam mê của mình. Từ may mắn đó, anh đến với Toán như một cái duyên.

Anh sinh ra tại mảnh đất hiếu học Hải Dương, trong một gia đình có truyền thống, bố làm kỹ sư, mẹ làm giáo viên. Mặc dù vậy, cách giáo dục và định hướng của bố mẹ GS. Hiệp cũng là rất khác.

“Mặc dù mẹ làm giáo viên, nhưng sự ảnh hưởng và người kèm cặp tôi học lại là bố. Ông luôn mong muốn tôi chăm chỉ học hành. Ông chỉ khích lệ, nói theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Chứ không phải là dạng gây sức ép. Bố mua rất nhiều sách, đủ các lĩnh vực để cho tôi tự tìm tòi, và thật may mắn, tôi tìm thấy bản thân tôi ở một trong những cuốn sách đó”, GS. Hiệp chia sẻ.

GS. Hiệp cho biết, thay vì ép con học và định hướng phải đi theo con đường mà gia đình chọn thì bố anh lại khích lệ và khuyến khích anh đi theo đam mê của mình.

“Ngày xưa, khi học THCS tôi không được tập trung cho lắm. Hồi đó, bố hay mua nhiều sách nhưng tôi không đọc bao giờ. Nhưng chơi mãi rồi cũng chán, vô tình tôi lấy quyển sách Số học ra đọc và thấy rất hấp dẫn. Khi đọc kỹ thuật giải của quyển Số học thì tôi nghiệm ra tôi yêu thích Toán. Rồi từ đó tôi mới bắt đầu học lại Toán một cách cẩn thận”, GS. Nguyễn Hoàng Hiệp kể.

img

Trong suốt 3 năm cấp 3, cậu học trò Nguyễn Hoàng Hiệp say mê với những con số, luôn cố gắng tìm tòi những bầu trời mới, kiến thức mới ở những cuốn sách Toán học. Những phương pháp giải Toán mới, cách giải nhanh được cậu học trò sáng tạo ra làm cho giáo viên dạy Toán đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Mỗi người chúng ta đều có một “ngưỡng cửa cuộc đời” của riêng mình. Đó là lằn ranh, là giới hạn chứng tỏ ta trưởng thành và biết suy nghĩ chín chắn hơn, và đôi khi đó cũng là sự lựa chọn quyết định cho tương lai. Và cậu học trò Nguyễn Hoàng Hiệp cũng phải lựa chọn, lựa chọn cho tương lai khi làm hồ sơ thi đại học.

img

“Vì tôi yêu môn Toán, muốn được làm công tác giảng dạy nên đã quyết định thi vào khoa Toán của đại học Sư phạm Hà Nội. Ngày đó tôi còn trẻ, cũng không đủ hiểu năng lực nghiên cứu của tôi đến đâu, chỉ nghĩ đơn giản là vào sư phạm để có thể giảng dạy môn này. Sau đó, khi vào trường học thấy rằng thiên hướng hơi về nghiên cứu, từ đó kết hợp cả 2 giảng dạy và nghiên cứu khoa học”, GS. Hiệp chia sẻ.

Hiệp đã xuất sắc vào trường đại học Sư phạm Hà Nội với số điểm rất cao. Cũng từ đó, Toán học đối với cậu sinh viên đất Hải Dương bước sang một bước ngoặt mới.

img

Ai trong đời cũng có một người thầy để nhớ. Suốt cuộc đời, chúng ta ghi dấu trong lòng những thầy cô đặc biệt, những người không chỉ dạy chữ mà còn truyền vào tâm hồn chúng ta những mơ ước, khát vọng vào tương lai. Và chắc chắn sẽ có một người thầy mà chúng ta còn dành những tình cảm hơn cả sự biết ơn, người mà ta luôn canh cánh nhớ về mỗi khi trong lòng có những băn khoăn cần người chia sẻ, cần một lời khuyên.

img
img

Khi bước chân vào giảng đường đại học Sư phạm Hà Nội, cậu sinh viên Nguyễn Hoàng Hiệp “như cá gặp nước” khi môi trường này có rất nhiều tài liệu và cuốn sách liên quan đến Toán học. Và như một cái duyên trong đời, anh gặp GS. Nguyễn Văn Khuê, người giúp “con cá” ấy bơi ra biển lớn. Anh quan niệm dù đạt được những thành công như thế nào, thì anh vẫn không thể quên “một người thầy – người bạn tri kỷ” trong suốt thời gian từ khi anh bước chân lên mảnh đất Hà Nội.

