img

Chỉ trích gom chữ A vì trẻ tự kỷ: Bỏ quên sự thấu hiểu!

Thủy Tiên - Mai Thu

Những ngày qua, xuất hiện không ít ý nghĩ tiêu cực về trào lưu gom 100.000 chữ A để lan tỏa nhận thức về trẻ tự kỷ, mong muốn tự kỷ được nhận thức sớm, thậm chí, có người cho rằng đó là trò PR trá hình. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xuất hiện những ý nghĩ này là do một số người thiếu lòng tin vào lòng tốt của những người xung quanh.

Lòng tốt bị nghi ngờ bởi… những người thiếu niềm tin

img

Hậu chiến dịch gom chữ A vì trẻ tự kỷ, đại diện Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) đã có lời cảm ơn và xin lỗi rất chân thành trên fanpage chính thức. Chương trình đã có 493.281 chữ A được ghi nhận. “Đây là một tin vui vỡ òa đối với chúng tôi, vì quả thực, chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến hiệu ứng như thế. Chúng tôi xin được tri ân cộng đồng đã ủng hộ chiến dịch, đã có những góp ý, phản biện, và cảm thông trong suốt thời gian qua”, VAN chia sẻ trong bài viết.

Tuy nhiên, chương trình cũng nhận được không ít những ý kiến trái chiều về cách thức truyền thông của chiến dịch, cho rằng đã làm ảnh hưởng đến mục đích tốt đẹp ban đầu đề ra. Chính vì vậy, VAN gửi đến cộng đồng lời xin lỗi chân thành vì điều này.

Chiến dịch gom 100.000 chữ A vì trẻ tự kỷ trên Facebook đã kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn còn lại, những bài viết phản biện vẫn đang được chia sẻ và bình luận trên Facebook.

Chia sẻ về chiến dịch này và những ồn ào mấy ngày qua, TS. xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên học viện Hành chính Quốc gia, TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Quan điểm của tôi ủng hộ chương trình này mặc dù vẫn có một chút sai sót về mặt thông tin truyền thông. Thực tế, VAN không hề lừa đảo hay gạt cộng đồng mà đây là chương trình có ý nghĩa rất nhân văn đối với trẻ tự kỷ. Chương trình đã lan tỏa sự yêu thương và quan tâm trẻ tự kỷ. Vì thế, mọi người hãy nâng đỡ nhau bằng tình yêu, ngưng chỉ trích khi không hiểu rõ”.

img

Nhắc đến nguyên nhân xuất hiện những ý nghĩ không tốt đẹp dành cho chương trình, TS. xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng: “Thứ nhất, VAN tryền thông không đúng, lúc đầu họ nói không được rõ ràng và đã nhận sai về cách thức truyền tải thông tin đến mọi người. Thứ hai là do hiện nay, trong cộng đồng có một bộ phận không tin rằng có những nơi đang chứa lòng tốt và những con người có tấm lòng thiện nguyện như vậy.

Thiếu lòng tin vào lòng tốt của con người là điều kinh khủng nhất trong xã hội bây giờ. Họ không tin là có những sự cho đi không cần nhận lại. Họ không tin có những tổ chức như VAN đang làm miễn phí cho cộng đồng và đương nhiên họ nghi ngờ có tính chất kinh doanh trong đó.

Chính vì vậy, tôi hy vọng, mọi người hãy thêm một chút niềm tin và lòng tốt đối với nhau vì đây là nhóm hội của những bà mẹ có con tự kỷ tạo nên, họ muốn được lan tỏa, muốn được quan tâm chứ không có bất kỳ mục đích kinh doanh nào trong đó”.

Mỗi người biết đến chữ A, một người hiểu thêm về tự kỷ

Ủng hộ chiến dịch đang nhận được khá nhiều sự quan tâm này, ThS. Nguyễn Thị Thu, giảng viên học viện Báo chí & Tuyên truyền cũng bày tỏ quan điểm: “Cá nhân tôi cho rằng, chiến dịch 3 chữ A có ý nghĩa rất tốt đẹp: Mỗi người biết đến chữ A là một người hiểu thêm về tự kỷ. Chính vì vậy, dù cho chiến dịch này không được tài trợ 200 triệu đồng thì tôi cũng vẫn sẽ ủng hộ và lan toả, bởi tiền không cứu được tự kỷ, nhưng nhận thức của cộng đồng thì có thể giúp đỡ người tự kỷ rất nhiều.

img

Và nếu VAN có thể nhận được 200 triệu đồng, tổ chức thêm nhiều các khoá tập huấn cho phụ huynh của trẻ tự kỷ nữa, thì càng tuyệt vời hơn”.

“Hơn nữa, tôi nghĩ rằng: Tự kỷ đã được công nhận là một dạng khuyết tật, và tôi thấy, trẻ tự kỷ không chỉ thiệt thòi so với trẻ bình thường, mà còn thiệt thòi so với chính các trẻ khuyết tật khác, bởi vẫn chưa được hưởng các chính sách đối với người khuyết tật.

