Những ngày này cả nước hướng về tâm dịch Đà Nẵng, “chia lửa” với lực lượng y tế nơi thành phố biển xinh đẹp của miền Trung, có lẽ hình ảnh gợi nhiều cảm xúc nhất là tấm ảnh chụp những y bác sĩ bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang tự tay cắt tóc cho nhau…
Bức ảnh cán bộ y tế ở bệnh viện Phổi Đà Nẵng tự cắt tóc cho nhau hôm 29/7 gây xúc động mạnh
"Đã ba ngày trôi qua tại khoa Chống dịch dương tính của bệnh viện tôi. Mọi chuyện đều diễn ra theo đúng quy trình chống dịch nhưng hôm nay khi thức dậy, cảnh mà tôi thấy đầu tiên không phải là bệnh nhân mà là mọi người đang cắt tóc cho nhau” – bác sĩ Nguyễn Nhật Trường (bệnh viện Phổi Đà Nẵng) đã viết như vậy trên trang Facebook cá nhân vào sáng 29/7.
Người được cắt tóc trong ảnh là điều dưỡng Nguyễn Thu Thảo. Thợ cắt tóc bất đắc dĩ của chị Thảo là điều dưỡng Bùi Duy Cương. Cùng với chị Thảo, 6 nữ cán bộ y tế khác của bệnh viện này đã đồng loạt “xuống tóc” để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 đang ngày càng cam go, khốc liệt.
“Hết dịch rồi tóc sẽ mọc dài lại thôi mà”, vừa cắt tóc cho đồng nghiệp, điều dưỡng Cương vừa động viên, dù anh cho biết rất chạnh lòng và nhiều cảm xúc.
Còn bác sĩ Trường, bị xúc động mạnh trước hành vi nói trên nên đã dùng điện thoại ghi lại những hình ảnh đáng nhớ này và chia sẻ trên trang cá nhân như một cách cảm ơn những “thiên thần blousse trắng” quanh mình.
Không chỉ bác sĩ Trường, điều dưỡng Cương, có lẽ hàng triệu người Việt Nam đã xúc động vì bức ảnh nói trên, trong đó có tôi. Là phụ nữ, tôi thấm lắm quan niệm “cái răng cái tóc là góc con người” trong văn hoá truyền thống của người Việt.
Khi cuộc sống bình yên, việc thay đổi một kiểu tóc cũng đủ khiến những người phụ nữ cân nhắc nhiều ngày. Nhưng ở đây, trong tình thế nguy cấp phải cứu người, họ đã không ngại ngần cắt phăng đi cái “góc con người” của mình. Những mái tóc dài được cắt vội bởi kéo y tế, hẳn sẽ làm họ trông kém duyên, thậm chí trông buồn cười, nhưng có hề gì…
“Nếu tóc dài, mỗi lần tắm sẽ lâu khô. Khi mặc đồ bảo hộ y tế, mồ hôi ra nhiều rất khó chịu. Ngoài ra tóc dài còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo…” – những nữ điều dưỡng cho biết lý do thật giản dị. Họ cũng không có lựa chọn nào khác, bởi suốt những ngày qua, họ không được về nhà mà phải ở lại bệnh viện luân phiên túc trực 24/24 khi số người nhiễm và nghi mắc Covid-19 tăng lên từng ngày.
Bức ảnh cắt tóc của họ khiến tôi xúc động mạnh, bởi giờ này ngày này cách đây tròn ba tuần, tôi và nhóm bạn đang đi dạo ở bãi biển Sơn Trà. Rồi chúng tôi lang thang chợ Hàn ăn những cốc chè sầu riêng ngọt mát trước khi có cuộc hẹn cafe bên cầu Rồng với cậu bạn là phóng viên truyền hình ở địa phương.
Thời điểm đó, Đà Nẵng đã đông đúc trở lại sau 3 tháng cả nước không phát hiện thêm ca nhiễm bệnh nào trong cộng đồng. Hàng loạt chính sách kích cầu du lịch, phát triển kinh tế trong giai đoạn “bình thường mới” vừa được khởi động. Một chuyến farmtrip (tạm dịch: du lịch tiếp thị, khảo sát thị trường du lịch) về phát triển kinh tế ban đêm đã đưa nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến thành phố biển xinh đẹp này trong các ngày 8-10/7/2020. Vậy mà mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn chỉ sau đó hai tuần.
Sáng 25/7, Đà Nẵng bất ngờ trở thành nơi ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên, sau 99 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tính đến 18h ngày 31/7/2020, Việt Nam có 546 ca nhiễm Covid-19, trong tổng số 244 ca lây nhiễm trong cộng đồng thì đã có tới 104 ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng.