img

GS. Hiệp nói về điều này như một kinh nghiệm đối với những bạn trẻ: “Muốn giỏi người ta phải tiếp xúc với người giỏi. Càng tiếp xúc nhiều người giỏi trong tất cả các lĩnh vực thì tôi sẽ càng học tập được nhiều, đồng thời tự học, quan sát và rút ra những tri thức cho riêng mình. Ở đây thì cũng trao đổi thẳng thắn có GS. Nguyễn Văn Khuê, sau là GS. Urban Cefrell, người hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ. Và sau này khi chuyển sang viện Toán tôi cũng nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của GS. Ngô Việt Chung, GS. Lê Tuấn Hoa”.

img

Trở lại quá trình nghiên cứu khoa học của GS. Nguyễn Hoàng Hiệp, ban đầu khi còn là sinh viên, GS. Hiệp cho biết: “Thời ấy thực ra hầu hết mọi người chỉ đọc sách tiếng Việt thôi. Nên đến khi được đọc sách nước ngoài thì thấy nó mở ra cho tôi một kho tri thức mới. Tôi đọc xong, cả sách và một số bài báo và tôi đọc một số bài báo của GS. Urban Cefrell bên Thụy Điển, thu được một số kết quả, rồi hoàn thiện một số hướng nghiên cứu sau đó, thì có công trình gửi cho ông, ông mới đề nghị tôi sang bên Thụy Điển làm tiến sĩ do ông ấy hướng dẫn”.

“Sau khi sang đó bảo vệ luận án tiến sĩ xong thì quay lại trường Sư phạm HN tiếp tục giảng dạy. Một thời gian sau đó thì tìm được một số vị trí nghiên cứu sau tiến sĩ ở nước ngoài, như ở Ý, ở Pháp, một thời gian. Trong quá trình đó thì tôi làm với các nhóm nghiên cứu ở các nước…, tức là tôi tự đọc tài liệu, tự nghiên cứu và giải quyết một số câu hỏi trong Toán học. Nhờ thế mà công trình nghiên cứu nó cứ nhiều lên”, GS. Hiệp kể về quá trình nghiên cứu của mình.

img

“Tôi không quan tâm lắm đến việc đạt tiêu chuẩn Giáo sư ở tuổi 36. Làm công việc gì quan trọng nhất là đóng góp được gì chứ không quan tâm đến việc tôi đang bao nhiêu tuổi. Bên nước ngoài độ tuổi đạt giáo sư cũng dao động trong khoảng 40, có trường hợp chỉ 26, 28 tuổi đã được làm giáo sư rồi. Nhưng trung bình tuổi đạt giáo sư thấp hơn mình. Những trường hợp 26 tuổi thì đóng góp cho khoa học rất nhiều. Như anh Ngô Bảo Châu khi 31 tuổi được GS bên Pháp”, GS. Hiệp tâm sự.

img

Anh cũng nhận mình là người may mắn khi được phong chức danh Giáo sư ở tuổi 36: “Các tiêu chuẩn để được công nhận chức danh GS, PGS của chúng ta đã rõ ràng, có thể có nhiều người đi nước ngoài nên thiếu thâm niên giảng dạy. Trường hợp của tôi là hơi đặc biệt và khá may mắn, bởi khi làm Tiến sĩ vẫn giảng dạy trong nước chỉ khi bảo vệ mới sang Thụy Điển. Các bạn trẻ khác thì sang nước ngoài trong trọn vẹn thời gian học tiến sĩ nên sẽ bị thiếu thâm niên”.

“Bên nước ngoài, họ cũng đánh giá trên các phương diện: Đóng góp cho khoa học, đóng góp cho xã hội, đóng góp cho giảng dạy. Họ không đưa ra cụ thể như mình. Họ cứ căn cứ theo ba mặt đấy, nếu anh đóng góp cho khoa học quá nhiều mà 2 mặt kia yếu hơn thì vẫn được. Có nghĩa họ không đưa ra từng cái chi tiết như mình”, GS Hiệp nói về sự khác biệt dẫn tới những hạn chế trong việc chúng ta còn ít người trẻ đạt chuẩn GS.

img Từ xưa đến nay nhiều người trẻ có suy nghĩ môn Toán là khô khan. Nếu để nói gì đó với những người có năng lực về Toán để đam mê hơn, anh sẽ nói gì?