Nếu như trẻ em khuyết tật nghe nói, khuyết tật vận động... được hưởng nhiều chính sách từ nhà nước, hay trẻ bị tim bẩm sinh cũng nhận được yêu thương và chung tay của xã hội... thì trẻ tự kỷ lại chưa được cộng đồng nhận thức đúng đắn. Các cha mẹ của trẻ tự kỷ, hàng chục năm nay vẫn phải nỗ lực, rất nhiều, để đòi hỏi một chút quyền lợi chính đáng cho trẻ, để cộng đồng hiểu, giúp đỡ, hoặc ít nhất là không kỳ thị người tự kỷ.

Năm ngoái, VAN đã tổ chức hàng chục khoá tập huấn cho các bậc cha mẹ khắp các tỉnh thành với nhiều tình nguyện viên không lương, địa phương cũng không mất phí. Và với 200 triệu đồng này, họ có thể tổ chức thêm 10-15 khoá tập huấn bổ ích như thế nữa. Cho nên, không thể tài trợ cho họ, thì tôi cũng đã góp chữ A để lan tỏa thông tin”, ThS. Nguyễn Thị Thu cho biết thêm.

Đồng thời, giảng viên học viện Báo chí & Tuyên truyền cũng chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ việc VAN truyền thông trên mạng xã hội. Trong bối cảnh không thể tổ chức các hoạt động khác để truyền thông như kế hoạch vào ngày 2/4 năm nay, tôi cho rằng mạng xã hội là một phương thức để lan toả được một cách nhanh chóng tới đông đảo cộng đồng.

Và trong đợt truyền thông này, nhìn nhận một cách lạc quan, thì chiến dịch 3 chữ A đã được lan tỏa rộng rãi, rất nhiều người biết đến tự kỷ - dù biết theo cách tích cực hay tiêu cực thì có lẽ họ cũng sẽ tìm hiểu về tự kỷ, họ sẽ không nhầm tự kỷ là trầm cảm, hay tự kỷ là điên nữa”.

Trẻ tự kỷ cần một cộng đồng thấu hiểu, cảm thông

Chị Bạch Thùy Linh (mẹ Ong) với tư cách là một người mẹ có con tự kỷ đã hoạt động tích cực vì con mình và những trẻ tự kỷ cũng như các bà mẹ có con tự kỷ khác, là người có hiểu biết về nguồn cơn câu chuyện đã đưa ra những thông tin cụ thể liên quan trong một bài chia sẻ trên Facebook.

img

Trong bài viết, chị Thùy Linh cho biết: “Mục đích chính của VAN là gì?... Ai có con tự kỷ mà chẳng xót xa, đồng cảm, muốn góp một tay để những người nghèo cũng dạy con tự kỷ được? Vậy VAN khởi xướng lên chiến dịch 100.000 chữ A để làm gì? Xin thưa, để thức dậy mối quan tâm và nhận thức về tự kỷ trong cộng đồng.

Năm 2020 rồi nhưng vẫn còn 99% người trưởng thành và cả trẻ em phát biểu “Tự kỷ là bị điên”, “Tự kỷ = trầm cảm”, “Buồn thì tự kỷ, trời mưa cũng tự kỷ”, “Tự kỷ là do bố mẹ mải kiếm tiền không quan tâm con cái”... Hãy “Google” để xem khoa học thế giới họ đã công nhận tự kỷ là khuyết tật não bộ bẩm sinh, chưa rõ nguyên nhân, không thể chữa được, và không phải do cha mẹ thiếu quan tâm, từ cách đây vài chục năm rồi.

Trẻ tự kỷ cần được cha mẹ nhận thức đúng, phát hiện sớm, và can thiệp kịp thời, đúng cách. Nếu Ong nhà tôi không được phát hiện lúc 2,5 tuổi (thực sự giai đoạn vàng là dưới 3 tuổi, nên 2,5 mới phát hiện cũng là khá muộn), thì bây giờ liệu tôi có một cậu con trai học lớp 3, nói viết song ngữ Anh - Việt, tình cảm, nhân hậu, trong sáng, biết chơi với bạn dù thỉnh thoảng cũng làm bạn đau không?

img

Việc phát hiện sớm và cha mẹ thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật, chịu đồng hành cùng con, sẽ làm thay đổi cuộc đời của những người tự kỷ, giúp họ có cơ hội trở thành người có ích cho xã hội, thay vì bị coi là đồ bỏ đi…

Cộng đồng cha mẹ có con tự kỷ của chúng tôi có buồn không? Buồn chứ. Tôi lặng lẽ góp nhặt chữ A từ giữa tháng 3, bận điên cuồng nhưng lâu lâu vẫn vào động viên, hỏi thăm các chị lãnh đạo của VAN và mong sớm đạt 100.000. Đến khi VAN công bố tên nhà tài trợ, làn sóng chỉ trích nổi lên. Tôi tin những người chỉ trích, một là họ chưa hề đọc được một bài viết nào giải thích cặn kẽ về chiến dịch mà chỉ nghe nói; hai là họ chưa từng có người thân, người nhà, con cái của bạn bè mắc tự kỷ nên họ không thể hiểu trên đời có một loại khuyết tật không thể nhìn thấy bằng mắt thường và đáng được cảm thông.

Nhưng đằng sau vài phút buồn thoáng qua, chúng tôi lại thấy vui mừng khôn xiết. Vì sao? Vì tháng 4 năm nay có thêm hàng triệu người biết đến tự kỷ, hiểu và cảm thông hơn cho một cộng đồng yếu thế đã tồn tại bao lâu nay trên đời mà không hề có được một chính sách hỗ trợ nào.

Tôi nhớ con tôi bắt đầu ổn ổn, tôi bắt đầu tham gia các hoạt động tuyên truyền về tự kỷ cùng VAN từ năm 2017, thật sự tốn rất nhiều tiền mới tổ chức được một sự kiện đi bộ ôn hòa quanh hồ Gươm, hay một buổi chiều hát miễn phí ở phố đi bộ, để cố gắng tuyên truyền tới vài trăm người xung quanh đó về tự kỷ, mà có khi thành phần ban tổ chức cũng chiếm đến 1/4 số khán giả.

Vậy thì ngẫm lại, chúng tôi được nhiều hơn mất, nên chúng tôi vui chứ! Tôi tin, khi dân trí đất nước cao hơn, xã hội thấu cảm và hiểu biết hơn…”.

img

Chị Phùng Thị Hiếu (39 tuổi, Hà Nội), mẹ của họa sĩ nhí Trần Nam Long chia sẻ: “Tôi tham gia chiến dịch gom chữ A này vì nhìn nhận được mặt tích cực. Đây không phải lần đầu tiên mà cũng đã có một vài lần tôi tham gia chương trình dành cho trẻ tự kỷ. Tôi cho rằng, trẻ tự kỷ bên cạnh sự quan tâm từ gia đình, cũng rất cần sự chia sẻ từ cộng đồng, xã hội.

Trong giai đoạn mà Long còn bé, con cũng có một số vấn đề của trẻ tự kỷ. Khi đồng hành cùng con, đưa con đi can thiệp, tôi cũng đã gặp rất nhiều trẻ tự kỷ, rồi trong bạn bè cũng có một số gia đình có con tự kỷ. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, một số gia đình chưa thực sự quan tâm tới con. Đối với những trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ mà được gia đình quan tâm sát sao thì rất thành công; cũng có những trẻ ở mức độ nặng hơn, đòi hỏi bố mẹ phải thực sự quan tâm và kiên trì “dài hơi”.

Tôi thì tôi không mấy quan tâm đến những ý kiến tiêu cực cho rằng “lợi dụng” này kia, mà tôi chỉ nghĩ đơn giản, những đứa trẻ tự kỷ như vậy, mình hãy suy nghĩ tích cực hơn, hỗ trợ phần nào cho những bạn kém may mắn hơn đó”.

“Mặt tiêu cực thì thực sự tôi không nhìn thấy, tôi chỉ nhìn thấy mọi người cùng chung tay để chia sẻ, giúp đỡ trẻ tự kỷ. Điều đó thật tốt!

Hơn nữa, thông qua đây, cũng giúp nhiều người thay đổi nhận thức về trẻ tự kỷ, chẳng hạn, thấy được tự kỷ là một dạng tật chứ không phải bệnh…”, chị Hiếu nhấn mạnh.

Trước những tranh cãi về chiến dịch gom chữ A vì trẻ tự kỷ trên Facebook, chị Mai Kim Phượng (SN 1975), mẹ Khôi Nguyên, cậu bé tự kỷ trở thành kỷ lục gia xiếc cũng đã nói lên nỗi lòng của mình. Chị Mai Kim Phượng bày tỏ: “Chương trình đã có sức lan tỏa rất lớn, mới đầu là sự tham gia của các nhà chuyên môn, giáo viên và những gia đình có con tự kỷ, nhưng sau đó, càng về cuối càng nhiều người không có người thân bị tự kỷ cũng tham gia, bạn bè và những người quen biết của tôi cũng rất nhiều người ủng hộ, chia sẻ”.

img

Chị Kim Phượng trải lòng, con chị giờ đã lớn nhưng khi con còn nhỏ, rất ít người hiểu về tự kỷ, con và gia đình đã từng rất khó khăn do không có thông tin, không có phương pháp, không có trường lớp và khó khăn lớn... nhất là sự kỳ thị của xã hội. “Giờ thì khác rồi, nhờ có những chương trình như thế này mà xã hội hiểu nhiều hơn về hội chứng tự kỷ, các con được can thiệp sớm, cha mẹ được tiếp cận với rất nhiều nguồn thông tin, các phương pháp tiên tiến nhất, giúp cho các con được can thiệp tốt hơn rất nhiều.

Đến giờ khó khăn và mong muốn lớn nhất của các gia đình có con tự kỷ vẫn là giúp các con hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống bình thường nhất. Muốn vậy thì phải có một cộng đồng hiểu và thông cảm với người tự kỷ”, chị tâm sự .

T.T-M.T

img