Chen ngang & ngáng đường nhau - Tình trạng lạm quyền tự nhiên này sẽ kéo lùi các nỗ lực phát triển, tạo ra sự lệch chuẩn, nuôi dưỡng sự bất mãn, trách móc, thói quen đổ lỗi, và lòng thù hận. Hiện tượng “Khá Bảnh” được nhiều người hút theo, hay thái độ vui mừng thỏa mãn khi những người có chức quyền “ngã ngựa”, phần nào chính là biểu hiện của hệ thống bị méo mó do tính lạm quyền.
Buổi sáng đi làm, hạt mưa bay bay trong thời tiết có khoảng trời tối sầm. Hàng trăm chiếc xe chen nhau nhích từng bước một. Phía trước là vài chiếc xe ô tô khổ lớn, chạy đường dài liên tỉnh, loại 50-60 chỗ, đang nhẩn nha chạy như chắn đường. Có vẻ như những người tài xế đang phải căng mắt ra tìm thêm khách cho nhà xe, để tăng thêm thu nhập cho gia đình họ. Nhưng dường như các anh không nhận ra cả một đoạn đường bị tắc. Giao thông trong hệ thống bị ách lại. Câu chuyện lặp đi lặp lại mỗi ngày trên tuyến đường này.
Nhìn rộng ra, thì một xã hội chậm phát triển không phải do thiếu những con người tài ba khôn ngoan, mà là thiếu tính hệ thống, thiếu tính tuân thủ tổ chức, mà một trong những nguyên nhân cốt lõi là trạng thái ngáng trở, sự lạm quyền triền miên của các cá nhân trong hệ thống. Trong nhà thì chèn ép nhau, trong tổ chức ngáng trở nhau, bất chấp hậu quả hệ thống.
Với những hệ thống yếu kém thì ai cũng có thể lạm quyền để “chen ngang” và “chắn đường” nhau, chứ không nhất thiết phải là người có chức có quyền hành. Một anh bảo vệ đưa người nhà vào khám bác sĩ không qua xếp hàng, người nhân viên cố tình cung cấp thiếu thông tin để gây khó khăn cho cấp trên, người giúp việc cho chất bẩn vào thức ăn của chủ cho bõ ghét, người cán bộ ưu tiên cho con vào cơ quan, hay vào qui hoạch, bất chấp những hạn chế về năng lực, thậm chí còn gian lận điểm thi quốc gia để cho con cái vào đại học. Không ai muốn tuân thủ nguyên tắc hay thể hiện trách nhiệm với hệ thống. Động cơ lợi ích cá nhân vượt lên trên luật pháp, lên trên tri thức, và lên trên cả các luân lý hay nguyên tắc ứng xử cộng đồng.
Trong hệ thống như vậy thì hôm nay bạn chèn ép người khác và cảm thấy mình chiến thắng, nhưng ngày mai lại có hàng chục người gây khó khăn cho bạn, dù là giao thông trên đường, xếp hàng trong sân bay, hay phối hợp công tác trong công sở. Một người có chức sắc, lạm dụng quyền hành hôm nay, thì ngày mai cũng sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của chính hành vi đó. Điều không thích thú nằm ở chỗ, chi phí ngày mai bao giờ cũng lớn hơn lợi ích anh chiếm hữu được ngày hôm nay. Cho nên sự vô tổ chức, thiếu tính nguyên tắc, thường gây hại cho chính cá nhân đó trong dài hạn, trước khi hệ thống và xã hội phải chịu hậu quả.
Ngay cả trong gia đình, khi tình thương của người mẹ hay người bà vượt quá các nguyên tắc ứng xử, cũng sẽ trở thành sự lạm dụng quyền hành, gây nên sự lệch chuẩn trong nhận thức của đứa trẻ. Đó cũng là phần nào lý do đã được đúc kết bằng câu thành ngữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
Tình trạng lần hồi lạm quyền này có thể diễn ra trong các tổ chức, gia đình, và xã hội, mà nguyên nhân của nó thì rất phức tạp, nhưng nạn nhân của nó sẽ có xu hướng lặp lại. Một đứa trẻ bị lạm quyền lớn lên sẽ dễ bị nhiễm thái độ này; một người sếp bị sếp cũ lạm quyền chèn ép, thì khi lên làm sếp họ cũng có xu hướng lặp lại, dù đôi khi họ cũng có thể e sợ hành vi của chính mình. Tình trạng lạm quyền tự nhiên này sẽ kéo lùi các nỗ lực phát triển, tạo ra sự lệch chuẩn, nuôi dưỡng sự bất mãn, trách móc, thói quen đổ lỗi, và lòng thù hận. Hiện tượng “Khá Bảnh” được nhiều người hút theo, hay thái độ vui mừng thỏa mãn khi những người có chức quyền ngã ngựa, phần nào chính là biểu hiện của hệ thống bị méo mó do tính lạm quyền.
Nói tóm lại, quan hệ con người trong gia đình, doanh nghiệp, tổ chức, và xã hội, là quan hệ ảnh hưởng qua lại, quan hệ quyền lực. Sự lạm quyền tự nhiên của các cá nhân là một biểu hiện yếu kém về tính tổ chức, mà hậu quả sẽ không lường hết được. Khi tôi viết những dòng này thì có một bạn là cán bộ tỉnh đọc được, hỏi vậy phải làm thế nào. Tôi nghĩ câu hỏi không hề dễ để trả lời, vì tính tổ chức là một thước đo về sự trưởng thành của hệ thống, mà trước hết là sự trưởng thành để công tâm, biết vì cái chung trước của những người được trao chức vụ và quyền hành. Còn về phía lý thuyết tổ chức, giải quyết vấn đề này cần tư duy hệ thống, chiến lược và cái nhìn dài hạn, dựa trên hai hướng tiếp cận song song là: chỉnh sửa “phần cứng” cơ cấu, và nâng cấp “phần mềm” con người; mà đó là nhiệm vụ của những nhà thiết kế và xây dựng chính sách.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.