Đã nói về nghiên cứu khoa học thì phải dành thời gian mới thấy được sự thú vị từ nó. Toán có nhiều ý nghĩa trong việc giải thích hiện tượng trong cuộc sống. Ứng dụng Toán rất nhiều, tất cả các chuyên ngành trong cuộc sống đều có thể ứng dụng được. Toán học là công cụ, khi con người biết lao động là người ta đã nghĩ ra Toán để quản lý các hoạt động đó một cách quy củ, ví dụ như việc sáng tạo ra số tự nhiên.

img

Ứng dụng ngày nay đã đi khá sâu vào cuộc sống. Muốn điều khiển một vật nào trong Trái đất cũng đều cần phải sử dụng Toán học.

Anh đã bao giờ rơi vào bi kịch của đồng tiền? Bởi thực tế những người làm nghiên cứu thường khá nghèo.

Đó là suy nghĩ của mỗi người. Trường hợp của tôi có lẽ là hơi đặc biệt. Tôi lấy nghiên cứu làm đam mê chứ không nghĩ đến cái khác. Tuy nhiên, lương dành cho giáo viên hay người nghiên cứu cũng cần có điều chỉnh để họ yên tâm công tác hơn đủ để trang trải cho cuộc sống.

Chả lẽ anh không phải bận tâm chuyện mưu sinh, lo toan cho gia đình?

Mỗi người có một hoàn cảnh. Sau khi học đại học xong tôi thấy lương đi dạy như vậy là đủ rồi nên cũng không mưu cầu nhiều, khi bảo vệ Tiến sĩ ở nước ngoài thì họ cũng có lương cho mình. Số tiền đủ cho tôi làm nghiên cứu.

Giảng dạy ở trường sư phạm thu nhập có tốt không, thưa GS?

Ở đây cho một mức thu nhập vừa phải so với mặt bằng chung ở Việt Nam. Cũng đủ điều kiện để nghiên cứu. Khi làm khoa học tôi cũng xác định là không thể đầy đủ quá về kinh tế được.

Chắc anh làm nghiên cứu cũng không chịu áp lực kinh tế từ gia đình?

Tôi cảm thấy không áp lực thì không áp lực. Tất cả đều do mình, sự khổ luyện trong việc làm nghiên cứu cũng rèn luyện cho tôi nhiều điều tốt.

Anh đã sinh được mấy cháu? Cháu học giỏi Toán không?

Tôi được 1 cháu. Hiện đang học lớp 3 tại trường tiểu Nghĩa Đô.

Anh có thích con theo Toán không?

Bây giờ có nhiều lựa chọn. Tôi sẽ để con em tự do lựa chọn theo sở thích.

img
Anh có thể nói rõ hơn về trung tâm Unesco, nơi anh vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc?

Trung tâm Unesco ra đời sau một thỏa thuận giữa Chính phủ và Unesco. Thủ tướng đã đến thăm viện Toán. Tôi đã đề đạt xin chỉ đạo của Thủ tướng. Trung tâm này sẽ là nơi đào tạo những bạn trẻ có năng khiếu Toán học, đồng thời thu hút những người giỏi ở nước ngoài về. Với mục đích đạt trình độ tiệm cận quốc tế. Tất cả các sinh viên giỏi ở các trường đại học sẽ về đào tạo.

Anh có đặt yêu cầu cao với trung tâm đó? Làm cách nào để thu hút những người giỏi nhất, trong khi họ đang có xu hướng ra nước ngoài du học?

Trung tâm sẽ cấp một số học bổng để các bạn yên tâm học. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề cần suy nghĩ. Bởi bên nước ngoài học bổng cao hơn.

Học bổng trung tâm dự định đưa ra là bao nhiêu?

Sẽ rơi khoảng 1/3 mức quốc tế. Có nhiều người giỏi không muốn đi nước ngoài, nếu như tôi có môi trường tốt thì hoàn toàn có thể thu hút học viên. Học bổng cao nhất sẽ khoảng 10 triệu đồng. Thủ tướng đã chỉ đạo tạo điều kiện, nên tôi nghĩ sẽ ổn. Trước mắt phải hoàn thiện Trung tâm. Sau đó mới tuyển sinh và xin mức học bổng cụ thể. Ngoài ra, cũng có kinh phí từ Unesco.

Cảm ơn anh và chúc cho dự định của anh thành công tốt đẹp!