Đáp lại hàng loạt lời thăm hỏi động viên của chúng tôi, từ Đà Nẵng, cậu bạn phóng viên truyền hình cho biết, nhóm làm thời sự của cậu có 12 người chia 3 nhóm xoay tua liên tục để phát 7 bản tin về Covid-19 mỗi ngày. Cứ nhóm này tác nghiệp hiện trường thì nhóm kia làm hậu kỳ, đảm bảo không gặp nhau để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Họ gần như luôn xác định có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, nhưng bây giờ cả Đà Nẵng như trận chiến, mỗi công dân đều phải làm một chiến binh.
Tôi tin những gì cậu bạn phóng viên nói, bởi đây là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến chống đại dịch. "Liên quân" bệnh viện Phổi và bệnh viện Đà Nẵng là những “cứ điểm” chính tiếp nhận điều trị và cách ly bệnh nhân Covid-19.
Sự đoàn kết đồng lòng chống đại dịch của lực lượng y bác sĩ ở Đà Nẵng khiến tôi liên tưởng đến chiến thuật Phalanx của người Hi Lạp cổ đại, quốc gia từng dẫn đầu và đặt nền móng cho nghệ thuật quân sự trên thế giới. Chiến thuật Phalanx gắn với lịch sử quân sự của tộc người “bất khả chiến bại” Sparta, sau này được tái hiện trong nhiều bộ phim bom tấn chiếu rạp ở Việt Nam.
Mỗi khi ra trận, những chiến binh Sparta luôn đứng sát cạnh nhau, tấm khiên lớn được đưa lên che bên ngực trái để bảo vệ trái tim mình và một phần ngực phải của người kế bên. Mỗi chiến binh đều đặt niềm tin vào lòng can đảm của mình và chiến binh bên cạnh. Để rồi họ luôn chiến thắng.
Và giờ đây, câu chuyện lộng lẫy, hào hùng trên màn ảnh đó đang hiển hiện bằng xương bằng thịt trong cuộc chiến chống Covid-19 của chúng ta. Đó là những “chiến binh áo trắng” như bác sĩ Trường, điều dưỡng Thảo, điều dưỡng Cương…, là những bóng người vận chuyển hàng tiếp viện cho bệnh viện, là hình ảnh những người chồng, người cha vội vã trở về nhà chăm sóc con cái để người vợ thân yêu của mình yên tâm làm tròn trách nhiệm khi khoác trên mình chiếc áo blouse trắng đầy tự hào.
Tiếp nhận các nhu yếu phẩm thiết yếu dành cho đội ngũ nhân lực y tế tại khu vực bệnh viện C Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN
Chúng ta đều nhìn thấy, Đà Nẵng bây giờ đang có quá nhiều vấn đề phải giải quyết cùng lúc, từ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt của đô thị hơn một triệu dân, của những khu vực cách ly với hàng ngàn người tập trung một lúc; Từ nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch cho người dân, cho cán bộ y tế nơi bị phong tỏa; Từ những đòi hỏi cấp thiết bắt buộc về nhân lực, vật lực cho công tác điều trị gia tăng đột biến v.v….
Nhưng, cậu bạn tôi bảo, vẫn có một mẫu số chung cho tất cả những điều kể trên. Đó là nhu cầu chia sẻ, chung tay với Đà Nẵng để chống lại đại dịch toàn cầu. Thì đây, trước đó và mấy ngày nay, Thủ tướng Chính phủ, rồi các Phó Thủ tướng đều đã có các chỉ đạo hoặc họp trực tuyến với bệnh viện Đà Nẵng, sở Y tế Đà Nẵng, bệnh viện Trung ương Huế cùng nhiều bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện đầu ngành khác để hỗ trợ cho Đà Nẵng chống dịch.
Và rồi, việc “chia lửa” đã được làm rất nhanh bởi những lực lượng từng trải qua khoảnh khắc thập tử nhất sinh vì Covid-19. Đó là đội ngũ y bác sĩ đến từ bệnh viện Chợ Rẫy, từ Bệnh viện Bạch Mai, những nơi cách đây không lâu cũng đã là tâm dịch của vùng và đã chữa trị thành công cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Sự đồng hành, chắc chắn là như vậy. Cả nước sẽ đồng hành với Đà Nẵng trong cuộc chiến mới khởi phát trở lại ở nơi đây. Mong đại dịch qua mau, để những gia đình sớm được đoàn tụ, để những mái tóc phụ nữ Việt lại dài ra. Có dũng cảm đến đâu, họ cũng là phụ nữ, tôi tin thế.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả